Hội nghị tổng kết Ban Chỉ đạo Tây Nguyên: Kiến nghị được chuyển mục đích sử dụng đất rừng để thực hiện một số dự án cấp thiết

Thứ tư, 11/01/2017 07:50

(Cadn.com.vn) - Chiều 10-1, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc), Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và bàn giải pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn năm 2017.

Toàn cảnh Hội nghị.

Chủ trì Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên Tô Lâm đánh giá cao những kết quả mà các tỉnh Tây Nguyên đã đạt được trong thời gian qua trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Đồng chí Tô Lâm đề nghị năm 2017, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các ban, bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các tỉnh quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nhất là các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII), đổi mới tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên.

Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên nhấn mạnh, các địa phương cần tập trung rà soát quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu; đôn đốc, chỉ đạo thực hiện đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy nhanh thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Các tỉnh Tây Nguyên lưu ý nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư trong, ngoài nước đến với Tây Nguyên và đầu tư vào các lĩnh vực Tây Nguyên có thế mạnh như nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng sạch, công nghiệp chế biến, chăn nuôi đại gia súc, dịch vụ du lịch…, đồng thời, thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, phát huy tối đa nguồn lực xã hội tại chỗ.

Các tỉnh Tây Nguyên cần tập trung xử lý vấn đề đất đai, xem đây là nhiệm vụ rất quan trọng của vùng trong năm 2017 và một số năm tiếp theo; đẩy mạnh công tác trồng rừng, triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý, bảo vệ rừng, đóng cửa rừng tự nhiên, thực hiện giải pháp phục hồi rừng bền vững. Các tỉnh nghiên cứu chủ trương xây dựng cơ chế đặc thù nhằm huy động các nguồn vốn phục vụ kết nối hạ tầng giao thông vùng Tây Nguyên, đồng thời, tập trung chăm lo phát triển sản xuất, cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số… Các tỉnh tập trung chỉ đạo việc củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở, trọng tâm là nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức Đảng, đảng viên ở những địa bàn trọng điểm, khó khăn, phức tạp…

Năm 2016, mặc dù hạn hán nghiêm trọng kéo dài, các tỉnh Tây Nguyên đã nỗ lực vượt qua, chỉ đạo, quản lý, điều hành, tháo gỡ khó khăn để kinh tế, xã hội tiếp tục phát triển. Giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn đạt trên 151.039 tỷ đồng, tăng 7,47% ,GRDP bình quân đầu người đạt 39,56 triệu đồng, tăng 8,57% so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, thu hút đầu tư có một số mặt chuyển biến tích cực, huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 78.796 tỷ đồng, tăng 7,25%, kim ngạch xuất khẩu và thu ngân sách đạt khá. Số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký tăng cao so với cùng kỳ. Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp phục hồi nhanh sau hạn hán, vừa duy trì diện tích gieo trồng, vừa đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhân rộng nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, phát triển theo hướng bền vững, gắn với chế biến và tiêu thụ. Nhiều nơi, người dân đã chủ động, linh hoạt chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả, khó tiêu thụ sang các loại cây trồng có nhu cầu thị trường cao. Công tác bảo vệ, phát triển rừng được các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền, các tỉnh quan tâm chỉ đạo khá quyết liệt nên tình trạng vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng có giảm, nhất là các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng, vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng, vận chuyển lâm sản trái phép.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chương trình, dự án, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ở các tỉnh Tây Nguyên ngày càng có nhiều tiến bộ, tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về trạm y tế có bác sĩ tiếp tục tăng, chất lượng khám chữa bệnh ban đầu tại các trạm y tế xã, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa từng bước được nâng lên…

Hội nghị kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép lồng ghép nội dung hỗ trợ doanh nghiệp vào các dự án sắp xếp dân cư, tăng mức hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ở các địa bàn vùng dân tộc thiểu số, dân di cư đến ngoài kế hoạch; cho phép tiếp tục thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng để thực hiện một số dự án cấp thiết như ổn định dân cư, bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, dự án đường Trường Sơn Đông. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, các tỉnh nghiên cứu cơ chế đặc thù nhằm huy động các nguồn vốn phục vụ kết nối hạ tầng giao thông trên địa bàn Tây Nguyên và phụ cận…

Tại hội nghị, đồng chí Tô Lâm đã trao 7.400 suất quà (mỗi suất 500.000 đồng) đến đồng bào nghèo các tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi giáp Tây Nguyên để góp phần hỗ trợ đồng bào nghèo ăn Tết.

Duy Hòa – TTXVN

Bộ trưởng Tô Lâm thăm gia đình chiến sĩ hy sinh và bị thương

Ngày 10-1, Thượng tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã đến thăm, động viên, tặng quà Tết gia đình và các đồng chí CBCS  bị thương và hy sinh trong ca trực chiến đêm 12-12-2016. Trước đó, đêm 12-12-2016, tại CA tỉnh Đắc Lắc, trong ca trực ban, trực chiến, không may 1 vụ nổ đã xảy ra làm một số CBCS hy sinh và bị thương. Bộ trưởng đã thăm hỏi, chia sẻ sâu sắc với sự đau thương, mất mát của thân nhân các gia đình và động viên đồng chí bị thương tiếp tục yên tâm, ổn định công tác tốt hơn.

Thượng tướng Tô Lâm thăm cán bộ bị thương.

Duy Hòa