Hợp tác đưa Tiểu vùng Mê Kông mở rộng thành điểm đến hấp dẫn

Thứ sáu, 19/06/2015 11:45

(Cadn.com.vn) - Trong khuôn khổ hợp tác Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS), ngày 18-6, Hội nghị Du lịch Mê Kông 2015 chính thức khai mạc tại Đà Nẵng với sự tham gia của hàng trăm đại biểu đến từ các nước Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Với chủ đề “Khai thác tốt hơn tiềm năng du lịch GMS thông qua quan hệ đối tác mới”, đây là dịp để các nước trong khu vực GMS khẳng định vai trò, vị thế của mình trong lĩnh vực du lịch, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch, giới thiệu các sản phẩm dịch vụ nổi bật tới bạn bè quốc tế.

Các đại biểu, chuyên gia đến từ các nước trong khu vực cam kết sẽ chung tay đưa GMS trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới.

5 QUỐC GIA, 1 ĐIỂM ĐẾN

Ông Lê Khánh Hải – Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL cho biết, diễn đàn năm nay là dịp tốt để cơ quan du lịch các quốc gia trong khu vực, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp du lịch thảo luận đưa ra những đề xuất đẩy mạnh hợp tác công - tư, tăng cường nguồn nhân lực cho đầu tư phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá. “Đây sẽ là điều kiện quan trọng cho việc triển khai kế hoạch marketing du lịch tiểu vùng giai đoạn 2015-2020, hướng tới mục tiêu đưa Tiểu vùng Mê Kông trở thành một điểm đến hấp dẫn chung đối với du khách”, ông Lê Khánh Hải nhấn mạnh.

Du lịch GMS thời gian gần đây đang duy trì sự tăng trưởng ổn định về lượng khách quốc tế đến và doanh thu du lịch. Theo số liệu của Tổ chức Du lịch Thế giới, từ năm 2002, lượng khách quốc tế đến GMS đã tăng liên tục, với mức tăng trưởng trung bình khoảng 12%/năm. Năm 2014, Tiểu vùng đón gần 54 triệu lượt khách quốc tế, tăng 8,2% so với năm 2013, chiếm khoảng 20% tổng lượng khách đến Châu Á - Thái Bình Dương, doanh thu du lịch quốc tế đạt hơn 61 tỷ USD. Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, các sản phẩm du lịch, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật dịch vụ và nguồn nhân lực phục vụ du lịch đang từng bước được đầu tư, tăng cường về số lượng và nâng cao về chất lượng.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, cơ chế hợp tác của GMS rất có ích cho các nước trong khu vực để cùng chia sẻ kinh nghiệm, cùng liên kết, cùng hợp tác để cùng hành động và hướng tới mục tiêu chung là khai phá tiềm năng du lịch của vùng. Đây là sự hợp tác vừa mở, vừa tạo ra sự phát triển cho từng quốc gia nhưng không lệ thuộc vào các quốc gia khác. Sự hợp tác này dựa trên tầm nhìn, định hướng cho phát triển du lịch với mục tiêu chung, hợp tác trong việc xây dựng thông điệp 5 quốc gia một điểm đến, cùng hành động cho chiến dịch xúc tiến điểm đến đồng thời hỗ trợ liên kết với nhau trong đào tạo nguồn nhân lực.

Việt Nam miễn visa cho khách du lịch 5 nước Châu Âu

Ngay trong lễ khai mạc Diễn đàn Du lịch Mê Kông 2015, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho hay, Thủ tướng Chính phủ ngày 17-6 đã ký Quyết định miễn visa cho công dân, du khách đến từ 5 quốc gia Châu Âu gồm: Italia, Tây Ban Nha, Anh, Pháp và Đức. Quyết định trên sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7, được thực hiện trong vòng 1 năm và xem xét, gia hạn sau đó căn cứ vào luật pháp của Việt Nam.

Quyết định cũng đưa ra quy định khách đến từ 5 quốc gia trên sẽ tạm trú tại Việt Nam không quá 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh vào Việt Nam. Cũng tại sự kiện này, Thứ trưởng Lê Khánh Hải chính thức thông báo, Đà Nẵng đã được chọn làm thành phố chủ nhà của Đại hội Thể thao Biển Châu Á 2016 (Asia Beach Games). Tại Asia Beach Games, Bộ sẽ cùng Đà Nẵng phối hợp với Tổ chức Du lịch thế giới, Ủy ban Olympic thế giới tổ chức Hội nghị Thể thao và Du lịch nhằm gắn kết giữa thể thao và du lịch, tạo thêm nhiều cơ hội cho sự phát triển du lịch đa dạng của Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung.

CÒN NHIỀU THÁCH THỨC

Các chuyên gia tại diễn đàn dự báo, trong năm 2015 và các năm tiếp theo, du lịch Tiểu vùng Mê Kông mở rộng sẽ phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức bởi tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, bất ổn chính trị ở một số khu vực và chịu sự cạnh tranh lớn hơn từ các quốc gia, khu vực khác đang đẩy mạnh đầu tư, quảng bá cho phát triển du lịch. Ngoài những khó khăn mang tính phổ biến của du lịch toàn cầu thì theo ông Trần Phú Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Du lịch, GMS còn gặp phải một trở ngại rất lớn chính là cơ sở hạ tầng để có thể thúc đẩy sự hợp tác, phát triển ngành du lịch trong khu vực cũng như điều kiện thu hút khách từ khu vực khác.

Theo ông Cường, ngoài những nỗ lực của riêng mình, tất cả các nước cần phải tăng cường hơn nữa trong việc hợp tác để khắc phục những hạn chế, khó khăn đồng thời tạo được thế mạnh chung trong việc biến khu vực thành điểm đến hấp dẫn. Còn ông Bruce Hancock – một chuyên gia nghiên cứu về du lịch GMS thì cho rằng, cả 6 nước thành viên của Tiểu vùng phải tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, trong đó đẩy mạnh phát triển du lịch dựa vào cộng đồng là rất quan trọng.

Ngoài xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại thì việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành du lịch sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của việc hợp tác và đưa du lịch của Tiểu vùng có lợi thế cạnh tranh với các điểm đến khác. Trong khi đó, bà Mary Mc Keon – trưởng nhóm tư vấn chương trình du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh Châu Âu tài trợ thì cho rằng, các quốc gia nhất thiết phải thành lập hội đồng tư vấn du lịch, đối thoại cởi mở, đẩy mạnh chiến lược marketing để quảng bá thương hiệu du lịch của quốc gia, khu vực, phát triển các điểm đến trên cơ sở có tầm nhìn chung.

Thứ trưởng Lê Khánh Hải cho rằng, để vượt qua thử thách, đảm bảo đà tăng trưởng bền vững của du lịch Tiểu vùng, ngành du lịch 6 nước GMS cần tiếp tục nỗ lực, đóng góp có trách nhiệm vào sự phát triển chung và tranh thủ hỗ trợ, hợp tác từ các nhà đầu tư chiến lược, đối tác phát triển để đưa ra các sản phẩm du lịch mới với chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh với những khu vực khác trên thế giới. Qua đó khẳng định được thương hiệu du lịch Tiểu vùng trên cơ sở sức mạnh thương hiệu của dòng sông Mê Kông, thu hút đông đảo và đáp ứng nhu cầu của các đối tượng khách du lịch trong và ngoài khu vực.

Công Khanh