Hồi ức tháng Ba (2)
* Kỳ 2: Nhớ Huế tháng Ba
(Cadn.com.vn) - Quảng Trị được giải phóng, Huế trở thành "tuyến đầu" của hệ thống phòng thủ của chính quyền Sài Gòn, nơi đụng đầu ác liệt của hai chiến tuyến. Đầu tháng 3-1975, chớp thời cơ quân địch bị đánh bật khỏi Tây Nguyên, Bộ Chính trị chỉ thị Quân giải phóng tấn công thần tốc, giải phóng hoàn toàn Huế - Đà Nẵng...
Bia chiến tích của Trung đoàn 6 được xây dựng ở sân bay Tây Lộc cũ |
Cứ mỗi dịp tháng 3 về, những cựu chiến binh của Trung đoàn 6 dù người Bắc, kẻ Nam, nhưng lại tìm về Huế bởi đó là vùng đất máu thịt mà họ từng gắn bó. Những ngày này, ngôi nhà của Đại tá Phan Sỹ Khứ (76 tuổi, nguyên Tham mưu trưởng Trung đoàn 6) nằm dưới chân đồi Thiên An là nơi nhiều thân nhân liệt sĩ ghé thăm. Ngay phòng khách, ông lập bàn thờ của một người bạn từng chiến đấu trên đèo Hải Vân, là AHLLVTND Trịnh Tố Tâm (quê Hà Tây). Đại tá Phan Sỹ Khứ bồi hồi nhớ lại: "Tố Tâm vào chiến trường Trị Thiên và ở cùng Trung đoàn với tôi. Cậu ấy hiền lành, thật thà và là một người liên lạc xuất sắc, dũng cảm. Tôi xem Tố Tâm như em trai, bởi lúc đó, em trai tôi đã hy sinh ở chiến trường Tây Nguyên".
Quê ở H. Lệ Thủy (Quảng Bình), năm 20 tuổi, ông Khứ đi bộ đội, tham gia chiến đấu trong đội quân tình nguyện Lào. Giữa năm 1963, ông vào Nam chiến đấu trong đội hình của Trung đoàn 4, rồi Trung đoàn 6. Ông Khứ kể: "Năm 1967, khi các Trung đoàn được thành lập để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968, tôi được phong Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 4. Trung đoàn có nhiệm vụ tấn công địch vùng Phú Lộc và đèo Hải Vân (giáp với Đà Nẵng)". Đại tá Khứ vẫn nhớ như in một trận đánh như chìa khóa mở ra con đường đi đến giải phóng Huế. Đó là một ngày cuối tháng 12-1971, ông trực tiếp chỉ huy hơn 600 quân đánh trận đánh phục kích giao thông từ Đà Nẵng ra đến địa bàn H. Phú Lộc (TT-Huế). Trận đánh này đã diệt hơn 100 tên địch, trong đó có 37 lính Mỹ và 53 xe vận chuyển của địch. Đây cũng là trận đánh có thể nói là chiến thắng toàn diện bởi lực lượng quân ta không một ai hy sinh và đây cũng là trận đánh cuối cùng của Trung đoàn 4 trước khi sát nhập Trung đoàn 6 để chuẩn bị cho cuộc chiến giải phóng TT-Huế năm 1975.
Đại tá Phan Sỹ Khứ, người chỉ huy nhiều trận đánh trên đèo Hải Vân. |
Rời xứ Nghệ, người lính trẻ Bùi Trung Thành (nguyên Huyện Đội trưởng Huyện đội A Lưới) ở H. Thanh Chương, Nghệ An nhận nhiệm vụ ở Trung đoàn 6, tham gia chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên. Ông đã trực tiếp chỉ huy hàng trăm trận đánh ác liệt ở vùng phía Tây TT-Huế, nhiều lần bị thương nặng. Lúc đó, cấp trên bố trí ông làm công việc khác để dưỡng thương nhưng ông kiên quyết xin trực tiếp cầm súng chiến đấu. "Ở những chiến trường ác liệt, chứng kiến những đồng đội ngã xuống, lòng chúng tôi không bao giờ yên. Đã có hơn 1 vạn người lính của Trung đoàn 6 ngã xuống trên mảnh đất Trị Thiên này. Sau nhiều năm đau đáu với những người đồng đội đã hy sinh xương máu, cách đây hơn 2 năm, những người lính còn sống lại đã xây dựng Bia chiến tích của Trung đoàn 6 tại sân bay Tây Lộc (TP Huế)"- người lính trẻ ngày ấy, nay là đại tá về hưu cho biết. Sau ngày giải phóng, Đại tá Thành đã quyết đưa gia đình vào Huế sinh sống để được gần gũi, lo nhang khói cho những đồng đội đã hy sinh ở mảnh đất này.
Đại tá Bùi Trung Thành một người con xứ Nghệ đã chọn Huế làm quê hương |
Chúng tôi tìm đến nhà Đại tá Huỳnh An-Trung đoàn trưởng Trung đoàn 6, bên dòng Ngự Hà trong Nội Thành Huế. Chiến tranh đã lùi xa nhưng kỷ niệm về những trận đánh ác liệt vẫn như còn đâu đó rất gần trong tâm trí của vị Đại tá tuổi 90. Đại tá An kể rằng, ngày 25-3-1975, Trung đoàn 101 của Sư đoàn 325 và một bộ phận của Trung đoàn 271 chỉ trong một buổi sáng đã đánh chiếm căn cứ Ấp 5 và căn cứ Phú Bài (TT-Huế ). Trong suốt 13 ngày đêm giằng co chiến đấu với địch, cuối cùng quân ta cũng đã phá vỡ được phòng tuyến của kẻ thù, cánh cửa giải phóng TT- Huế từ phía Nam đã được mở ra. Đòn quyết định chiến dịch này còn mở ra thế và lực mới cho quân và dân ta tiến công giải phóng Đà Nẵng chỉ mấy ngày sau đó.
Với ông Nguyễn Xuân Hoa (nguyên Giám đốc Sở VH-TT & DL tỉnh TT-Huế)- người biệt động thành Huế thì những ký ức về tháng 3 đặc biệt này luôn gợi trong tâm trí. Ông Hoa xúc động nhớ lại: "Trước giải phóng Huế gần 2 ngày, đêm 24-3, tôi cùng đồng đội bị địch bắt và giam đói. Từ nhà lao, nhìn qua Trung tâm thẩm vấn cạnh bên, tôi thấy nhiều đám lửa cháy, nhiều con heo được giết mổ, một số cảnh sát ngụy bỏ đi. Đoán rằng, địch đang đốt hủy hồ sơ trước khi tháo chạy nên tôi bàn với bác Trần Đình Toán (người từng đi tù Côn Đảo) chuyện phá lao, vượt ngục". Rạng sáng 25-3, thấy không gian bên ngoài yên tĩnh, ông Hoa phá mái tôn phía trên để trèo ra, rồi nhặt đá ném vào các bức tường của lao tạm đề phòng mìn cài sẵn. Khi thấy an toàn, mọi người hợp sức phá nhà lao để thoát ra ngoài, rồi cùng nhau tiếp tục phá nhà giam tù nhân nữ.
"Vừa ra khỏi nhà lao, lúc đó đói quá nên ghé nhà bà con xin cơm ăn. Về đến nhà, tôi lấy xe đạp đi liên lạc với các cơ sở nội thành. Vừa chạy đến cầu Gia Hội, bất ngờ gặp người đồng đội là Nguyễn Kỳ Sơn đang lái xe Jeep, dựng cờ giải phóng đi theo hướng ngược lại. Nhìn thấy nhau, Nguyễn Kỳ Sơn reo lên mừng rỡ, vội đưa tôi lên rạp chiếu phim Tân Tân (nay là rạp Đông Ba)- nơi Ban chỉ huy nội thành đang điều hành công việc nổi dậy và tổ chức tiếp quản thành phố". Gặp lại đồng đội, ông Hoa cảm động, òa khóc khi hay tin mọi người vừa mới tổ chức xong lễ truy điệu cho mình. Trước đó, mọi người nghĩ rằng, Nguyễn Xuân Hoa đã bị địch thủ tiêu trong nhà lao... "Suốt đêm 25-3, tôi cùng nhiều đồng chí, cơ sở cách mạng đã thức trắng chờ thời khắc thiêng liêng. Đúng 6 giờ 30 sáng 26-3-1975, khi mặt trời vừa ló dạng, lá cờ đỏ tươi đã tung bay trên đỉnh Ngọ Môn. Cả kinh thành Huế vỡ òa niềm vui giải phóng"- ông Hoa kể với ánh mắt tràn ngập hạnh phúc.
Hải Lan (ghi)
(còn nữa)