Hồi sinh vùng đá đỏ (Bài 2: Đồi Tỷ trở thành… đồi tử!)

Thứ năm, 01/11/2018 20:00

Cơn lốc đá đỏ kéo đến cùng với bao hệ lụy khôn lường chôn vùi bản Khoang. Dân bỏ ruộng vườn đi đào hầm, khoét núi khiến đồi Tỷ, đồi Triệu, đồi Cỏ may, đồi Mồ côi... trở nên tan hoang, xơ xác. Chết chóc, dịch bệnh, ma túy, mại dâm bủa vây khắp bản làng.

Ông Lê Hữu Khẩn chỉ về khu vực đồi Tỷ nơi xảy ra vụ sập hầm.

KẾT CỤC BUỒN CỦA NHỮNG PHU ĐÁ

Ở bản Khoang, xã Châu Bình, cứ vài ngày, người ta lại nghe tiếng khóc ai oán ở đâu đó về một cái chết không báo trước của những phu đào đá đỏ. Đó có thể là chết do đói, chết do sốt rét, chết do sập hầm, chết do những cuộc thanh trừng, cướp bóc lẫn nhau.

Dẫn chúng tôi lên đồi Tỷ, một khoảng đồi hàng trăm héc-ta với đất, đá lổm chổm dấu tích một thời. Từng cái hố bị đào bới một cách nham nhở, trong đó có 2 hố sâu chừng vài chục mét giờ đây trở thành hồ đựng nước tưới tiêu cho những cánh rừng. Chỉ tay vào cái hố sâu và rộng nhất, ông Lê Hữu Khẩn- nguyên Phó giám đốc Xí nghiệp đá màu Nghệ Tĩnh cho hay, đồi Tỷ trước đây rất cao nhưng sau trận càn quét của cơn bão đá đỏ, quả đồi này đã bị đào, khoét khiến hơn một nửa bị sạt xuống. Giờ đây, nó đã trở thành cái hồ sâu vài chục mét, hoang vu đến đáng sợ”, ông Khẩn nói.

Gần 30 năm về trước, cái hố này đã diễn ra những trận tử chiến đầu tiên và một vụ sập hầm kinh hoàng chôn vùi 75 sinh mạng. “Đó là vào mùa hè năm 1991, khi hàng trăm người đang vây quanh một căn hầm hàm ếch ở khu vực đồi Tỷ chờ đưa lên những bao đất mang đi đãi, nhặt đá đỏ. Bỗng nghe một tiếng “ầm” như động đất. Tiếng hô thất thanh vang lên “sập hầm rồi, cứu người…”. Khi đến nơi thì nhìn thấy một vùng đất đá bị sập xuống vùi lấp hàng chục người trong đó gồm phu đá và cả người đứng xem. Xác người lần lượt được đưa lên khỏi miệng hầm, cuốn vội trong tấm chiếu rách rồi khiêng ra nằm la liệt dọc QL48. Tiếng khóc than ai oán, tang tóc bủa vây khắp bản làng. Thời đó chưa có máy móc hiện đại như bây giờ nên công tác tìm kiếm được làm rất thủ công. Sau 10 ngày nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng đã tìm được 70 thi thể, hiện vẫn còn 5 thi thể chôn vùi dưới lòng hồ”, ông Lang Thanh Hoài- Trưởng CAX Châu Bình rùng mình nhớ lại.

Ở xóm Bình Minh, xã Nghĩa Lộc, H. Nghĩa Đàn (Nghệ An), thời ấy sau khi nghe tin Quỳ Châu có đá đỏ, từng đoàn thanh niên trai tráng trong làng lần lượt kéo nhau lên xã Châu Bình nuôi giấc mơ đổi đời. Thời điểm đầu năm 1991, hơn 50 người dân xóm Bình Minh trong đó có cả xóm trưởng Hồ Trọng Hiển lập thành một hội kéo nhau đi đào đá đỏ. Tuy nhiên, sau khi tiếp quản hầm đào đất, tìm đá mới được một ngày thì xảy ra vụ sập hầm. Tai họa đã vùi chết 7 người trong xóm, trong đó có hai anh em ruột, ba người khác được đưa đi cấp cứu kịp nên may mắn thoát chết.

Anh Nguyễn Văn Thắng, một phu đá ở xã Châu Bình, H. Quỳ Châu, kể: “Năm 1991, tôi cùng 5 anh em trong xóm mang cuốc, xẻng lên đồi Tỷ tìm vận may. Tôi chỉ nhớ vào một buổi trưa tháng 6 -1991, khi nhóm chúng tôi trên đường rút ra khỏi hầm để nghỉ ăn cơm trưa thì bỗng dưng một tiếng “ầm” rung chuyển cả đồi Tỷ. Tôi với anh Hương đang ở trong hầm thì bỗng nhiên đất lở, miệng hầm đổ ập xuống. Anh Hương tử vong, tôi bị đất đè bất tỉnh mãi đến khi được mọi người đưa đi cấp cứu, một thời gian sau mới phục hồi trí nhớ”.

Ông Lang Thanh Hoài- Trưởng CAX Châu Bình kể về vụ sập hầm kinh hoàng khiến 75 người thiệt mạng.

TRẬT TỰ DẦN ĐƯỢC LẬP LẠI

Đến năm 2000, nghe tin lộ thiên đá đỏ ở vùng đồi Tỷ, hàng nghìn người dân lại ào ào  xông vào chen nhau đào bới. Lúc bấy giờ, mặc dù khu vực này đã được giao cho Xí nghiệp đá quý khoáng sản Nghệ An (nay thuộc Công ty CP đá quý và vàng Hà Nội) quản lý nhưng người dân vẫn ào vào “hôi” đá đỏ, có lúc lên đến gần 3.000 người. Một cuộc tranh giành lãnh địa đá quý lại nổ ra.

Thời điểm phát lộ đá quý là khu vực thuộc quản lý của Xí nghiệp đá quý khoáng sản Nghệ An nhưng toàn bộ khu vực này đã bị phong tỏa, nhiều thanh niên vác dao, mác đứng canh gác, không có bất cứ ai được bén mảng vào. Ông Lê Hữu Khẩn- nguyên Phó Giám đốc Xí nghiệp đá quý khoáng sản Nghệ An, cho biết: “Là kỹ sư mỏ - địa chất, trực tiếp thăm dò trữ lượng đá màu ở đây nhưng tôi không được vào khu vực phát lộ đá đỏ. Sau khi trình bày xin xỏ mãi, tôi nói xin vào ngó 15 phút, chúng mới “áp tải” cho vào rồi hết giờ là bị lôi ra ngay”.

Sau khi CAH Quỳ Châu, CA tỉnh Nghệ An vào cuộc quyết liệt, việc phân chia, cát cứ mới được dẹp bỏ. Sau đó, Xí nghiệp đá quý khoáng sản Nghệ An đã khai thác và thu được 18 kg đá màu trên khu vực đồi Tỷ và chuyển ra Hà Nội giám định loại đá, tuổi đá. “Khi tình trạng tranh giành, phân chia cát cứ bị dẹp bỏ, xí nghiệp chúng tôi bắt đầu vào cuộc khai thác. Tết năm đó, Giám đốc huy động anh em làm việc xuyên tết. Mọi quy trình khai thác, sản xuất đá đỏ được quản lý một cách nghiêm ngặt với máy móc và hệ thống người đứng giám sát. Đá đỏ sau khi được khai thác sẽ được cho vào bì, cho vào hòm sắt, khóa lại rồi chuyển ra Hà Nội”, ông Khẩn nhớ lại.

Tháng 6-2013, hoạt động khai thác đá màu tại đây chính thức bị ngừng do hết giấy phép. 6 năm nay, đơn vị này vẫn đang làm giấy phép xin gia hạn khai thác nhưng vẫn chưa được. Hoạt động khai thác chấm dứt, những dãy nhà làm việc của Ban giám đốc, nhà ở của công nhân trở nên xuống cấp, đổ nát. Cũng theo ông Khẩn, đá đỏ ở dạng sa khoáng đã được người dân đào, đãi hết, hiện tại chỉ còn tồn tại ở dạng gốc. Tuy nhiên, để khai thác loại này phải dùng đến máy móc hiện đại, thậm chí là dùng mìn nhưng Công ty đang chờ cấp giấy phép nên công nhân vẫn phải bám trụ để canh giữ mỏ.

Phóng sự: DƯƠNG HÓA