Hôn nhân cận huyết thống -vấn đề dân số và giống nòi

Thứ ba, 01/10/2013 11:42

(Cadn.com.vn) - Theo Trung tâm nghiên cứu và Phát triển dân số thuộc Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, ở một số dân tộc như Lô Lô, Hà Nhì, Chứt, Phù Lá, Ê Đê, Chu Ru, đặc biệt các dân tộc Si La (Điện Biên, Lai Châu), Lô Lô, Pu Péo, Mông (Hà Giang), Mông Xanh (Lào Cai), Rơ Mân, Brâu (Kon Tum), cứ 100 trường hợp kết hôn có 10 trường hợp hôn nhân cận huyết thống.

Đây cũng là những dân tộc thiểu số có nguy cơ giảm về số lượng và chất lượng dân số rõ rệt nhất do tình trạng hôn nhân cận huyết thống gây ra.

Hôn nhân cận huyết thống - quan niệm và truyền thống

Hôn nhân cận huyết thống là hôn nhân giữa những người cùng trong quan hệ nội tộc, trong cùng một nhóm thân tộc, họ hàng được luật tục hoặc tập quán quy định; có mối quan hệ huyết thống với nhau theo dòng họ mẹ hoặc dòng họ cha. Hôn nhân cận huyết thống, nói cách khác là hôn nhân giữa những người có cùng dòng máu trực hệ: con bá lấy con dì, con chị gái lấy con em trai, cháu lấy dì, chú lấy cháu, cháu lấy cô, con anh lấy con em.

Tại một số cộng đồng cư dân đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi từ trước đến nay vẫn tồn tại hôn nhân giữa con anh - con em, con chị - con em trong cùng một nhà. Cái lý để bà con chưa từ bỏ hôn nhân cận huyết thống là do họ coi đây là văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Qua khảo sát tại 6 xã thuộc 3 huyện Sa Thầy, Ngọc Hồi và Kon Plông của tỉnh Kon Tum vào cuối năm 2012, đã phát hiện hơn 350 cặp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; trong đó, có 56 cặp hôn nhân cận huyết thống.

 

Giải pháp truyền thống gỡ câu chuyện truyền thống

Trao đổi về câu chuyện hôn nhân cận huyết thống cùng những hệ lụy của nó với sự phát triển giống nòi, một Trưởng khoa ở Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ: Nhiều bệnh nhi bị huyết tán di truyền bẩm sinh do hôn nhân cận huyết thống đến bệnh viện truyền máu. Điều đau xót là họ đều rất nghèo, phải mua máu hoàn toàn vì anh em, cha mẹ không thể cho máu được. Các em sinh ra từ đột biến gen ở thể cao giữa cha và mẹ có cùng huyết thống, mang mầm bệnh từ trước.

Theo số liệu mà Bệnh viện Nhi Trung ương có được: Hiện nay, có khoảng 5 triệu trẻ em đang mang gen mầm bệnh di truyền do đột biến gen từ hôn nhân cận huyết thống. Đó là bệnh thiếu máu và lùn bẩm sinh. Mới đây, các cơ quan chức năng lại phát hiện ở TT-Huế, Hòa Bình, tại vùng cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số, có nhiều trẻ em mang bệnh nặng do hôn nhân cận huyết thống. Bệnh các em mắc không phải bệnh ung thư mà là huyết tán di truyền, lùn bất thường.

Khảo sát điều tra của cơ quan chuyên môn ở tỉnh Lào Cai cho thấy: Trong 558 trẻ sinh ra từ các cặp vợ chồng cận huyết thống, có 51 trẻ phát triển không bình thường. Các cháu mắc các căn bệnh như bạch tạng, thiểu năng trí tuệ, liệt, câm, lông mi trắng, thọt, đần độn; có gần chục cháu đã chết.

Những ý kiến từ nhà chuyên môn, những số liệu điều tra từ thực tế khẳng định những tác hại của hôn nhân cận huyết thống với sự phát triển giống nòi. Đây cũng là sự cảnh báo, nhắc nhở cộng đồng, nhất là các cơ quan chức năng nhanh chóng tìm giải pháp hữu hiệu để hạn chế và dần dần đi đến xóa bỏ hình thức hôn nhân lạc hậu, kìm hãm sự phát triển con người.

Điều 10 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: “... Cấm kết hôn giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời”. Đối tượng điều chỉnh ở đây chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số; họ sống đơn lẻ, rải rác trên những triền núi, nơi vùng cao, giao thông đi lại không thuận tiện.

Hôn nhân cận huyết thống là một phần trong văn hóa tồn tại và phát triển của bà con dân tộc từ bao đời. Vì vậy, vấn đề cần được giải quyết là phải làm thay đổi được hành vi và nhận thức của một bộ phận cộng đồng, không áp dụng thuần túy luật pháp nếu muốn đạt kết quả có tính bền vững.

Cần thay đổi tư duy tuyên truyền truyền thống như thông qua một vài chiến dịch tuyên truyền; đánh giá kết quả thông qua báo cáo từ chính quyền địa phương; đếm theo số lượng phát ra từ các dịch vụ sức khỏe sinh sản và tình dục...

Cần vận dụng phương pháp tuyên truyền đa phương tiện: nói chuyện, phát tờ rơi ở chợ phiên; tăng cường tuyên truyền miệng để đồng bào dễ hiểu, dễ nhớ. Thay vì các hội nghị, hội thảo lớn ở thành phố, hãy tổ chức thêm nhiều lễ hội truyền thống, những hình thức sinh hoạt văn hóa, những chợ phiên, chợ tình... để bà con có dịp giao lưu, gặp gỡ, để thanh niên có điều kiện tìm bạn tình khác bản, khác dòng họ.

Cần có những giải pháp thiết thực, phù hợp vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình để chương trình đạt hiệu quả bền vững.

Công Hải

Hôn nhân cận huyết thống còn phổ biến ở nhiều vùng cao (ảnh minh họa).