Hôm nay (13-3) khai mạc Kỳ họp thứ 13 HĐND Đà Nẵng: Tìm giải pháp phục hồi kinh tế Đà Nẵng

Thứ sáu, 13/03/2020 09:11

Tìm giải pháp phục hồi suy giảm kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra sẽ là nội dung quan trọng được bàn tại Kỳ họp thứ 13 HĐND Đà Nẵng hôm nay, 13-3.

Để phục hồi nhanh du lịch Đà Nẵng cần có các sản phẩm đặc sắc như đường sông, đường biển.

Chọn kịch bản tăng trưởng

 Tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến nền kinh tế chủ yếu dựa vào dịch vụ của Đà Nẵng đang chịu tổn thất nặng nề. Số lượng du khách tới TP vào tháng 2-2020 đã giảm hơn 46% so với cùng kỳ, dự kiến quý I công suất buồng phòng chỉ đạt 27% (giảm 44%, doanh thu lưu trú giảm trên 35%). Thị trường khách Hàn Quốc, Trung Quốc tháng 3-2020 sẽ giảm 100% (do tạm dừng các đường bay trực tiếp thường kỳ và thuê chuyến), công suất buồng phòng cũng giảm sâu 80-90% do dịch Covid-19 đã lan rộng từ châu Á sang châu Âu. Các doanh nghiệp (DN) du lịch ở Đà Nẵng hiện hoạt động cầm chừng, cắt giảm hoặc cho nhân viên nghỉ luân phiên để giảm tối đa chi phí, thậm chí một số đơn vị phải tạm dừng hoạt động. Tương tự, các DN kinh doanh bán lẻ, quán ăn, nhà hàng... bị ảnh hưởng do lượng khách du lịch giảm, người tiêu dùng hạn chế đi mua sắm, tụ tập ở những nơi đông người do lo ngại lây nhiễm dịch bệnh. Lượng hàng hóa bán ra trong siêu thị như Big C, Lotte... có lúc giảm đến 50%. Do việc đóng các cửa khẩu thương mại và các quy định nghiêm ngặt về thông quan trong bối cảnh kiểm soát dịch bệnh lây lan khiến DN gặp khó trong tiêu thụ sản phẩm, nhiều DN sản xuất cũng thiếu nguyên liệu nhập từ Trung Quốc (đường hàng không giảm 50-60%, đường biển giảm 20-40%). Cũng từ đầu năm đến 15-2, TP chỉ cấp đăng ký kinh doanh cho 470 DN (tổng vốn hơn 1,9 ngàn tỷ đồng) giảm 44% về số vốn so với cùng kỳ.

60% GRDP của Đà Nẵng từ dịch vụ, 20-25% từ công nghiệp, đây lại là 2 lĩnh vực chịu suy giảm nặng nề từ Covid-19. Nhìn vào đây, không khó để hình dung bức tranh kinh tế Đà Nẵng hiện nay cũng như mục tiêu tăng trưởng đã đề ra cho năm 2020 sẽ khó thế nào. Chọn kịch bản tăng trưởng đi kèm với nhóm giải pháp phù hợp trở lên cấp bách với Đà Nẵng. Theo kịch bản, nếu Covid-19 được khống chế trong quý I, thì GRDP của Đà Nẵng dự kiến tăng khoảng 5,9%, nếu khống chế trong quý II thì chỉ tăng 4,69%.

Giải pháp nào?

Các DN du lịch hiện đang phải cầm cự để tồn tại song cũng phải chuẩn bị sẵn sàng các giải pháp kích cầu du lịch khi thị trường phục hồi. Ông Cao Trí Dũng- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết,  để du lịch TP phục hồi nhanh cần có sản phẩm mới, đặc sắc, như du lịch trên sông, biển. Các sản phẩm ẩm thực, mua sắm cũng xây dựng sớm, nhất là khu vực chợ đêm tại Công viên Châu Á (mở cửa công viên không thu vé, khách chỉ trả phí dịch vụ). Tuy năm nay Đà Nẵng không tổ chức lễ hội pháo hoa, nhưng phía Sun Group vẫn có kế hoạch tổ chức 17 ngày bắn pháo hoa từ tháng 7 đến tháng 9, đây cũng là sản phẩm có sức hút tốt để kích cầu du lịch. Đặc biệt, ông Dũng cho rằng, Đà Nẵng cần miễn phí các điểm tham quan như Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Điêu khắc Chăm... ngay khi dịch Covid-19 được khống chế để kích cầu du lịch. Các điểm tham quan lớn như Bà Nà cũng cần liên kết giảm giá sâu dịch vụ để kích cầu.

Trong giải pháp phục hồi du lịch, lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, Đà Nẵng sẽ tăng cường liên kết với Huế, Quảng Nam để tạo sản phẩm du lịch mang tính liên kết vùng; tăng cường thu hút khách du lịch từ các thị trường mới không chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh; triển khai các đường bay quốc tế mới từ Nga, Ấn Độ. Đặc biệt, Đà Nẵng sẽ ban hành cơ chế phát triển kinh tế về đêm như tổ chức thí điểm phố đêm 24/7 tại Ngũ Hành Sơn, phố đi bộ-chợ đêm Bạch Đằng, đầu tư hình thành dịch vụ phục vụ du khách tại Công viên 2 đầu cầu và cầu Nguyễn Văn Trỗi...

Trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, Đà Nẵng sẽ kịp thời triển khai các gói hỗ trợ lãi suất (gói 30 ngàn tỷ đồng), chính sách giãn thuế từ Chính phủ. Ngoài ra, với Quỹ đầu tư phát triển của TP cũng xem xét mở rộng đối tượng để hỗ trợ DN. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng, ông Trần Phước Sơn cho biết, TP đang triển khai việc hỗ trợ DN tái cơ cấu sản xuất, đổi mới công nghệ với ưu đãi lãi suất lớn từ 50% đến 100%. DN nên tận dụng cơ hội này để đổi mới công nghệ, tái cấu trúc sản xuất để hướng đến phát triển bền vững hơn.

Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay, Đà Nẵng cũng đưa ra giải pháp đẩy mạnh đầu tư công, nhất là các dự án động lực. Cụ thể, sớm đầu tư cảng Liên Chiểu, Di dời Ga đường sắt và tái thiết đô thị, hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư Khu Công viên phần mềm số 2. Riêng nguồn vốn hơn 14 ngàn tỷ đồng đầu tư công trong năm 2020, TP sẽ quyết liệt trong giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để đẩy mạnh thu hút đầu tư nhất là ở Diễn đàn các thị trường, Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2020 vào cuối tháng 4 tới cũng là nhóm giải pháp quan trọng. Trong nhóm giải pháp này, TP sẽ sớm hoàn thiện thủ tục cấp phép triển khai các dự án như Wink Trần Hưng Đạo,  Khu phức hợp dịch vụ thương mại cao tầng An Hòa, Khu chung cư cao tầng, văn phòng thương mại và nhà ở Tuyên Sơn, Khu phức hợp Y tế - Giáo dục - Chung cư cao cấp... Hoàn thiện các thủ tục để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, triển khai đối với các dự án: Khu phức hợp Trung tâm tài chính, thương mại, vui chơi giải trí, casino và chung cư cao cấp (Sơn Trà), Khu tổ hợp công trình phục vụ Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (Ngũ Hành Sơn), Trung tâm chẩn đoán và điều trị đa khoa quốc tế (Sơn Trà)...

VĂN THUẤN