Hơn 10 năm "canh lửa" cho DIFF

Thứ ba, 16/07/2019 10:56

Một đêm tháng 3- 2008, bản nhạc với chủ đề "Vũ điệu Tiên Sa" cất lên nhịp nhàng bên bờ sông Hàn, mở đầu cho một cuộc hành trình hơn 10 năm thắp sáng bầu trời Đà Nẵng bằng pháo hoa. Cũng từ thời điểm ấy, Đại úy Lê Văn Lưu- Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Đà Nẵng  bén duyên với nhiệm vụ "canh lửa" trong mỗi đợt Lễ hội trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng- DIFF.

Đại úy Lê Văn Lưu (giữa) tham mưu tăng cường công tác PCCC tại sân khấu cùng lãnh đạo CATP. 

Chưa một lần dẫn vợ con đi xem pháo hoa

Hơn 10 năm đã trôi qua nhưng những kỷ niệm về năm đầu tiên nhận nhiệm vụ bảo vệ ANTT khi Đà Nẵng tổ chức thi bắn pháo hoa đối với Đại úy Lê Văn Lưu là những điều khó quên.

Năm đó, ở tuổi đôi mươi, anh là Tiểu đội trưởng phụ trách ê-kíp 5 chiến sĩ khác "nằm vùng" trong bãi bắn để bảo vệ pháo. Lần đầu tiên nhận nhiệm vụ bảo vệ pháo, ai cũng rất háo hức xen lẫn cảm giác hồi hộp. Chưa đánh giá được hết mức độ nguy hiểm của pháo, lại là lần đầu tiên bảo vệ số lượng lớn pháo hoa, ở rất sát với khu dân cư và là nơi có đông tàu thuyền qua lại nên ai cũng lo lắng. Có lần, giá pháo hoa được đóng bằng gỗ palet không chắc chắn nên nòng pháo bị lệch, bắn về phía đường Bạch Đằng làm vỡ đường ống nước, một số quả bị bắn lạc vào mái nhà người dân. Những năm đầu, DIFF chỉ gói gọn trong 2 ngày nhưng khó khăn, thiếu thốn đủ bề, ăn uống phải tự túc. Trong không gian của chiếc xe chữa cháy Zin 130 cũ kỹ, thời tiết oi bức, một tiểu đội chen chúc bám vị trí, bám phương tiện không dám rời khu vực phân công nửa bước. Những năm sau đó, lều trại được dựng lên, một container trang bị đầy đủ thiết bị đã giúp việc trực tại bãi bắn đỡ phần vất vả hơn. "Chiếc Zin 130 giờ đã "nghỉ hưu", nhưng ký ức về một quãng gian khổ buổi đầu nhưng rất đáng tự hào vẫn còn đọng lại trong ký ức của nhiều người", Đại úy Lưu trầm ngâm.

Năm 2008, DIFF là sự kiện đặc biệt mang tầm quốc tế, mật độ người xem rất đông, trên cầu Sông Hàn và các tuyến đường dẫn ra mặt tiền bờ sông chật kín người, nhích bộ từng bước. Hết vị trí quan sát, nhiều người cố tìm cách vào khu vực gần bãi bắn để được xem pháo hoa rõ hơn, áp lực chen lấn, xô đẩy từ phía sau là rất lớn. Lúc đó, lực lượng Công an còn làm rào chắn bằng khung thép và lưới B40. Nhìn hình ảnh các em nhỏ, phụ nữ bị dòng người dồn nén khiến ai cũng xót xa. Chính Đại úy Lưu là người đã tham mưu mở rào chắn để giảm tải áp lực về không gian cho người dân dẫu rằng việc này khiến lực lượng làm nhiệm vụ áp lực hơn…

Kể về những kỷ niệm của đêm thi đầu tiên, Đại úy Lưu bỗng lặng người khi sực nhớ 10 mùa pháo hoa đi qua là 10 lần anh dành hết tâm huyết, túc trực tại những "điểm nóng". Từ lúc chỉ là cán bộ trẻ, chưa có gia đình riêng, bây giờ đã có vợ và con, 10 lần tham gia bảo vệ tại DIFF mà vợ con anh, chị Liên và cu Ken, chưa một lần được anh dành thời gian để dẫn đi xem pháo hoa.

Nhiệm vụ đặc biệt đầu tiên

Hơn 10 năm, Đại úy Lê Văn Lưu may mắn được kinh qua tất cả các công đoạn đảm bảo an toàn PCCC cho DIFF. Từ công tác tham mưu đến đứng điểm, anh có mặt tại hầu hết các "điểm nóng", túc trực tại bãi bắn, kiểm tra, đảm bảo an toàn PCCC tại khán đài. Riêng kỳ DIFF 2019, anh được lãnh đạo phân công thêm nhiệm vụ áp tải pháo hoa từ cảng Hải Phòng về Đà Nẵng. Đây là lần đầu tiền anh nhận nhiệm vụ này, nên có những giây phút khó quên.

Theo anh, với những người làm trong nghề, vụ nổ 2 container pháo làm 4 người chết, 3 người bị thương vào ngày 6-10-2010 tại SVĐ Mỹ Đình (Hà Nội) do sơ suất trong quá trình vận chuyển là bài học ai cũng phải biết. Từ Hải Phòng xa xôi, hàng tấn pháo hoa được chở trên 3 xe container vượt chặng đường hơn 1.000 km về Đà Nẵng. Khi tiếng máy xe nổ, chầm chậm tiến ra khỏi cảng Hải Phòng cũng là lúc một cuộc đấu trí bắt đầu với anh cùng đồng đội. Trên đường đi, qua nhiều tỉnh, thành phố nhưng để bảo đảm an toàn đến mức tối đa, xe không được dừng dọc đường, nếu muốn dừng chân nghỉ ngơi, ăn cơm phải tìm được chỗ đất trống rộng rãi.

Đó là một hành trình thực sự khắc nghiệt, thử thách lòng kiên nhẫn của mỗi người. Đoàn xe cũng phải chạy chậm, giữ đúng khoảng cách cho phép và xe của CSGT vừa đi vừa hú còi báo hiệu, tránh việc xe nhỏ luồn lách qua trước mặt các container và một xe chữa cháy được bố trí khóa đuôi. Những lần xe hì hục lên đèo, leo qua những khúc cua "khuỷu tay" hiểm trở nhất… tất cả đều nín thở. "Lần đầu đi áp tải pháo hoa nên cũng lo lắng, bồn chồn. Ăn ngủ cùng hàng tấn pháo hoa nên ai cũng căng thẳng. Khi xe về tới Đà Nẵng an toàn, anh em chúng tôi ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm…", Đại úy Lưu bộc bạch.

Ngoài bãi bắn và áp tải pháo hoa, Đại úy Lê Văn Lưu cũng là người có kinh nghiệm nhiều năm trong việc tham mưu bố trí phương tiện và bảo vệ tại khu vực khán đài. Theo anh, khu vực sân khấu, khán đài là tập trung đông người và tồn tại rất nhiều nguy cơ cháy, nổ và sập đổ nên yêu cầu cứu nạn cứu hộ rất cao. Với mức độ và quy mô lễ hội pháo hoa gần đấy nguy cơ đó càng tăng cao. "Điều may mắn là từ khi tổ chức lễ hội pháo hoa quốc tế đến nay chưa có bất kỳ một sự cố nào. Để có được điều đó là do lực lượng Công an TP nói chung, Cảnh sát PCCC nói riêng đã làm tốt công tác kiểm tra, bám sát yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra", Đại úy Lưu chia sẻ.

MAI VINH