Hồng Kông trước áp lực từ mọi phía

Thứ sáu, 14/06/2019 08:15

Chính quyền trung ương Trung Quốc ngày 13-6 đã nghiêm khắc lên án phản ứng bạo lực của những người biểu tình ở Hồng Kông, đồng thời khẳng định sự ủng hộ đối với chính quyền tại đặc khu này.

Biểu tình ở Hồng Kông đã biến thành bạo lực nguy hiểm. Ảnh: AFP

Hồng Kông (Trung Quốc) đã phải đối mặt với áp lực từ trong và ngoài nước về một dự luật dẫn độ gây tranh cãi, vốn làm bùng nổ các cuộc biểu tình bạo lực trong những ngày qua.      

Theo AFP, cuộc biểu tình quy mô lớn hôm 12-6 đã biến thành bạo lực. Cảnh sát đã buộc phải sử dụng hơi cay và đạn cao su để giải tán những người biểu tình cố gắng xông vào trụ sở Cơ quan lập pháp và chặn đường trong khu trung tâm tài chính. Mặc dù chính quyền Hồng Kông đã nỗ lực hạ nhiệt tình hình thông qua quyết định trì hoãn vô thời hạn cuộc họp tại Hội đồng Lập pháp để thảo luận về dự luật dẫn độ, những người biểu tình vẫn khẳng định sẽ không từ bỏ chiến dịch của họ. Các thủ lĩnh biểu tình ở Hồng Kông vẫn chưa chịu dừng bước. Họ đã tuyên bố kế hoạch tổ chức một cuộc biểu tình quy mô lớn tiếp theo vào ngày 16-6 tới và một cuộc tổng đình công trên toàn đặc khu vào ngày 17-6. 

Các nước nói gì?

Hồng Kông thật sự đã bị rung chuyển bởi tình trạng bất ổn chính trị tồi tệ nhất kể từ khi được bàn giao cho Trung Quốc vào năm 1997. Các cuộc biểu tình bạo lực là biểu hiện mới nhất của sự tức giận công khai trên diện rộng đối với kế hoạch gây tranh cãi liên quan đến dự luật dẫn độ.

Và vụ khủng hoảng lần này ở Hồng Kông khiến các nước bên ngoài “không thể ngồi yên”. Tại Mỹ, Tổng thống Trump cho biết, ông hiểu nguyên nhân dẫn đến các cuộc biểu tình tại Hồng Kông, nhưng hy vọng rằng những người biểu tình tại đây có thể giải quyết vấn đề ổn thỏa với Bắc Kinh. Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump nêu rõ: “Tôi hy vọng họ sẽ có thể giải quyết vấn đề với chính quyền Trung Quốc”. Trong khi đó, theo Bộ Ngoại giao Đức, các cuộc biểu tình quy mô lớn với sự tham gia của hàng chục nghìn người trong mấy ngày qua đã cho thấy sự phản đối quyết liệt của người dân Hồng Kông đối với dự luật gây tranh cãi này. Bộ này cũng thông báo, Berlin đang kiểm tra xem thỏa thuận dẫn độ hiện có giữa Đức và Hồng Kông liệu có còn tiếp tục được thực hiện hay không trong trường hợp chính quyền đặc khu hành chính này thông qua dự luật về dẫn độ.

Trong tuyên bố đầu tiên, Liên minh Châu Âu (EU) kêu gọi chính quyền đặc khu này phải tôn trọng quyền công dân, trong khi tất cả các bên nên kiềm chế sau các cuộc biểu tình bạo lực. Cơ quan đối ngoại Châu Âu thậm chí khiến Bắc Kinh nổi giận khi đưa ra tuyên bố cho biết trong những ngày qua, người dân Hồng Kông thực hiện quyền cơ bản để tập hợp và thể hiện ý kiến một cách tự do và hòa bình.

Trung Quốc nói gì?

Ngay lập tức, chính quyền trung ương Trung Quốc chỉ trích những bình luận “vô trách nhiệm và sai trái” trên của EU.

Phát biểu trong buổi họp báo cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh: “Tôi đã khẳng định nhiều lần rằng các công việc của Hồng Kông hoàn toàn là các công việc nội bộ của Trung Quốc. Không một quốc gia, tổ chức hay cá nhân nào có quyền can thiệp vào những công việc đó”. Bắc Kinh cũng nghiêm khắc lên án phản ứng bạo lực của những người biểu tình ở Hồng Kông, đồng thời khẳng định sự ủng hộ đối với chính quyền tại đặc khu này.             

Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc ngày 13-6 cũng đồng loạt lên tiếng nói rằng, các cuộc biểu tình ở Hồng Kông chỉ làm tổn hại danh tiếng của thành phố này và gọi đây là những hành động “vô trật tự”. “Tình trạng vô trật tự này sẽ làm tổn thương Hồng Kông chứ không ảnh hưởng đến việc bãi bỏ dự luật dẫn độ”, bài xã luận của China Daily nêu rõ.

KHẢ ANH