Hơn 40 năm trận đánh Chợ Cầu

Thứ tư, 21/09/2016 09:04

(Cadn.com.vn) - UBND P. Điện Dương (TX Điện Bàn, Quảng Nam) vừa khánh thành di tích lịch sử chiến thắng Chợ Cầu. Nơi đây, vào tháng 10-1973, trận đánh 21 ngày đêm của du kích Điện Dương và Đại đội 2, Điện Bàn đã làm quân địch khiếp sợ. Chỉ với 40 tay súng, quân ta đã đẩy lùi 4 tiểu đoàn bảo an (địa phương quân), biệt kích Tây Hồ, thủy quân lục chiến, trung đoàn 51 và 3 trung đội nghĩa quân, với nhiều đợt, tổng quân số lên đến gần 800 tên; tiêu diệt và làm bị thương hơn 100 tên địch, phá hủy 2 xe bọc sắt...

Điện Dương, mảnh đất ven biển đầu sóng ngọn gió xứng danh anh hùng trong hai cuộc kháng chiến. Năm 1964, với sức mạnh của nhân dân, phong trào đồng khởi giành thắng lợi, chế độ ngụy quyền tê liệt, quê hương được giải phóng. Người dân từ các nơi bị kèm kẹp hăng hái về bám trụ làng quê. Năm 1965, lính Mỹ nhảy vào tiếp sức quân ngụy, bắn giết bừa bãi dân lành. Đỉnh điểm là ngày 1-6-1967, trong khi đồng bào đang đẩy ghe làm nghề trên biển thì tốp lính Mỹ xả súng giết 23 ngư dân. Đỉnh điểm ngày 24-2-1968, lính đánh thuê Nam Triều Tiên đã tung quân về vây ráp xóm thôn, càn quét khốc liệt, dồn 126 đồng bào, chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em trong tổng số 161 đồng bào bám trụ ở làng Hà My rồi dùng tiểu liên và lựu đạn giết hết, cho xe tăng nghiền nát và vùi lấp. Còn tại Hà Gia, Hà Quảng, chúng lùa 36 người dân vào một nhà thờ tộc rồi xả súng giết không còn ai sống sót, thiêu hủy các thi thể. Tàn bạo hơn nữa, chúng đổ hàng trăm tấn bom đạn và chất độc hóa học xuống vùng đất này nhằm "bứng" du kích và nhân dân ra khỏi vùng cát trắng. Bom chồng lên bom, đạn cày lên đạn, xương phơi trắng bãi, khăn tang trắng đầu. Có gia đình như ông Nguyễn Biểu cả nhà có 11 liệt sĩ gồm cha mẹ, 6 người con, 2 rể, 1 cháu ngoại. Vượt qua đau thương, người dân Điện Dương "một tấc không đi, một ly không rời". Trận đánh ở Chợ Cầu là một minh chứng sinh động.

Các đại biểu cắt băng khánh thành di tích Chợ Cầu.

Sau Hiệp định Paris (1-1973), tình hình chiến trường càng trở nên phức tạp. Địch đổ dồn quân về Điện Dương trong khi du kích chiến đấu độc lập, không có nguồn tiếp tế bổ sung, buộc phải bảo tồn lực lượng bằng cách lui về vùng Chợ Cầu, cùng Đại đội 2 của huyện xây dựng nơi đây thành căn cứ, công sự, bố phòng chông mìn, phục kích, biến khu Chợ Cầu thành "khu tử địa" của địch. Ông Trần Văn Mười, nguyên xã đội phó trong chiến tranh, nhớ lại: "Khu Chợ Cầu 3 mặt là sông. Bộ đội và du kích dựa vào địa thế này đào công sự dưới các bụi chuối trú ẩn, có khi địch càn gắt gao thì nấp dưới nước, ngụy trang bèo trên đầu. Nấu ăn cũng chỉ bằng lon gui-gô trong hầm kín. Phía Cồn Chờ, nơi địch đổ bộ, anh em cài 2 lớp mìn dày đặc, dùng cối 62, 60, đại liên và pháo 105 mm cải tiến lại thành pháo bầy để phòng thủ. Tháng 10-1973, địch tập trung một lực lượng lớn gồm pháo binh, cơ giới và bộ binh, có cả máy bay yểm trợ, mở hàng loạt đợt tấn công vào Chợ Cầu suốt 21 ngày đêm ròng rã. Nhưng chúng đã vấp phải sự kháng cự của bộ đội và du kích. Xác địch nằm la liệt trên vành đai, hàng ngày chúng cho lao công chiến trường vào thu dọn. Về phía ta hy sinh 2 đồng chí. Bị thất bại cay đắng, tháng 7-1974, địch lại tập trung 12 xe bọc thép và tiểu đoàn địa phương quân 113 chia làm nhiều hướng tấn công Chợ Cầu. Tiếp tục 9 ngày chiến đấu cân não với kẻ thù, ta đã đẩy lùi từng đợt tấn công của chúng, sau đó chủ động rút khỏi Chợ Cầu để bảo tồn lực lượng.

Ông Trần Cây, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 2 không quên bất cứ chi tiết nào trong trận chiến: "Khi chưa ác liệt, chúng tôi đã vào tận Thăng Bình lấy mìn lép về cải tiến làm vũ khí dự trữ. Bộ đội hầu hết là con em vùng cát, có kinh nghiệm bám trụ và sức chịu đựng dẻo dai. Để nhổ trốc khu Chợ Cầu, bọn chúng dùng đủ chiêu trò. Có những ngày mới chừng 4 giờ sáng, biệt kích Tây Hồ chỉ mặc đồ lót, vượt qua lưới mìn bò vào chỗ chúng tôi nhưng đều bị phát hiện và bỏ mạng.  Dù quân đông, xe pháo lớn, chúng không thể nào khuất phục được  "khu tử địa" này"...

41 năm sau chiến tranh, vùng đất đau thương này đã từng bước khởi sắc, vượt qua đói nghèo, hòa nhịp với cuộc sống mới. Hội CCB P. Điện Dương trong đó có những du kích năm xưa đã đứng ra vận động từ các nguồn làm công trình ý nghĩa đó là Di tích lịch sử Chợ Cầu với kinh phí hơn 100 triệu đồng để giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau và để trận đánh oai hùng ngày trước không bị quên lãng.

Hồng Vân