Hồi sinh biển miền Trung (Kỳ 2: Vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc)
Với ngư dân, dù hoàn cảnh nào thì mục tiêu bám biển của họ cũng được đặt lên hàng đầu. Trong khi nguồn thủy sản gần bờ dần cạn kiệt, khó khai thác thì họ lại nghĩ đến việc đóng mới những con tàu lớn để vươn xa. Trong 2 năm, cùng vào cuộc với ngư dân, Chính phủ cũng đã có nhiều chỉ đạo, ban hành nhiều gói hỗ trợ từ đó giúp ngư dân đầu tư tàu lớn, máy lớn vươn khơi đánh bắt để vừa tăng sản lượng vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Đại diện chính quyền, ngân hàng đến thăm, động viên ngư dân Quảng Bình chuẩn bị hạ thủy con tàu vỏ gỗ đóng tại Đà Nẵng. |
Sắm tàu nhiều tỷ
Khác với cuộc sống của người dân đánh bắt ven bờ, tại cảng Gianh (H. Bố Trạch, Quảng Bình) những ngày đầu tháng 9 nhằm vào dịp cuối con trăng nên hàng trăm tàu thuyền công suất lớn cũng chuẩn bị hàng hóa, nhu yếu phẩm cho chuyến biển mới. H. Bố Trạch là một trong những huyện có đội tàu đánh bắt xa bờ hùng mạnh nhất tỉnh Quảng Bình, trong đó các xã Đức Trạch, Hải Trạch, Nhân Trạch, Thanh Trạch... đang sẵn sàng chuẩn bị cho đợt đánh bắt mới. Ngư dân Hồ Văn Hờn (xã Đức Trạch) vui vẻ cho biết, sau sự cố môi trường biển 2016, anh cũng chơi vơi vì nghề biển rơi vào tình thế khó khăn. Sau hơn 1 năm nỗ lực, được sự hỗ trợ của các cấp ngành, vợ chồng anh bàn nhau cùng 2 người anh em chung vốn đóng mới con tàu cá trị giá hơn 8 tỷ đồng. Và đây là chuyến biển đầu tiên của con tàu mới mà anh Hờn cùng 2 anh em vừa hạ thủy. "Giờ vay vốn lớn, làm tàu lớn thì phải vươn khơi đánh bắt mới mang lại hiệu quả cao hơn để nhanh chóng có tiền trả nợ vay đóng tàu"-anh Hờn tràn đầy hy vọng.
Tương tự, anh Hồ Đăng Nam (trú thôn Nam Đức, xã Đức Trạch) cũng đang hăm hở làm nốt những công việc cuối cùng trên con tàu vỏ gỗ dài hơn 27m vừa mới hạ thủy cách đó mấy ngày để chuẩn bị cho chuyến vươn khơi đầu tiên. "Con tàu này tui cùng một người khác chung vốn đầu tư giá trị hơn 8 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm của gia đình và vay mượn. Mong sao trời yên biển lặng để những chuyến ra khơi đầy tôm cá, mong chóng trả hết nợ vay"-anh Nam nói. Còn anh Hồ Văn Cường-chủ tàu cá công suất 400CV ở xã Đức Trạch cho biết, mỗi năm tàu thực hiện nhiều chuyến đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa-Trường Sa. Trong đó, theo quy định của Nhà nước sẽ có 4 chuyến biển được hỗ trợ tiền dầu, tổng cộng mỗi năm cũng được khoảng 300 triệu đồng. Đây là nguồn động lực rất lớn, tạo sự yên tâm cho ngư dân trước khi vươn khơi đánh bắt.
Anh Hồ Đăng Hài-chủ doanh nghiệp xăng dầu Hải Đăng, đang kinh doanh tại khu cảng Gianh cho biết, vào đầu mỗi con trăng, ngư dân Quảng Bình nói chung và ngư dân của H. Bố Trạch nói riêng đều bắt đầu chuyến biển mới. "Để chuẩn bị cho một chuyến biển từ 15-20 ngày, hiện nay mỗi tàu tại đây lấy từ 8.000-20.000 lít dầu. Cùng với các nhu yếu phẩm khác, chi phí ban đầu cho mỗi chuyến biển ít nhất cũng từ 100-250 triệu đồng. Chính vì vậy, ngư dân nơi đây đã xác định ra biển là phải thắng lợi"-anh Hài chia sẻ.
Chỉ trong 2 năm qua, con số tàu lớn (từ 90CV-trên 800CV) của xã Đức Trạch đã tăng 200% so với những năm trước. Ông Hồ Đăng Chiến-Chủ tịch UBND xã Đức Trạch (H. Bố Trạch) cho biết, tính đến tháng 8-2018, toàn xã có gần 500 tàu đánh bắt xa bờ công suất từ 90-800CV. Hiện xã cũng có 5 tàu vỏ thép. Trong năm 2017 và 8 tháng đầu năm 2018, đã có 71 tàu vỏ gỗ, công suất từ 800CV trở lên được ngư dân Đức Trạch đóng mới, với vốn từ khoảng 7-8 tỷ trở lên mỗi tàu vỏ gỗ và từ 17 đến 25 tỷ đối với tàu vỏ thép. Tàu của bà con ngư dân Đức Trạch không chỉ đánh bắt ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ mà còn vươn ra đánh bắt tại các vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Nhờ đội tàu hùng mạnh nên sản lượng đánh bắt cũng ở mức cao. Theo thống kê, năm 2017 toàn xã đánh bắt được hơn 11.500 tấn hải sản các loại. Tuy nhiên, trong 8 tháng đầu năm 2018 mới được 6.000 tấn. "Sản lượng đánh bắt hải sản giảm là do năm nay toàn khu vực miền Trung biển mất mùa. Tuy nhiên, giá hải sản hiện đã lên cao do nhu cầu tiêu thụ. Mặt khác, hiện nay Chính phủ có chính sách hỗ trợ tiền dầu cho ngư dân vươn khơi bám biển theo Nghị định 48 nên người dân cũng yên tâm bám biển đánh bắt".
Hà Tĩnh là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề từ sự cố môi trường. Hơn thế, tác động của sự cố môi trường là một trong các nguyên nhân chính làm cho tăng trưởng cả 3 khu vực kinh đế của tỉnh đều không đạt kế hoạch, giá trị sản xuất thủy sản giảm mạnh... Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn, sau sự cố môi trường biển, song song với thực hiện các chính sách hỗ trợ, đền bù, tỉnh Hà Tĩnh tập trung vào công tác chuyển đổi, đào tạo nghề. Đến nay cơ cấu tàu thuyền của tỉnh đã có chuyển biến tích cực, đặc biệt là đội tàu đánh bắt xa bờ. Đến nay có 127 chiếc tàu (trên 90CV) được cải hoán, đóng mới. Sản lượng đánh bắt năm 2017 ước đạt 32.000 tấn, tăng 22,3% so với năm 2016. Về nuôi trồng, năm 2017, toàn tỉnh thả nuôi đạt 100% kế hoạch, sản lượng nuôi trồng vượt 4,5% kế hoạch đặt ra.
Ngư dân Quảng Bình sửa sang máy móc để chuẩn bị ra khơi. |
Tiếp sức cho ngư dân vươn khơi
Một trong những chính sách hỗ trợ ngư dân khôi phục nghề biển sau sự cố môi trường biển được đánh giá cao là Quyết định 12/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với các chính sách ưu đãi cho người dân 4 tỉnh miền Trung. Phó Chủ tịch UBND H. Phong Điền (TT-Huế) Nguyễn Văn Cho nhận định, Quyết định 12 của Chính phủ là cơ hội tốt cho người dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống trước mắt cũng như lâu dài. Ngư dân có thể vay vốn đến 100 triệu đồng để sản xuất, kinh doanh (SXKD), ưu tiên cho vay để chuyển đổi nghề khai thác biển tầng đáy sang tầng nổi với lãi suất chỉ 1%, phần lãi còn lại sẽ được cấp bù từ nguồn kinh phí bồi thường thiệt hại của Cty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Nếu ngư dân có nhu cầu vay vượt mức trên thì ngân hàng xem xét giải quyết theo quy định. Thêm một chính sách đáp ứng tâm tư nguyện vọng của người dân là được khoanh nợ nếu chưa có khả năng trả nợ gốc, lãi đúng hạn. Các hộ này được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và cho vay mới để khôi phục SXKD. Các tổ chức tín dụng không thu lãi của khách hàng trong thời gian khoanh nợ...
Ông Nguyễn Lớn ở xã Phong Hải (H. Phong Điền) chia sẻ: "Dù có phát triển thêm các nghề mới thì đánh bắt gần bờ vẫn là nghề chính của người dân. Việc chuyển đổi sang nghề khai thác tầng nổi trong 20 hải lý và các nghề đánh bắt từ 20 hải lý trở ra là rất cần thiết. Chi phí mua sắm các nghề khai thác tầng nổi từ 70 triệu đến trên 100 triệu đồng. Điều này rất cần sự hỗ trợ của các cấp, ban ngành về vốn, kỹ thuật sản xuất, cải hoán, nâng cấp tàu thuyền. Theo ông Trịnh Đức Hùng- Chủ tịch UBND H. Phong Điền, thời gian qua, lãnh đạo huyện, các ban ngành đã về tận các xã, thôn, trực tiếp lắng nghe tâm tư nguyện vọng của ngư dân trong việc khôi phục sản xuất. Những kiến nghị về việc hỗ trợ chuyển đổi sang nghề đánh bắt tầng nổi, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm... được huyện tổng hợp, báo cáo lên Sở NN&PTNT và UBND tỉnh để có giải pháp hỗ trợ.
Bí thư Tỉnh ủy TT-Huế Lê Trường Lưu cho biết, sau sự cố môi trường biển xảy ra vào tháng 4-2016, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương ven biển sâu sát nắm bắt thông tin, đề xuất kịp thời, xử lý nhanh chóng các phần việc trong thẩm quyền để góp phần ổn định ANCT-TTATXH tại địa phương. Sau hơn 2 năm, đến thời điểm hiện tại, hoạt động khai thác hải sản biển, đặc biệt là vùng xa bờ đã ổn định và dần tăng về sản lượng. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đã khôi phục trở lại, tình hình tiêu thụ hải sản đã ổn định, người dân buôn bán bình thường như trước đây, tình hình ANTT được giữ vững.
Nhóm P.V
Kỳ tới: Chuyển hướng xuất khẩu lao động