Hồng Kông - 10 năm sau đại dịch SARS
(Cadn.com.vn) - Đã 10 năm trôi qua kể từ khi đại dịch SARS xuất hiện ở Hồng Kông (Trung Quốc), bùng nổ mối lo chết người lan rộng toàn cầu. Trong đại dịch SARS, các quan chức Trung Quốc bị cáo buộc đã quá chậm khi công bố với thế giới về một căn bệnh bí ẩn này. Một thập kỷ đầy biến động đã đi qua, song người ta vẫn nhớ như in những ngày SARS hoành hành và cướp đi sinh mạng gần 1.000 người.
Những “thị trấn ma” khó quên
Đặc khu tự trị Hồng Kông vào buổi đêm. Mọi người tấp nập ra vào các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh và các cửa hàng tiện ích trước khi trở về các căn hộ trong khu phức hợp Amoy Gardens 19 tầng.
10 năm trước, khu căn hộ đông dân cư này, vốn nơi sinh sống của 19.000 người, biến thành một thị trấn ma bởi đại dịch SARS. 200 người bỗng nhiên mắc căn bệnh hô hấp gây chết người này trong vòng một tuần và không ai biết nó lan nhanh như thế nào. Giới báo chí quy tội cho những con chuột và gián. “Lái xe taxi từ chối đến đây”, Yip Hing Kwok, một người dân và là ủy viên hội đồng địa phương, nhớ lại những tháng ngày khổ ải khi chống chọi với đại dịch chết người vào năm 2003.
Vào sáng 31-3, người dân ở tòa nhà E, nơi tập trung nhiều trường hợp nhiễm bệnh nhất, thức dậy và bàng hoàng khi họ không thể rời khỏi tòa nhà bởi cảnh sát và nhân viên y tế trong quần áo bảo hộ kiểm dịch khẩn cấp. Cảnh sát được lệnh đuổi theo những người rời khỏi tòa nhà và tất cả người dân trong các tòa nhà sau đó được chuyển đến hai trại khép kín, cách biệt. “Chúng tôi cố gắng khử trùng toàn bộ tòa nhà, nhưng số lượng các trường hợp nhiễm bệnh tiếp tục tăng. Tình hình vượt tầm kiểm soát”, ông Yip cho biết.
Amoy Gardens đóng vai trò “diễn viên chính” không mong muốn trong đại dịch SARS năm 2003, vốn khiến 8.096 người nhiễm bệnh và gần 1.000 người tử vong trên toàn thế giới.
Hồng Kông thực sự sợ hãi khi dịch SARS bùng phát vào năm 2003. Ảnh: BBC
Sợ hãi bao trùm
Căn bệnh này, do một loại virus có họ với virus cảm lạnh thông thường, nổi lên ở miền nam Trung Quốc vào cuối năm 2002, gây ra. Một bác sĩ đến nghỉ ở khách sạn Metropole Hồng Kông lây nhiễm cho 7 vị khách khác. Những vị khách này sau đó ra nước ngoài, khiến dịch SARS lây lan trên toàn thế giới. Trong tháng 3 và đầu tháng 4-2003, khi dịch bệnh vượt tầm kiểm soát, Hồng Kông thực sự sợ hãi.
Khẩu trang y tế trở thành mặt hàng nóng và các trung tâm mua sắm, nhà hàng vốn đông đúc trở nên vắng tanh. Người nước ngoài rời khỏi Hồng Kông, trường học đóng cửa và mọi người không ra ngoài làm việc. Tất nhiên, Hồng Kông không phải là “nạn nhân” duy nhất. Singapore, Đài Bắc, Bắc Kinh và Toronto bị ảnh hưởng nặng nề. Lúc đầu, người dân Trung Quốc đại lục không biết gì về dịch bệnh bùng phát vì các nhà lãnh đạo đất nước không thừa nhận mức độ và mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.
Và Hồng Kông được khen ngợi vì sự minh bạch trong báo cáo sự lây lan của căn bệnh này. Tuy nhiên, chính phủ đã bị chỉ trích trong việc xử lý sớm các ổ dịch, đặc biệt ở Amoy Gardens, nơi có 42 người tử vong và 329 người nhiễm bệnh.
Bài học 10 năm
Hồng Kông rút ra nhiều bài học sau đại dịch, cả trong cách tiếp cận để giải quyết những trận dịch mới và đảm bảo vệ sinh.
10 năm sau đại dịch, các căn hộ, các văn phòng hàng ngày vẫn làm vệ sinh nút thang máy, tay vịn, tay nắm cửa và hầu như tất cả các bề mặt tiếp xúc. Khẩu trang được cấp miễn phí trên các phương tiện giao thông công cộng nếu bạn bị cảm lạnh, hắt hơi hoặc ho. Các trường mẫu giáo yêu cầu các bậc cha mẹ ghi lại nhiệt độ cơ thể của con em mình trong một cuốn sổ tay đặc biệt vào mỗi sáng. Nếu xuất hiện các mối đe dọa dịch bệnh mới, các nhà chức trách đều áp dụng những biện pháp khoanh vùng rất chặt chẽ. Năm 2009, thành phố cách ly 286 khách lưu trú tại một khách sạn trung tâm thành phố trong vòng 7 ngày sau khi một khách du lịch Mexico được xác nhận là nhiễm cúm lợn. Hiện thành phố đang giám sát chặt chẽ sự xuất hiện của căn bệnh SARS mới sau khi hồi tháng 2 vừa qua xuất hiện tin đồn cho rằng, một người Hồng Kông đã nhiễm bệnh.
An Bình
(Theo BBC)