Hồi ức tháng Ba (3)
* Kỳ 3: Đà Nẵng, ngày 29-3-1975
(Cadn.com.vn) - Sau khi Quảng Nam – Huế giải phóng, căn cứ quân sự của Mỹ - ngụy ở Đà Nẵng bị cô lập, Ngô Quang Trưởng – Tư lệnh Vùng 1 chiến thuật tuyên bố “tử thủ ở Đà Nẵng”, tuy nhiên ông tướng này lại là người bỏ chạy đầu tiên. Những tường thuật của nhà báo về sự kiện quân giải phóng tiến vào Đà Nẵng, cho ta cái nhìn đa chiều hơn về Đà Nẵng trong ngày 29-3-1975.
Đồng chí Võ Chí Công chỉ đạo cuộc tiến công giải phóng Đà Nẵng. |
Ngày 23-3-1975, Thường vụ Khu ủy và Quân khu V họp mở rộng, hạ quyết tâm “phấn đấu trong thời gian ngắn nhất giải phóng hoàn toàn khu V và mục tiêu chủ yếu là thành phố Đà Nẵng”. Tối 27-3-1975, đồng chí Võ Chí Công - Bí thư Khu ủy V, làm việc với Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà, khẳng định: phải giải phóng Đà Nẵng bằng 2 lực lượng tấn công quân sự và nổi dậy của quần chúng, chậm nhất là ngày 3-4-1975 hoàn thành giải phóng thành phố. Chiến dịch giải phóng Đà Nẵng bắt đầu. Lúc đó, nhiều người đoan chắc sẽ có trận đụng độ lớn, khi ở Đà Nẵng tập trung rất nhiều binh lính ngụy và tướng Ngô Quang Trưởng hô hào tử thủ.
Để chấn chỉnh đội quân ô hợp từ khắp nơi tràn về Đà Nẵng, gây nên cảnh nhiễu nhương chưa từng có, lệnh “thiết quân luật và bắn bỏ binh sĩ nào làm loạn” được đưa ra nhưng tình hình cũng chẳng sáng sủa gì. Tình hình đó đã được một nhà báo Mỹ tường thuật tại chỗ như sau: “Đà Nẵng đã từng là căn cứ quân sự Mỹ lớn nhất ở Nam Việt Nam nhưng nó đã nhanh chóng bị cô lập khi các lực lượng của Bắc Việt và Việt cộng tràn xuống phía nam Đà Nẵng và tiến về phía biển, cắt tất cả các đường thoát thân trên bộ. Sự khiếp sợ lan tràn khắp cả thành phố”.
Trong cảnh hỗn loạn đó, binh lính VNCH cướp phá và tranh nhau tìm mọi cách thoát khỏi Đà Nẵng. Trong chuyến bay cuối cùng di tản khỏi Đà Nẵng trong sáng sớm ngày 29-3, phóng viên truyền hình CBS đã quay hình ảnh một binh sĩ VNCH vì bị dẫm đạp mà chết, thòng chân ra ngoài máy bay, khi hình ấy được phát đã gây chấn động nước Mỹ và Tổng thống Mỹ Ford phải thốt lên: “Đã đến lúc rút dây, Việt Nam mất rồi”. Hãng thông tấn AP tường thuật một câu chuyện khác trong bản tin ngày 31-3-1975 rằng: “Vào buổi sáng ngày 29-3, một trực thăng bay trên thành phố Đà Nẵng để tìm ông Al Francis – tổng lãnh sự Mỹ, viên phi công trông thấy cờ Pháp trên tòa nhà trung tâm văn hóa Pháp nên bay ngang qua gọi xuống yêu cầu người Pháp chạy ra bãi trực thăng, nhưng tất cả phải thối lui vì binh sĩ VNCH nổ súng”.
Trong hồi ký của mình, nhà báo Lý Quý Chung, từng là dân biểu dưới chế độ VNCH kể lại tường thuật của nhà báo Vũ Thụy Hoàng về một người lính cùng tướng Ngô Quang Trưởng bỏ chạy khỏi Đà Nẵng: “Trong lúc chuẩn bị di chuyển, tôi nghe lính la lên “có tàu ở ngoài khơi đang vào. Lúc ấy khoảng 5 giờ sáng, tôi nhìn ra biển thấy một tàu đi vào, sau thấy 1 chiếc nữa, anh em mừng quá. Chỗ này không có bến tàu, chỉ có bãi biển. Tàu không vào được nên anh em túa ra biển, lội bơi ra tàu. Có người dùng vỏ xe hơi làm phao để bơi ra. Một số thiết giáp cũng nhào xuống biển, họ cho xe chạy xuống nước, định dùng xe làm cầu để ra đi nhưng đâu có được, xe chìm mất tiêu.
Vài binh sĩ không đi được nổi giận quay súng bắn về phía tàu, bị bắn tàu lại lùi ra xa hơn. Tôi cởi bỏ quần áo, chỉ giữ lại áo chống đạn làm phao cho dễ nổi. Tôi cùng tướng Trưởng (tức Ngô Quang Trưởng) bơi ra tàu. Tàu đậu trông gần nhưng bơi mãi không tới. Tướng Trưởng hơi đuối sức, tôi dìu ông ở nách bên trái, ông Trí (đại tá Nguyễn Thành Trí–Tư lệnh phó thủy quân lục chiến) xốc nách bên phải. Mãi rồi cũng đến nơi, lên được chiến hạm. Tướng Trưởng được đưa vào phòng hạm trưởng nghỉ ngơi, ông dặn không tiếp ai hết”.
Quân giải phóng tấn công vào Bộ Tư lệnh quân đoàn 1 Đà Nẵng trong ngày 29-3. |
Hỗn loạn, tướng tá và binh lính VNCH tìm mọi cách thoát chạy khỏi Đà Nẵng. Trong lúc đó, bước chân của những đoàn quân giải phóng nhanh chóng tiến vào Đà Nẵng. 11 giờ ngày 29-3, lực lượng nội thành đã cắm cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam trên tòa nhà thị chính Đà Nẵng. Cùng lúc đó Sư đoàn 2 của ta sau khi vượt qua sông Cẩm Lệ, chia làm hai mũi, từ Đò Xu và Nghi An đánh chiếm sân bay Đà Nẵng, cùng lúc đó, một bộ phận của Sư đoàn 304 tiến vào sân bay Đà Nẵng, hội quân với Sư đoàn 2 làm chủ sân bay. 13 giờ 30, đơn vị xe tăng của Sư đoàn 325 tiến đến đường Hùng Vương, 14 giờ xuống đường Bạch Đằng và vượt cầu Trịnh Minh Thế (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi) tiến sang Quận Ba phối hợp cùng với các đơn vị bộ đội khác tấn công địch ở bán đảo Sơn Trà.
Nhà báo Lý Quý Chung kể tiếp trong hồi ký: “Ngày 30-3, nhà báo Paul Quinn Judge, còn ở lại Đà Nẵng điện báo cho tôi biết: “Tôi nhìn thấy những chiếc xe đầu tiên vào thành phố cắm cờ MTDTGPMN. Những toán quân đầu tiên của Mặt trận trang bị súng ống đầy đủ cũng xuất hiện trên các đường phố... Các vụ tấn công cướp bóc vào nhà dân trước khi quân lính VNCH rút đi cũng chấm dứt”.
Còn ông Nguyễn Đình Ngật (P. Hòa Thuận Tây, Q.Hải Châu)–tham gia chiến dịch giải phóng Đà Nẵng kể: “Lúc đó tôi đang ở bên Sở chỉ huy tiền phương đóng ở Thanh Quýt (Điện Bàn) thì nghe anh Nguyễn Chơn gọi điện về báo quân ta đã chiếm được Quân đoàn 1. Thế nhưng anh Chu Huy Mân không tin, cứ hỏi đi hỏi lại mãi có chắc là chiếm được Quân đoàn 1 không. Đến khi anh Chơn nói là đang ở trong hầm chỉ huy của Ngô Quang Trưởng, thu được con dấu và bản đồ tác chiến của địch, lúc đó anh Chu Huy Mân mới tin”. Đến chiều 29-3, đồng chí Trần Thận, Bí thư Đặc Khu ủy Quảng Đà đã có mặt ở trung tâm thành phố, tối hôm đó đồng chí Võ Chí Công-Bí thư Khu ủy V, đồng chí Hồ Nghinh, Thường vụ Khu ủy và một số các đồng chí lãnh đạo Khu ủy V, Đặc Khu ủy Quảng Đà đã vào đến Đà Nẵng. Từ Đà Nẵng, Bộ tư lệnh tiền phương của ta đánh đi một bức điện lịch sử: “Đà Nẵng giải phóng rồi. Anh Võ Chí Công và anh Hồ Nghinh đã vào Đà Nẵng rồi!”.
Quân, dân Đà Nẵng thu giữ vũ khí binh lính VNCH vứt lại. |
Thế là Đà Nẵng được giải phóng sớm hơn dự kiến, trong niềm hân hoan của người dân và quan trọng hơn sự kiện này đã tạo hiệu ứng, cổ vũ mạnh mẽ cho chiến dịch giải phóng hoàn toàn miền Nam. Như nhận định của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn: “Tiến công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng sớm ngoài kế hoạch, Đà Nẵng là căn cứ liên hợp quân sự lớn nhất, mạnh nhất của địch mà bị ta đánh sập, có ý nghĩa quyết định và báo hiệu Sài Gòn sẽ bị sụp đổ không còn lâu nữa”.
Hoàng Anh ( ghi)
(còn nữa)