Hồi sinh vùng đất khó

Thứ tư, 03/11/2021 16:36

Những ngày này, nơi cánh đồng Gò Giảng (xã Hòa Phong, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng), nông dân đang tất bật xuống giống, chăm sóc cho vụ hoa Tết Nhâm Dần 2021 với nhiều kỳ vọng. So với các làng hoa Vân Dương (xã Hòa Liên), Nhơn Thọ (xã Hòa Phước), Dương Sơn (xã Hòa Châu) đã khẳng định thương hiệu của mình từ hàng chục năm nay thì làng hoa Gò Giảng chỉ mới tiếp cận thị trường Tết.

Thương lái tìm đến làng hoa Gò Giảng (xã Hòa Phong, H. Hòa Vang) thu mua hoa cúc chậu bán Tết.

Gặp chúng tôi, nhiều cư dân địa phương vui vẻ cho biết: “Từ một vùng đất cằn cỗi, bạc màu trước đây, nay đã trở thành vùng đất khoe sắc của các loài hoa. Chỉ riêng vụ Tết năm ngoái, mỗi hộ dân trồng hoa nơi đây cũng “bỏ túi” thêm 15-20 triệu đồng. Số tiền đó đối với người dân chúng tôi quả không nhỏ chút nào”. Lão nông Trần Văn Tư nhớ lại, do không chủ động nguồn nước, bao năm qua, vùng đất Gò Giảng chỉ có các luống sắn, luống khoai còi cọc, như gia đình ông có 1,5 sào đất trồng sắn nhưng chuyện có trồng mà chẳng có thu nhập cứ lặp đi lặp lại; chỉ đến khi Nhà nước đầu tư xây dựng đường giao thông nội đồng, lắp đặt hệ thống điện và nước tưới phục vụ cho dự án trồng hoa rộng 2ha thì mọi chuyện nơi đây đổi thay nhiều. Tín hiệu hồi sinh vùng đất khó dần dần chuyển động theo hướng tích cực...

Đang làm đất chuẩn bị xuống giống các ruộng cúc đất, bà Thi Thị Hòa hồ hởi trải lòng: “Năm ngoái, từ 2 sào hoa này, nhà tôi thu được gần 20 triệu đồng. Gia đình tôi đã đón một cái Tết đủ đầy. Năm nay, tiếp tục trồng 2 sào cúc nhưng chia làm 3 đợt, mỗi đợt cách nhau 15 ngày để thu hoạch dần. Nghề trồng hoa luôn bận bịu, phải thường xuyên có mặt ở vườn để kịp thời phát hiện, xử lý sâu bệnh gây hại. Để hoa trổ bông đúng vào thời điểm thu hoạch, nhà tôi lắp đặt thêm nhiều bóng điện tại ruộng để thắp vào ban đêm, kéo dài thời gian chiếu sáng, giúp cây giống tươi lâu và ra nụ đều”.

Còn theo anh Đoàn Phương Lịnh, để đón lứa hoa Tết, người trồng hoa cúc chậu như ông thường xuống giống từ đầu tháng 9 âm lịch. Bên cạnh đó, phải đảm bảo phương pháp kỹ thuật canh tác, thường xuyên chăm sóc và theo dõi cây phát triển. Kinh nghiệm cho thấy, càng về cuối năm, thời tiết mưa nắng thất thường, ảnh hưởng đến chất lượng cũng như số lượng nên gây bất lợi cho người trồng hoa. Để chuẩn bị hoa Tết năm nay, gia đình anh xuống giống 1.500 chậu cúc đại đóa, pha lê... “Trồng hoa Tết cho thu nhập khá nên có nhiều người tham gia. Giá bán thì tùy vào thành phẩm từng chậu hoa, phụ thuộc vào việc người chăm sóc có tốt hay không, nhưng dù giá cả có thấp đi chăng nữa thì thu nhập từ nghề trồng hoa vẫn cao hơn so với trồng các loại cây màu khác”, anh Lịnh cho biết thêm.

Có thể thấy, hơn 5 năm trở lại đây, nghề trồng hoa đã mang lại lợi nhuận khá, do đó diện tích trồng hoa ở Gò Giảng ngày càng mở rộng. Nếu trước đây, các hộ dân chỉ trồng hoa thương phẩm như cúc kim, vạn thọ ngắn ngày bán ngày Rằm, mồng 1 âm lịch với quy mô nhỏ, lợi nhuận kinh tế không cao thì nay nhờ biết áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, họ trồng thêm nhiều loài hoa khác như ly ly, đồng tiền... phục vụ thị trường nên nghề trồng hoa đã mang lại thu nhập ổn định cho bà con. Tuy nhiên, cứ mỗi mùa xuống giống vụ hoa Tết, người trồng hoa vẫn nơm nớp lo sợ trước những diễn biến thất thường của thời tiết; trong lúc công việc trồng hoa đòi hỏi sự tỉ mỉ, cần cù, chịu khó và không thiếu sự vất vả, nhưng vì giá trị kinh tế mang lại từ trồng hoa và để cho ngày Tết của mỗi nhà thêm hương vị, nông dân Gò Giảng vẫn cứ miệt mài với công việc của mình.

VY HẬU