Hội thảo "Hạn chế tổn thương tinh thần trong tác nghiệp báo chí"
Với mong muốn trang bị cho các phóng viên những kiến thức cần có khi phải đối mặt với những tình huống nguy hiểm cũng như tăng cường mối quan hệ giữa phóng viên và độc giả, nâng cao năng lực chuyên môn của người đưa tin, trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) vừa phối hợp Lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM tổ chức Hội thảo "Hạn chế tổn thương tinh thần trong tác nghiệp báo chí" với sự tham gia của Tiến sĩ (TS.) Cait McMahon OAM-Giám đốc Trung tâm Dart Center-Asia Pacific thuộc Đại học Columbia (Mỹ), nhà báo-nhà văn Phạm Lan Phương (bút danh Khải Đơn) cùng đông đảo phóng viên báo chí và các bạn sinh viên đang theo học ngành Báo chí.
TS. Cait McMahon hướng dẫn các phóng viên, nhà báo tham gia hội thảo cách thở để lấy lại sự tập trung. |
Hội thảo đã cung cấp các kiến thức về sự ảnh hưởng tâm lý trong quá trình đưa tin, cũng như chia sẻ kinh nghiệm để cùng tìm ra các giải pháp bảo vệ phóng viên trước nguy cơ và sang chấn tâm lý khi tác nghiệp, đặc biệt về tường thuật thảm họa, bạo lực và tự tử. Hội thảo còn đưa ra nhiều video phỏng vấn các nhà báo từng có trải nghiệm khó quên trong quá trình tác nghiệp, video phỏng vấn cách một số nạn nhân đối mặt với giới truyền thông khi biến cố xảy ra... Theo thống kê, có từ 80 - 100% nhà báo sẽ trải qua ít nhất một sự kiện có khả năng gây ra những phản ứng chấn thương nghiêm trọng cho bản thân hoặc cho nhân vật được phỏng vấn.
Ở Việt Nam, vấn đề tổn thương tinh thần của người làm báo sau tác nghiệp không phải vấn đề mới nhưng chưa được đề cập rộng rãi. Bởi vậy, hội thảo "Hạn chế tổn thương tinh thần trong tác nghiệp báo chí" hỗ trợ cho việc đào tạo khả năng ứng phó cũng như hồi phục của phóng viên trước những tổn thương tâm lý. Ngoài ra, nếu xã hội có nhận thức rõ ràng hơn về những rủi ro trong quá trình tác nghiệp thì có thể người làm báo sẽ nhận được thêm nhiều sự cảm thông, chia sẻ và hợp tác từ phía cộng đồng. Phần thuyết trình của TS. Cait McMahon giúp những người đang tác nghiệp báo chí và sinh viên lựa chọn nghề báo làm sự nghiệp ý thức được những nguy cơ họ có thể gặp phải đồng thời giúp họ biết được phương pháp nhằm giảm khả năng bị chấn thương tâm lý do phỏng vấn nhân vật hoặc gây ra chấn thương tâm lý cho người được phỏng vấn; giúp họ biết cách vượt qua những chấn thương này; làm sao để tự chăm sóc bản thân; những điều cần lưu ý khi phỏng vấn nạn nhân thảm họa; cách lựa chọn ngôn ngữ khi tường thuật các thảm họa...
Phóng viên là những người thường phải đối mặt những thách thức bất thường khi đưa tin về những thảm họa, các vụ bạo lực hay những sự kiện gây sốc ở nhiều cấp độ. Đã không ít người trở thành nạn nhân hứng chịu những tổn thương thể chất, thậm chí thiệt mạng trong chính những sự kiện đó. Trong các trường hợp khác, nhiều phóng viên lại có khả năng mắc phải những chấn thương tinh thần. Nguyên nhân chủ yếu là hệ quả tâm lý tiêu cực sau khi chứng kiến hiện trường và tiếp xúc nạn nhân trong tình trạng bị thương... Để góp phần giảm thiểu tổn thương trong tác nghiệp báo chí, phóng viên cần phải luyện tập cho mình một cơ thể khỏe mạnh và một tinh thần "thép" trước khi phỏng vấn hoặc tường thuật sự kiện. Phóng viên cần phải trang bị cho mình một phông kiến thức rộng về xã hội để xử lý các tình huống phát sinh khi phỏng vấn, lưu các số điện thoại hoặc các phương pháp để có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài nếu bị uy hiếp và tấn công, lưu vào điện thoại những câu chuyện cười hay các câu nói đùa để giảm stress sau khi phải đối mặt với một sự kiện, tập cách chấp nhận cảm xúc khó chịu hay đơn giản hơn là tập thiền, chơi thể thao để tạo nền tảng sức khỏe tốt để tự tin chống lại mọi "thảm họa"... TS. Cait McMahon cho rằng, hiểu được sang chấn tâm lý, thứ nhất sẽ giúp phóng viên biết lựa chọn cách thức đăng tin sáng suốt hơn. Thứ hai là giúp nhà báo truyền tải thông điệp một cách có đạo đức hơn và đầy đủ hơn. Vì vậy, cộng đồng cũng sẽ được nâng cao hiểu biết về những tổn thương tinh thần có thể gặp phải trong cuộc sống.
Bên cạnh những nội dung được trình bày trong hội thảo, các bạn sinh viên còn được trao đổi trực tiếp với các chuyên gia về những vấn đề thiết thực trong nghề ngay từ khi còn là sinh viên.
THANH HOA