Hội thảo quốc tế: "Đà Lạt - đô thị di sản với công tác quy hoạch và quản lý phát triển"
Ngày 27-11, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã diễn ra Hội thảo Quốc tế với chủ đề " Đà Lạt- Đô thị di sản với công tác quy hoạch và quản lý phát triển" do Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam phối hợp cùng UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức.
Đại biểu tham dự phiên thảo luận tại Hội thảo Quốc tế với chủ đề "Đà Lạt - đô thị di sản với công tác quy hoạch và quản lý phát triển". |
Hội thảo có sự tham dự của ông Nguyễn Thanh Nghị - Thứ trưởng Bộ Xây dựng; ông Trần Đình Thiên - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam; ông Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam; ông Emmanuel CERISE - đại diện vùng Ile-de-France tại Hà Nội; ông Shanmuga Retnam - sáng lập viên Viện Quản lý đô thị châu Á… cùng nhiều chuyên gia đến từ trong và ngoài nước.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị hoan nghênh và đánh giá cao các nội dung trao đổi của các nhà chuyên môn đến tham dự. Ông tin tưởng, Hội thảo sẽ là sự gợi mở mới để các chuyên gia, các nhà khoa học, các kiến trúc sư, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, những người làm công tác quy hoạch và các nhà hoạch định chính sách, quản lý đô thị gặp gỡ, trao đổi để cùng nhìn nhận, đánh giá khách quan và thẳng thắn về những kết quả đạt được cũng như những hạn chế phát triển của thành phố Đà Lạt những năm vừa qua; thảo luận, đề xuất và kiến nghị các giải pháp, cơ chế chính sách mới, đột phá để phát triển Đà Lạt theo đúng định hướng quy hoạch được duyệt và sớm trở thành một đô thị di sản, đô thị du lịch nghỉ dưỡng, nổi bật trên bản đồ quốc tế…
Qua 28 tham luận, các đại biểu và các chuyên gia đã trao đổi nhiều vấn đề quan trọng xoay quanh mục tiêu công tác quy hoạch và quản lý về di sản cảnh quan, về góc nhìn đô thị di sản và cách ứng xử trong công tác quy hoạch- quản lý phát triển...
Theo KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam: “…địa hình đặc trưng của thành phố Đà Lạt là địa hình núi và địa hình bình nguyên trên núi, trong đó trung tâm thành phố Đà Lạt có bậc địa hình thấp, như một lòng chảo, dọc theo hướng Bắc - Nam, bao gồm các dãy đồi đỉnh tròn, dốc thoải, lượn sóng nhấp nhô, độ cao trung bình khoảng 1.500 m. Những dãy đồi đỉnh tròn ở đây có độ cao tương đối đồng đều, sườn thoải về hướng hồ Xuân Hương và dần cao về phía các vùng núi bao quanh. Vì vậy, hầu hết các công trình nổi tiếng của Đà Lạt đều hòa hợp với thiên nhiên, tạo nên những nét chấm phá trong bức tranh cảnh quan của thành phố. Để quy hoạch xây dựng phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 trở thành một vùng đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế, có đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử và di sản kiến trúc tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa quốc tế đã được khẳng định trong Quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 704/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ ngày 12-5- 2014) và Quyết định 1528/QĐ-TTG của Chính phủ về ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận vào năm 2016, nhưng điều đó là chưa đủ nếu Đà Lạt chưa có đủ các công cụ để quản lý và phát triển”.
TS.KTS Emmanuel CERISE, Đại diện vùng Ile-de- France tại Hà Nội Giám đốc PRX- Vietnam nhấn mạnh: “Đà Lạt là một thành phố có thể coi là "khác biệt" về nhiều mặt với một vị thế đặc biệt so với các thành phố khác trên bán đảo Đông Dương. Trước hết, một trong những điểm khác biệt chính giữa Đà Lạt và các thành phố khác tại Việt Nam khi đó nằm ở chỗ người Pháp quyết định thành lập thành phố này thì đó vẫn là vùng đất chưa có sự định cư của con người. Hà Nội, Huế và ở một mức độ thấp hơn là Sài Gòn đã từng được quy hoạch đô thị theo kiểu Pháp từ trước đó. Còn Đà Lạt chưa từng hình thành đô thị nên những chuyên gia người Pháp được giao nhiệm vụ quy hoạch Đà Lạt - Jean O'Neill năm 1919, Ernest He'brard năm 1923, Louis Georges Pineau năm 1932, Francois Lagisquet năm 1943 được tự do ứng dụng các khái niệm quy hoạch đô thị sáng tạo và có tính thử nghiệm, đặc biệt đối với khu vực Đông Nam Á, chẳng hạn như thành phố vườn, cấu trúc đô thị theo mạng lưới hoặc đô thị cảnh quan. Mặc dù đúng là có một số chuyên gia như Hebrard đã nhìn thấy ở Đà Lạt có khả năng trở thành thủ phủ của chính quyền thuộc địa thời kỳ đó, nhưng trước hết thành phố này vẫn là một đô thị nghỉ dưỡng bao gồm các dinh thự và biệt thự để nghỉ ngơi, thư giãn và ngắm cảnh với mục đích tĩnh dưỡng. Do đó, đây là những mục tiêu rất khác với chức năng thông thường của các thành phố lớn nói chung và đặc biệt là những trung tâm đô thị thuộc địa của Pháp như Hà Nội, Sài Gòn hay Phnom Penh. Như vậy, Đà Lạt được thiết kế cho một chức năng rất đặc biệt và duy nhất: một thành phố nghỉ mát cho cả quan chức quân sự và dân sự, đảm bảo hồi phục sức khỏe cho người châu Âu khi phải chịu đựng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Nói cách khác, trong ADN của Đà Lạt, chúng ta tìm thấy những khái niệm về hạnh phúc, sự thoải mái, một nơi mà cuộc sống phải thực sự dễ chịu... Người ta có thể tưởng tượng rằng nếu thành phố được xây dựng vào thế kỷ XXI, chúng ta sẽ sử dụng những thuật ngữ hiện đại hơn như đô thị sinh thái, thân thiện môi trường hoặc thành phố của niềm vui và hạnh phúc với những lợi ích nghỉ dưỡng”.
GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính nhận định: “Các công trình kiến trúc ở Đà Lạt, dù thuộc các thể loại và xây dựng ở các thời kỳ khác nhau, đều được kết nối bởi một hệ tỷ lệ xích công trình và hệ tỷ lệ xích không gian tinh tế, nhờ đó mà ngự trị ở đây là một sự nhất thể hóa hiếm có. Hầu như không có những công trình đứng ra ngoài, thách thức hệ tế bào đô thị. Hệ tỷ lệ xích không gian này được ước tính bởi chiều cao của công trình so với đồi và cây cối, bởi tương quan giữa đất và công trình, bởi quy mô và những nhân tố cấu thành bản thân các công trình, v.v... Đây là một cục diện hệ trọng, không dễ nhận ra, lại càng không dễ thực thi. Chính sự tấn vỡ hệ tỷ lệ xích không gian đang là một trong những nguy cơ nhỡn tiền của Đà Lạt”.
Ông Salvador Perez Arroyo Giáo sư danh dự Đại học London, khẳng đinh: “khi chúng ta nói đến bảo tồn và trùng tu các yếu tố kiến trúc, chúng ta không thể quên vai trò của loài người trong xã hội học và cụ thể hơn, những tác động địa phương là xuất phát điểm cho các chương trình bảo tồn và gìn giữ di sản. Sự tác động kinh tế cũng như những hiểu biết về "lô-cut", ký ức về môi trường sống hay những mẩu chuyện cá nhân có liên quan đến từng vị trí riêng biệt với những nguồn gốc gia tộc khác nhau. Định nghĩa những giá trị vô hình được hiểu trong luận điểm này như là một container lớn của ký ức, những ấn tượng vật chất và cả sự nhận thức về dân sinh. Tất cả chúng cũng phải được bảo tồn nếu có thể”.
CỬU LOAN - TRUNG SÁNG