TƯ VẤN PHÁP LUẬT

Hợp đồng lao động điện tử có hiệu lực hay không?

Thứ ba, 01/08/2023 14:46
*Bạn đọc hỏi: chị Hoàng Nhung ở Q.Sơn Trà (TP Đà Nẵng), hỏi: Tôi hiện đang là nhân sự của một công ty hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và làm việc đã gần 1 năm. Từ khi vào làm đến nay, tôi không ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) bản giấy với công ty này mà chỉ ký HĐLĐ điện tử (trong đó có quy định về mức lương, thời hạn HĐLĐ là 1 năm, công việc, các nghĩa vụ và quyền hạn của hai bên…), nghĩa là mọi thỏa thuận giữa hai bên đều được thực hiện qua email. Nay, vì lý do cá nhân, tôi muốn xin thôi việc tại công ty đó. Cho  tôi hỏi: HĐLĐ điện tử có hiệu lực pháp luật không? Tôi có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn không?
Luật sư Phan Thụy Khanh
Luật sư Phan Thụy Khanh

*Luật sư Phan Thụy Khanh – Phó trưởng văn phòng Luật sư Phong & Partners - Trưởng Chi nhánh Sơn Trà, trả lời:

I. HĐLĐ là gì?

Theo khoản 1 Điều 13 Bộ luật Lao động 2019 về HĐLĐ:

“1. HĐLĐ là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là HĐLĐ”.

Về hình thức của HĐLĐ, khoản 1 Điều 14 Bộ luật Lao động quy định:

“1. HĐLĐ phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 2 bản, người lao động giữ 1 bản, người sử dụng lao động giữ 1 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

HĐLĐ được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như HĐLĐ bằng văn bản”.

Như vậy, ngoài hình thức HĐLĐ bằng văn bản, pháp luật cho phép giao kết HĐLĐ thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Luật Giao dịch điện tử 2005 quy định về “thông điệp dữ liệu” như sau:

“Điều 4. Giải thích từ ngữ

12. Thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử.”

“Điều 10. Hình thức thể hiện thông điệp dữ liệu

Thông điệp dữ liệu được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác.”

“Điều 11. Giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu

Thông tin trong thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì thông tin đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu.”

“Điều 12. Thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản

Trường hợp pháp luật yêu cầu thông tin phải được thể hiện bằng văn bản thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu này nếu thông tin chứa trong thông điệp dữ liệu đó có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu khi cần thiết.”

“Điều 13. Thông điệp dữ liệu có giá trị như bản gốc khi đáp ứng được các điều kiện sau đây:

1. Nội dung của thông điệp dữ liệu được bảo đảm toàn vẹn kể từ khi được khởi tạo lần đầu tiên dưới dạng một thông điệp dữ liệu hoàn chỉnh. Nội dung của thông điệp dữ liệu được xem là toàn vẹn khi nội dung đó chưa bị thay đổi, trừ những thay đổi về hình thức phát sinh trong quá trình gửi, lưu trữ hoặc hiển thị thông điệp dữ liệu;

2. Nội dung của thông điệp dữ liệu có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết.”

Từ các quy định nêu trên cho thấy, việc chị Nhung và công ty mà chị đang làm việc đã giao kết HĐLĐ dưới hình thức thông điệp dữ liệu thông qua email được xem là phù hợp với quy định pháp luật, nghĩa là HĐLĐ này có hiệu lực pháp luật nếu đáp ứng các điều kiện của Luật Giao dịch điện tử 2005 như trên.

II. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ điện tử trước thời hạn?

Như đã phân tích ở trên, việc giao kết HĐLĐ thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu là phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động. Do đó, mọi thỏa thuận bằng email của hai bên nếu không trái luật thì hoàn toàn có hiệu lực pháp luật. Theo thông tin chị Nhung cung cấp, HĐLĐ đã giao kết là HĐLĐ xác định thời hạn (12 tháng). Điểm b khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 quy định về quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của người lao động như sau:

“1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:

b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo HĐLĐ xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng” ;

Do vậy, trường hợp chị Nhung muốn chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn đúng quy định pháp luật và đảm bảo được quyền lợi của chị thì chị phải báo trước cho công ty chị đang làm việc ít nhất là 30 ngày trước khi chấm dứt HĐLĐ.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425