Hội nghị trực tuyến thường niên giữa Chính phủ với các địa phương: Đề xuất hàng loạt giải pháp cho năm 2017

Thứ sáu, 30/12/2016 09:37

(Cadn.com.vn) - Sáng 29-12, kết luận Hội nghị trực tuyến thường niên giữa Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chủ đề của năm 2017 là “Tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững”.

Góp ý về chủ đề năm 2017, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị phải nhấn mạnh tinh thần "phát triển nhanh và bền vững". Đối với vấn đề môi trường đang được xã hội hết sức quan tâm, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên - Môi trường chỉ cho phép những dự án hoạt động khi đảm bảo vấn đề môi trường. Nếu có vấn đề về môi trường thì Bộ phải chịu trách nhiệm. Cũng liên quan đến vấn đề môi trường, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ bồi thường cho bà con gặp sự cố môi trường biển ở các tỉnh miền Trung để bà con phấn khởi ăn Tết và yêu cầu Bộ Tài nguyên - Môi trường giám sát chặt chẽ hoạt động của Formosa để bảo đảm sản xuất an toàn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa MTTQ Việt Nam và Chính phủ trong thúc đẩy thi đua sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất kinh doanh, hội nhập quốc tế; đẩy mạnh tuyên truyền bảo đảm an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường; giám sát đánh giá sự hài lòng của người dân; hỗ trợ đồng bào ứng phó với thiên tai, lũ lụt (Tết cho người nghèo, nhà cho vùng ngập lụt)...

* Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, cho biết tính từ đầu năm tới ngày 25-12, Chính phủ, Thủ tướng đã giao 10.205 nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan, địa phương. Trong đó có 6.367 nhiệm vụ đã hoàn thành. Còn 3.838 nhiệm vụ chưa hoàn thành, trong đó trong hạn là 3.656. Cho tới thời điểm này, chỉ còn 182 nhiệm vụ quá hạn, chậm trễ. Số nhiệm vụ quá hạn của năm 2016 chỉ chiếm 2,82%, giảm 22,18% so với cùng kỳ năm trước (số nhiệm vụ quá hạn năm 2015 chiếm tới 25%).

Chốt lại chủ đề năm 2017 mà Chính phủ đã đưa ra là “Tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững, Thủ tướng nhấn mạnh đây là bước tiếp theo quan trọng trong việc thực hiện chủ trương Chính phủ liêm chính kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. “Chính vì vậy, tôi đề nghị các đồng chí phải có quyết tâm chính trị, có khát vọng để đưa đất nước phát triển trong giai đoạn mới, mặc dù khó khăn còn muôn vàn”, Thủ tướng nói. Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, Thủ tướng đã đưa ra 30 giải pháp ở tất cả các lĩnh vực. Đây chính là kim chỉ nam để các địa phương bám sát triển khai thực hiện trong năm 2017 và các năm tiếp theo.

Thủ tướng yêu cầu năm 2017 tiếp tục ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát không quá 4%. Đây là điều kiện tiên quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển bền vững. Trong đó, vai trò của 4 cơ quan là Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước là rất quan trọng, nhất là dự báo chính xác và chủ động đưa ra giải pháp, không để bị động bất ngờ xảy ra, sẵn sàng có biện pháp can thiệp cần thiết.

Để phấn đấu tăng trưởng đạt 6,7% năm 2017, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, sớm giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo chất lượng tăng trưởng nhưng không tăng trưởng bằng mọi giá, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, bảo vệ môi trường.

Các địa phương, bộ, ngành cũng cần sớm phát hiện, đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ bãi bỏ những quy định ràng buộc, kìm hãm sự phát triển của đất nước; bãi bỏ ngay những quy định không hợp lý thuộc thẩm quyền của ngành, địa phương mình. Thủ tướng cũng yêu cầu xử lý hai vấn đề quan trọng là nợ xấu và nợ công; phát động phong trào thực hành tiết kiệm chống lãng phí, tiết kiệm từng đồng tiền của dân, phải tính toán đến hiệu quả khi sử dụng đồng tiền của dân.

Đi liền với đó là phát động một phong trào toàn xã hội, chống xa hoa hình thức phô trương. Trong bối cảnh nguồn lực Nhà nước có hạn thì phải tăng cường xã hội hóa, củng cố niềm tin vào tiền đồng Việt Nam, đảm bảo sức mua của tiền đồng Việt Nam trong trung và dài hạn để thu hút đầu tư.

Cùng với việc yêu cầu các địa phương, bộ, ngành tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phấn đấu đứng trong nhóm ASEAN 4 về môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu giải pháp để khuyến khích 3,5 triệu hộ kinh doanh cá thể chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Thủ tướng lưu ý, hệ thống chính quyền các cấp ở địa phương phải chuyển động một cách thực sự, thay vì chỉ cấp Trung ương và lãnh  đạo tỉnh.

Thủ tướng cũng chỉ đạo quyết liệt cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016 -2020, trong đó nhấn mạnh đến trách nhiệm của từng chủ tịch UBND các địa phương và Bộ trưởng, không để xảy ra thất thoát tài sản Nhà nước; đồng thời kiên quyết xử lý các dự án thua lỗ lớn.

Cùng với đó, Thủ tướng lưu ý các địa phương trong việc chấn chỉnh lại công tác quy hoạch đô thị. Thủ tướng không hài lòng trước việc các cơ sở di dời khỏi nội thành đều trở thành các khu đô thị cao tầng, mật độ dân cư cao gây ách tắc giao thông, quá tải trầm trọng hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, điện, vệ sinh môi trường. Trong khi các thành phố cần hơn là những công viên, các công trình công cộng phục vụ cho người dân và góp phần thu hút khách du lịch.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương tập trung thực hiện nhiệm vụ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Mục tiêu cuối cùng là lo cho dân, không được để dân thiếu cơm thiếu muối, không được để dân bệnh tật, không có chỗ cho con cái học hành, người dân sống an toàn hơn. Để từ đó, mỗi người dân phải có niềm vui, niềm tin vào chế độ ta. Do đó phải có những hành động cụ thể, thái độ hành xử của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương, cơ sở phải thể hiện điều đó.

Thu Thủy – TTXVN