Hồi ức Phạm Duy

Thứ hai, 29/09/2014 08:42
Không chỉ sáng tác nhạc cuối đời Phạm Duy còn viết những trang hồi ký về chính cuộc đời mình.

(Cadn.com.vn) - Bao nhiêu năm lưu lạc nước ngoài, người nhạc sĩ tên tuổi Phạm Duy đã quyết định về định cư hẳn ở Việt Nam để sống những ngày cuối đời cho đến khi mất. Theo ông "cuộc đời tôi thật ra chả lúc nào yên ổn như bây giờ, khi tôi trở về sống trên quê hương sau 30 năm hòa bình và thống nhất..." . Với tôi điều muốn nói là khi gấp lại trang cuối cùng tập sách "Hồi ức Phạm Duy" do NXB Trẻ ấn hành, những câu chuyện đời, chuyện tình, chuyện về bè bạn của tác giả cứ lôi cuốn nhau như một dòng miên man trong cõi nhớ...

Những câu chuyện Phạm Duy kể lại bắt đầu từ những ngày thơ bé học ở trường mẫu giáo Hàng Thùng và trường tiểu học Nguyễn Du, tức trường Hàng Vôi- Hà Nội rồi đến trường Thăng Long, trường Kỹ nghệ thực hành... những ngày sống ở Móng Cái, Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Phòng, Nam Định, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Việt Bắc, khu Ba, khu Bốn. Nhiều nhất vẫn là những câu chuyện về những người bạn để lại biết bao kỷ niệm và gắn bó một phần đời sáng tạo nghệ thuật của ông như Văn Cao, Lê Thương, Trần Văn Khê, Quang Dũng, Hữu Loan, Phạm Thiên Thư, Hoàng Cầm, Đặng Thế Phong, Lưu Trọng Lư... rồi chuyện về những người bạn tên tuổi không mấy người biết đến nhưng với Phạm Duy vẫn mãi hoài niệm về một thời thơ ấu sáng trong.

Khi học ở trường Thăng Long Phạm Duy nhớ các thầy như Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Tuyên, Phan Anh, Khuất Duy Tiến. Với những người bạn văn nghệ sĩ mà ông có dịp quen biết, Phạm Duy dùng nhiều trang viết về Văn Cao. Với bản "cung đàn xa" Phạm Duy đã nhìn nhận chỉ cần với 12 chữ  gót hài khai hoa, mắt huyền lưu xuân, dáng hồng thơm hương Văn Cao đã đưa nhạc tình 1943-1944 vượt khỏi khuôn khổ sáo mòn. Những lời ca đẹp như trái tim ngọc đá. Một quảng đời để lại nhiều dấu ấn với Phạm Duy khi tên tuổi của ông bắt đầu nhiều người biết đến, nhất là lúc ông theo gánh hát Đức Huy làm chuyến hành phương Nam qua nhiều tỉnh thành với biết bao kỷ niệm lưu lại trong tâm trí ông về những mối tình những người bạn, những nét nhạc cất lên bay bổng khi cảm hứng thăng hoa.

Đến Đà Nẵng và Hội An ông gặp được hai con người đến bây giờ còn nhớ là nhạc sĩ La Hối và thú vị nhất là ông gặp chàng thi sĩ mà ông yêu quý từ lâu là Lưu Trọng Lư. Hồi ký của Phạm Duy cũng đã kể những ngày hoạt động văn hóa văn nghệ vùng chiến khu ông làm việc dưới sự chỉ đạo của tướng Nguyễn Sơn-một người yêu văn nghệ và có kiến thức về văn nghệ. Với nhạc sĩ Lê Thương, Phạm Duy tự nhận mình học trò và với GS Trần Văn Khê thì ông xem là người bạn chung tình lâu nhất...

"Tôi nhớ kỹ hàng ngàn bài hát, thuộc lòng hàng ngàn điệu nhạc. Nhớ những chuyện vui buồn xa lắc xa lơ. Còn nhớ cảnh, nhớ người nữa chứ! Đi nhiều, tất nhiên tôi có nhiều bạn lắm. Nhớ rất nhiều người đã đi qua đời mình... Âu là bây giờ ngồi nhớ bạn và viết ra nỗi nhớ, khi tôi đã trở về sống tại quê nhà và có ít nhiều ngày tháng rảnh rang ..."-nhạc sĩ thổ lộ.

Võ Văn Trường