Hôm nay, 25-8, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) thăm Việt Nam: Cùng lạc quan hướng về phía trước

Thứ hai, 25/08/2014 07:36

(Cadn.com.vn) - Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) José Manuel Barroso thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 25 đến 26-8. Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai của ông Barroso với tư cách Chủ tịch EC, trong bối cảnh mối quan hệ giữa EU và Việt Nam đang phát triển tốt và phong phú, tạo cơ hội hợp tác mới trong nhiều lĩnh vực.

Nhân dịp này, TTXVN tại Bỉ đã trao đổi với Chủ tịch Barroso về mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam-Liên minh Châu Âu (EU). Ông Barroso cho biết kể từ lần đầu tiên ông đến Việt Nam vào tháng 11-2007, quan hệ song phương của hai bên đã phát triển mạnh mẽ và toàn diện. Việc ký kết Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) vào năm 2012, do ông Barroso và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khởi động đàm phán, là một mốc quan trọng trong quan hệ EU-Việt Nam. Vì vậy, mục đích chuyến thăm Việt Nam lần này là nhằm củng cố các kết quả đạt được, khởi động và hợp tác theo lĩnh vực, cũng như đạt tiến triển trong đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA), được khởi động từ năm 2012, mốc quan trọng thứ hai trong mối quan hệ Việt Nam-EU. Nếu hoàn tất, FTA sẽ tăng cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, tạo nhiều ưu đãi cho hàng xuất khẩu Việt Nam sang EU, cũng như tạo cho Việt Nam nhiều triển vọng trong nền kinh tế toàn cầu.

Chủ tịch EC José Manuel Barroso.

Người đứng đầu EC nhấn mạnh trong lĩnh vực kinh tế và thương mại, EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và đứng thứ hai về đối tác thương mại song phương. Trao đổi thương mại song phương EU-Việt Nam tăng gần 20% mỗi năm, đạt 27 tỷ EUR (37 tỷ USD) trong năm 2013. EC và các nước thành viên EU cũng là nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất của Việt Nam. Trong giai đoạn 2014-2020, EC đã cam kết viện trợ không hoàn lại 400 triệu EUR cho Việt Nam để phát triển đất nước, nhiều hơn 100 triệu EUR so với giai đoạn 2007-2013.

Về chính trị, ông Barroso đánh giá cao vai trò của Việt Nam như một điều phối viên trong quan hệ giữa EU và ASEAN. Theo Chủ tịch Barroso, kể từ khi Việt Nam mở cửa ra thế giới với chính sách "Đổi mới" và kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đất nước đã có một sự phát triển kinh tế ngoạn mục. Mức sống của người dân được cải thiện đáng kể. Lạm phát và tỷ giá hối đoái đạt được bình ổn là những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, thành công này lại mở ra những thách thức mới cho Việt Nam, nước mới được xếp loại quốc gia thu nhập trung bình. Việt Nam phải thực hiện một cam kết vững chắc theo hướng công nghiệp hóa. Điều này đòi hỏi không chỉ phát triển về số lượng mà còn về chất lượng, bao gồm cả tự do hóa và hiện đại hóa nền kinh tế hướng tới một nền kinh tế thị trường thực sự đã được tích hợp đầy đủ trong thế giới toàn cầu. Đây là nơi mà các Hiệp định Thương mại Tự do đóng vai trò quan trọng.

Về vấn đề biển Đông, ông Barroso khẳng định EU coi trọng hòa bình và ổn định trong khu vực. EU đang khuyến khích tất cả các bên tìm kiếm giải pháp hòa bình, thông qua đối thoại và hợp tác, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển và tiếp tục bảo đảm an toàn và tự do hàng hải. Ông Barroso cũng bày tỏ tin tưởng vào tiềm năng của Việt Nam và mối quan hệ song phương Việt Nam-EU, đồng thời hy vọng FTA EU-Việt Nam sớm được ký kết. Châu Âu và Việt Nam cùng lạc quan hướng về phía trước.

Liên minh Châu Âu (gọi tắt là EU) hiện bao gồm 28 nước thành viên. EU là một thực thể kinh tế, chính trị đặc thù. Về cơ bản, EU có 8 định chế chính là: Hội đồng Châu Âu, Hội đồng Bộ trưởng, Nghị viện Châu Âu, Ủy ban Châu Âu, Tòa án Công lý Châu Âu, Ngân hàng Trung ương Châu Âu, Cơ quan Đối ngoại Châu Âu và Tòa kiểm toán Châu Âu. Ủy ban Châu Âu (EC) là cơ quan hành pháp của khối. EC hoạt động độc lập, có chức năng xây dựng, kiến nghị các đạo luật của EU, thực thi, áp dụng và giám sát việc triển khai các hiệp ước và điều luật của EU, sử dụng ngân sách chung để thực hiện các chính sách chung của cả khối theo quy định.

Theo TTXVN

Những dấu ấn hợp tác

Việt Nam và EU chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1990. Quan hệ Việt Nam-EU phát triển mạnh mẽ với việc hai bên chính thức ký Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) và khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU.

Về chính trị, hai bên duy trì thường xuyên trao đổi và tiếp xúc cấp cao. Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 6 nước thành viên EU gồm: Anh, Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan, Pháp và Italia.

Về thương mại, Năm 2012, EU lần đầu tiên vượt Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Sáu tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang EU là 17,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang EU đạt 13,1 tỷ USD, nhập khẩu từ EU là 4,4 tỷ USD.

Về đầu tư, tính đến tháng 6-2014, đã có 23/28 nước EU đầu tư vào Việt Nam với 1.471 dự án có tổng vốn đăng ký 18,38 tỷ USD. Về đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam sang EU, tính đến hết tháng 6-2014, Việt Nam có 47 dự án đầu tư sang 11 nước EU (Đức, Hà Lan, Ba Lan, Séc, Bỉ, Thụy Điển, Anh, Italia, Pháp, Hy Lạp và Bulgaria) với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 115 triệu USD.

Liên minh Châu Âu và các nước thành viên là nhà tài trợ song phương lớn thứ hai về ODA và là cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam. EU cam kết tăng viện trợ cho Việt Nam 400 triệu EUR trong giai đoạn 2014-2020, tăng 30% so với giai đoạn 2007-2013. Hai bên tích cực duy trì đối thoại về vấn đề quyền con người trên tinh thần hợp tác, tôn trọng lẫn nhau.