Hồng Kông trước giờ G

Thứ tư, 10/12/2014 08:21

(Cadn.com.vn) - Sinh viên biểu tình Hồng Kông hiện đang đứng trước vấn đề nan giải: làm gì trước khi lệnh tháo dỡ trại biểu tình của tòa án được thực hiện vào ngày mai (11-12).

Ngày 11-12 có thể xem là cuộc chiến cuối cùng giữa giới chức Hồng Kông và người biểu tình. Đây là thời điểm tòa án cho phép loại bỏ các chướng ngại vật và lều trại chặn đường phố trung tâm tài chính Châu Á trong hơn 2 tháng qua.

Người biểu tình phong tỏa tuyến đường chính ở trung tâm Hồng Kông hôm 9-12.  Ảnh: Reuters

CUỘC CHIẾN CUỐI CÙNG

Tòa án tối cao Hồng Kông ngày 9-12 ra quyết định cho phép lực lượng cảnh sát dỡ bỏ các địa điểm biểu tình chính ở trung tâm nhằm giải tỏa đường phố, lập lại trật tự tại đặc khu này sau hơn 2 tháng bất ổn.

Trước đó, cảnh sát đặc khu cũng đã phê chuẩn các kế hoạch giải tỏa những đường phố bị phong trào “Chiếm trung tâm” chiếm giữ trong 72 ngày qua. Theo báo SCMP, hơn 3.000 cảnh sát sẵn sàng làm nhiệm vụ giải tỏa các khu trại biểu tình lớn nhất ở Admiralty và Causeway Bay.

Trung Quốc điều tra tướng PLA

Reuters ngày 9-12 cho biết, Thiếu tướng Đới Duy Dân hiện đang bị điều tra do nghi ngờ nhận hối lộ, khi Bắc Kinh mở rộng chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” trong Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Tướng Đới, 52 tuổi, Phó Viện trưởng Viện chính trị Nam Kinh thuộc PLA bị nghi ngờ nhận “những khoản hối lộ khổng lồ” liên quan đến xây dựng và các dự án đất đai. Đây là nhân vật cấp cao thứ 3 của PLA bị điều tra sau tướng Từ Tài Hậu - cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương - và tướng Cốc Tuấn Sơn - cựu Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Hậu cần PLA.

T.L

Cảnh sát cũng sẽ dẹp bỏ toàn bộ địa điểm biểu tình còn lại ở quận trung tâm Admiralty, gồm cả những khu vực không có trong lệnh của tòa án, nhằm khôi phục giao thông. Một Cty xe buýt địa phương, nhận được lệnh từ Tòa án Tối cao cùng tham gia giải tỏa các trại biểu tình. Paul Tse, luật sư đại diện cho Cty xe buýt này nói với truyền hình địa phương rằng, những người biểu tình phải rời khỏi khu vực trước 9 giờ ngày 11-12.

Trưởng đặc khu Lương Chấn Anh, vốn tuyên bố các cuộc biểu tình là bất hợp pháp và bác bỏ những kêu gọi đàm phán thêm về cải cách chính trị, đã cảnh báo người biểu tình không được phản ứng bạo lực khi lực lượng giới chức tiến hành giải phóng các lều trại.

NGƯỜI BIỂU TÌNH ỨNG PHÓ NHƯ THẾ NÀO?

Các nhóm biểu tình vỡ ra từng mảnh sau hơn 2 tháng đòi “Chiếm trung tâm”. Số người biểu tình hiện còn khoảng 100 người so với thời điểm đỉnh cao hơn 100.000 người.

Hôm 9-12, các điểm biểu tình vẫn yên tĩnh, chủ yếu là du khách chụp ảnh. Nhiều lều trại của người biểu tình được tháo dỡ hoặc di chuyển đến các địa điểm gần đó. Mani Chan là một trong những nhóm cuối cùng di chuyển đến địa điểm mới cách nơi cũ 10m nhưng vẫn trên con đường đó và nằm ngoài khu vực cấm.

“Người biểu tình và các tình nguyện viên đang hình thành tuyến phòng thủ”, Chan nói đồng thời khẳng định: “Chúng tôi sẽ ở lại bằng bất kỳ giá nào”. Kenny Ho, sinh viên 20 tuổi, tuyên bố sẽ ở lại cho đến khi cảnh sát dỡ bỏ các trại biểu tình: “Tôi rất lo lắng. Nhưng tôi tin mình sẽ có tương lai nếu Hồng Kông có tương lai”.

Trong khi đó, các tình nguyện viên đang xem xét làm thế nào đóng gói số lượng lớn các nguồn thực phẩm, các công trình vệ sinh tại các lều trại. Một người biểu tình tên Cheung cho biết, tất cả có thể chuyển đến một nhà kho, lưu trữ và chờ chiến dịch khác trong tương lai. Một số khác sẽ được gửi đến Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông (HKFS).

Xem ra, người biểu tình đã chấp nhận tuân theo lệnh của tòa án và phong trào “Chiếm trung tâm” đang trên con đường lụi tàn. Nhưng trò chơi chính trị luôn tiềm ẩn những bất ngờ như việc bùng nổ đụng độ gay gắt sau lần giải tỏa biểu tình vào cuối tháng 11 tại quận Mong Kok.

Khả Anh