Hồn quê trên giấy

Thứ năm, 20/07/2017 16:00

Tàu dừa thành giấy Nipa (tên gọi quốc tế của giấy dừa nước) là câu chuyện về nghệ thuật và giấy của Lê Thanh Hà (cựu sinh viên Mỹ Thuật Huế, chủ xưởng giấy Tri- Brothers - 63 Nguyễn Thiện Kế, Đà Nẵng). "Với tôi giấy đơn giản là giấy... là cách tôi gọi tên, kể lại câu chuyện về gốc tích văn hóa làng..." - Hà nói.

Tác phẩm "đèn ngủ", được kết từ một mẩu đá vụn ở Non Nước
và "hoa đào chuông" từ giấy Nipa.

Tác phẩm "Voọc Sơn Trà", từ giấy Nipa.

Sản phẩm mới cho giấy Việt

Đầu năm ngoái, Hà nảy ra ý tưởng làm giấy từ xơ quả dừa. "Vì tôi nghĩ xơ dừa làm được than nano tất làm được giấy. Hai tháng với xơ dừa chỉ cho ra những tấm giấy cuộn lại là gãy"-Hà nói... Một ngày, lang thang rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh (Hội An, Quảng Nam), Hà thấy người ta lấy tàu dừa nước lợp nhà. "Xơ dừa nước dài và mảnh", Hà nghĩ. Dừa nước mềm, ngậm nước nên không ngâm, chẻ xong là nấu. Tờ giấy đầu tiên thành hình, cuộn lại không gấp gãy, Hà hiểu đã tìm được chất liệu cần tìm. Đó chỉ là khâu tìm chất liệu. Với các công đoạn chẻ - ngâm - nấu - nghiền - seo, Hà làm giấy theo truyền thống. Nhưng việc chọn công thức nấu cho dừa, nấu bằng gì, xay bằng công cụ gì, in hoa văn bằng kỹ thuật gì là câu chuyện của 6 tháng mày mò. Hà chọn nấu xơ bằng nước vôi trong theo cách dân gian, khi đã thử qua vài loại hợp chất, công thức để tăng nhiệt mau ngấm. Hà nhờ anh em làm chế tạo máy Đại học Bách Khoa Hà Nội tìm giúp để có bản vẽ cơ cấu máy nghiền giấy thủ công Châu Âu năm 1928. Vấn đề nó không có thông số, chỉ có cơ cấu, cách vận hành. Hà cùng một giảng viên chuyên ngành chế tạo máy và lắp đặt ở trường Cao đẳng nghề Quân Khu 5 thống nhất đưa ra một thông số, dựa vào đó đưa ra thông số khác. Nửa tháng sau phục chế thành công máy nghiền từ bản vẽ.

Mày mò internet, Hà tiếp thu kỹ thuật in hoa văn bằng áp lực nước từ kỹ thuật in hoa văn trên giấy Rakusui whasi - Nhật Bản. Vậy là hoàn chỉnh. Dừa nước nấu bằng vôi, xay thành bột. Một khung gỗ màn hình voan có rải hỗn hợp bột, trên đó xếp các hình cắt hoa văn; tạo áp lực nước lên; gỡ bỏ hình cắt; đem khung sấy khô dưới mặt trời vài ngày, sẽ cho ra mảnh giấy mà hoa văn được dập nổi lên trên.

Từ đó, xưởng giấy Vườn Giấy Việt ở Cẩm Thanh-Hội An được Hà và hai người bạn khai trương vào giữa năm 2016. Nipa chỉ sử dụng thân thối, cành cắt tỉa từ dừa, không phá dừa. Nhóm bạn của Hà tiếp tục thành công trong việc làm giấy từ cây dâu, tràm. Một chiều từ Hội An về Đà Nẵng, Hà thấy công nhân cắt tỉa cành dừa dọc bãi biển và những cành dừa được mang bỏ đi. Thế là đầu năm này, Hà cùng hai người bạn chuyên về tái chế đồ cũ mở xưởng giấy mới Tri- Brothers (63-Nguyễn Thiện Kế, Đà Nẵng), làm giấy từ dừa cạn. "Có nhiều sự lựa chọn chất liệu, phương pháp cho giấy, nhưng tôi muốn chọn chất liệu dân dã nhất, không tổn hại môi trường. Cũng như tất cả các công đoạn làm giấy đều bằng thủ công thân thiện môi trường, không có bất kỳ hóa chất công nghiệp nào." - Hà nói.

Gắn họa tiết lên khung gỗ.

Hồn quê trên giấy

Những sản phẩm từ Nipa của Hà là đồ lưu niệm như đèn lồng, túi xách, quạt, bưu thiếp... đến dân dụng như vách ngăn, bình phong, đèn ngủ... cho đến bảng hiệu, rèm che, hoa đăng, tranh Nipa, tác phẩm gấp giấy origami... Tháng 3 vừa qua, kỷ niệm 20 năm ngày mất cố kiến trúc sư Kazimierz Kwiatkowsky, Hà hoàn thành bức Nipa chân dung kiến trúc sư tặng Đại sứ quán Ba Lan. Những bức tranh giấy voọc chà vá Sơn Trà của Hà được trưng bày tại cuộc thi thiết kế và sản xuất sản phẩm lưu niệm du lịch, quà tặng phục vụ APEC 2017... "Sở dĩ người ta nhìn giấy Nhật, Tàu...có thể nhận ra ngay nơi xuất xứ, vì ngoài chất liệu đặc biệt, giấy mỗi nước còn có hệ thống hoa văn đặc biệt. Với Nipa, dừa là một chất liệu rất Việt, và tôi luôn ý thức tạo nên một hệ thống hoa văn cũng rất Việt"-Hà nói. Việc chọn hoa văn cũng rất tình cờ như khi Hà chọn dừa làm chất liệu. Ở Hội An, qua người quen, Hà thu thập kiến thức về "mắt cửa" và "đầu hồi" - điêu khắc đặc trưng kiến trúc cổ Hội An. Những hình ảnh nhận diện Hội An như mắt cửa, đầu hồi, xích lô, phố cổ, ghe bầu... góp thành hệ thống hoa văn Hội An. Tại Đà Nẵng, Hà chọn những biểu tượng văn hóa Đà Nẵng, là voọc chà vá, hoa đào chuông, Ngũ Hành Sơn, văn hóa biển như cá chuồn, cá chìa vôi, rùa biển...Đưa tôi xem một tác phẩm "đèn ngủ", kết từ mẩu đá vụn ở Non Nước và "hoa đào chuông" từ giấy Nipa, mà Hà nói vui "tác phẩm đủ để tạo thành một biểu tượng Đà Nẵng", Hà bảo trong cách tạo hình tác phẩm, các cấu kiện được gắn kết mà không dùng keo, bí quá Hà nấu vôi thành hồ theo cách dân gian lấy vôi làm vật liệu xây dựng. "Tôi học theo những cụ bà gánh thúng bán tàu phớ, mì Quảng; từng vật dụng các cụ đặt lên thúng vừa đủ, không thừa một không gian trống, mà rất trật tự, đó là đỉnh cao của nghệ thuật sắp đặt." - Hà nói.

THIÊN LÝ