Hồi ức một thế hệ
(Cadn.com.vn) - Những câu chuyện nhỏ nhưng có thật về cuộc đời người lính tham gia kháng chiến chống Mỹ, góp mặt vào thành công của Chiến dịch mùa Xuân 1975 lịch sử, đã được tác giả Vũ Công Chiến - bộ đội Trường Sơn, chiến trường Nam Lào, Mặt trận B3 Tây Nguyên, Đắc Lắc - kể lại xúc động, hóm hỉnh và hấp dẫn trong Hồi ức lính được NXB Trẻ vừa ấn hành.
Hơn 6 năm trong quân ngũ của tác giả (1971- 1977) và đồng đội, cả những người nằm lại chiến trường và người may mắn trở về, được gói gọn trong hơn 700 trang sách. Từng chi tiết, trạng thái tâm lý của một chàng trai Hà Nội còn rất trẻ trước bước ngoặt vào quân ngũ, trải qua những ngày huấn luyện đầu tiên cho tới khi hành quân trên Trường Sơn, chiến đấu và chiến thắng... đã được kể lại cặn kẽ, trung thực.
Tác giả Vũ Công Chiến tâm sự, chiến tranh đã qua lâu, nhưng vẫn ám ảnh những người trở về như vậy. Và “nếu những người trong cuộc không viết ra thì làm sao để mọi người biết, trong chiến tranh, chúng tôi đã sống và chiến đấu thực sự như thế nào. Bởi vậy, với tư cách cá nhân, với con mắt nhìn của một người lính bình thường, tôi viết Hồi ức lính để kể lại những điều mình đã thấy, đã nghe, đã làm, cùng những suy nghĩ và cảm nhận khi đó...”. Ban đầu không có ý định viết sách, những chia sẻ ấy được tác giả đăng tải trên trang facebook cá nhân và ngay lập tức nhận được chia sẻ của bạn đọc trong và ngoài nước, của đồng đội từng cùng nhau vào sinh ra tử. Hồi ức lính ra đời, đồng đội của tác giả hưởng ứng trước tiên.
Nhà văn Ngô Thảo, người từng trực tiếp chiến đấu, lăn lộn từ chiến trường Lào, Trị Thiên đến Tây Nguyên... xúc động chia sẻ: “Bằng Hồi ức lính, anh Vũ Công Chiến đã làm điều rất bình thường (kể được câu chuyện về cuộc đời mình), nhưng giúp thế hệ sau thấy người lính trong kháng chiến chống Mỹ đã sống trong sáng, lý tưởng, tử tế, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thiếu thốn để đến ngày chiến thắng ra sao. Còn trò nghịch ngợm, quậy phá của lính tráng thì vô cùng, và cũng rất đáng yêu... Ký ức lính của tôi đã tìm lại được trong một người làm khoa học như anh. Tôi tin chắc rằng còn nhiều người có câu chuyện đẹp về đời lính, nhưng chưa viết ra”.
Là một trong những nhà văn quân đội góp mặt ở Huế, rồi tiến vào Sài Gòn khi chuẩn bị giải phóng 41 năm trước, nhà văn Ngô Thảo ngậm ngùi: Gần trăm nhà văn khi ấy, nay bóng dáng của họ đã dần mờ. Thế hệ kể về cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đã khép lại. Nhìn lại cuộc chiến hơn 40 năm trước, đã có nhiều câu chuyện về nó; nhưng để thỏa mãn thì chưa đáng kể. Nay có thêm Hồi ức lính được viết từ một số phận bình thường, nói những điều mà các nhà văn chưa khai thác được. “Đây không phải cuốn sách văn chương, nó cung cấp tư liệu thật về chiến tranh. Riêng điều đó, tác giả đã có công với nền văn học nước nhà, vốn đang thiếu và yếu kém khi thể hiện lại điều làm nên tinh thần, linh hồn, tình cảm của những người làm nên chiến thắng”.
Đất nước đã có những cuốn sử lớn, nhưng chúng vẫn chưa thể bao quát hết được câu chuyện, số phận của từng cá nhân. Vì vậy, dẫu có nhiều “hồi ức lính” vẫn chưa đủ, vì chiến tranh có đủ khía cạnh, góc độ. Mỗi hồi ức như thế góp thêm vào “bộ sử” của lịch sử nước nhà. Những tác phẩm như vậy cần cho cả quá khứ và cho tương lai, mang theo lời nhắn gửi của lớp người đi trước: Hòa bình là vô giá, và mong ước thế hệ sau không phải viết hồi ức lính.
Theo PGS.TS. Lưu Khánh Thơ, Viện Văn học, người tổ chức bản thảo Hồi ức lính: “Có thể với kho tư liệu đầy ắp vốn sống thực tế này khi “vào tay” một nhà văn có nghề, nó sẽ trở thành bộ tiểu thuyết đồ sộ hấp dẫn người đọc với rất nhiều thủ pháp nghệ thuật. Nhưng ở đây, với những câu chuyện và chi tiết tươi ròng sự sống, được nhìn với cự ly sát gần của người trong cuộc, nó lại có sức lôi cuốn riêng. Nó chinh phục chúng ta bằng sức mạnh của sự chân thực, bằng những trải nghiệm cá nhân, rất riêng tư nhưng lại gắn liền với cả một thế hệ thanh niên mà bước chân đầu tiên của họ vào đời là cuộc sống quân ngũ. Họ đã trở thành người lính trước khi đủ tuổi công dân. Họ bước vào cuộc chiến như sự lựa chọn không thể khác trước hiện tình nước sôi lửa bỏng của đất nước”.
V.H