Huawei - Câu chuyện về một Cty gây tranh cãi (Kỳ 3: Vụ bắt giữ và vụ kiện đình đám)

Thứ ba, 19/03/2019 12:00

Đó là ngày 1-12-2018. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang ăn tối bên lề cuộc gặp tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires, Argentine.

Bà Mạnh Vãn Chu hiện đang bị quản thúc tại gia ở Canada.   Ảnh: Canadian Press

Họ đã có rất nhiều điều để thảo luận. Mỹ và Trung Quốc đang rơi vào cuộc chiến thương mại nghiêm trọng - khi cả hai áp thuế cao đối với các mặt hàng của nhau - và dự báo tăng trưởng cho cả hai nước gần đây đã bị cắt giảm. Điều này đã làm tăng thêm nỗi sợ hãi về một nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại. Tại cuộc họp này, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý một thỏa thuận "đình chiến" và sau đó ông Trump đã viết trên Twitter rằng, mối quan hệ với Trung Quốc đã có bước tiến lớn.

"Gã gián điệp" công nghệ của Trung Quốc?

Nhưng cách đó hàng ngàn ki-lô-mét về phía bắc, ở lãnh thổ Canada, một vụ bắt giữ gây chấn động đang diễn ra, phủ bóng mối quan hệ đang dần ấm lên này. Bà Mạnh Vãn Chu, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính (CFO) của Huawei, và con gái lớn của ông Nhậm Chính Phi đã bị các quan chức Canada bắt giữ tại sân bay Vancouver theo yêu cầu từ phía Mỹ. Washington cáo buộc bà vi phạm các biện pháp trừng phạt chống lại Iran. "Khi con gái bị giam giữ, là cha của nó, tim tôi tan vỡ", ông Nhậm nói và cho biết, "Tôi phải vào cuộc điều tra vì sao con tôi bị như thế này? Chuyện gì đã xảy ra? Chúng tôi chỉ có thể nhờ luật pháp giải quyết vấn đề này".

Nhưng các vấn đề với Huawei mới chỉ bắt đầu. Gần 2 tháng sau, Bộ Tư pháp Mỹ đã đệ trình 2 bản cáo trạng chống lại Huawei và bà Mạnh. Một bản cáo trạng cáo buộc Huawei ăn cắp bí mật thương mại từ T-Mobile (TMUS) và trao thưởng hậu hĩnh cho các nhân viên thu thập thông tin bí mật về các đối thủ cạnh tranh. Trong đó có đến 10 tội danh liên bang đối với 2 chi nhánh của Huawei liên quan đến việc đánh cắp công nghệ robot của Tập đoàn T-Mobile, được gọi là "Tappy". Thực tế, Huawei cũng đang chế tạo robot thử nghiệm trên điện thoại tại Trung Quốc. Các công tố viên liên bang tuyên bố, tập đoàn này liên tục chỉ đạo nhân viên thu thập thông tin chi tiết về cách Tappy làm việc - vi phạm các thỏa thuận bảo mật và không tiết lộ thông tin mà họ có với T-Mobile. Các nhân viên được cho là đã yêu cầu gửi thông tin như ảnh, số sê-ri và các thông số khác. Một nhân viên đã bị bắt khi đánh cắp một trong những cánh tay của robot, theo tài liệu của tòa án. Sau khi hành vi trộm cắp được phát hiện, nhân viên Huawei này cho biết, cánh tay robot "rơi nhầm" vào túi của anh ta. Huawei tuyên bố, nhân viên này đã hành động một mình và vụ việc đã được giải quyết tại tòa án vào năm 2014. Nhưng vụ việc mới nhất được xây dựng trên các đường dẫn email giữa các nhà quản lý ở Trung Quốc và nhân viên của Huawei ở Mỹ.

Bản cáo trạng thứ hai cho rằng, tập đoàn này đã phớt lờ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Đó là 13 cáo buộc nhằm vào bà Mạnh cùng 3 chi nhánh có liên quan những hành vi vi phạm các biện pháp trừng phạt Iran của Mỹ. Theo cáo trạng, mọi việc nở rộ vào giữa năm 2007 trong thời điểm mà ông Nhậm Chính Phi nói với Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) rằng, tập đoàn này không vi phạm bất kỳ luật xuất khẩu nào của Mỹ và khẳng định không giao dịch trực tiếp với bất kỳ Cty Iran nào. Cả bà Mạnh và Huawei đều bác bỏ những cáo buộc này.

Đây không phải là lần đầu tiên Huawei bị buộc tội ăn cắp bí mật thương mại. Trong những năm qua, các Cty như Cisco, Nortel và Motorola đều đã có những cáo buộc tương tự nhằm vào Huawei.

Nỗi lo sợ của Mỹ

Nhưng nỗi sợ hãi của Mỹ về Huawei không chỉ là gián điệp công nghiệp. Trong hơn 1 thập kỷ, chính phủ Mỹ đã xem tập đoàn này là "một nhánh" của chính phủ Trung Quốc. Đó là lý do Washington ra lệnh cấm mua công nghệ và linh kiện của Huawei, tương tự như với vụ việc của ZTE hồi đầu năm nay. Lệnh cấm này sẽ không chỉ áp dụng cho các thành phần của phần cứng, mà còn là loại bỏ quyền truy cập vào phần mềm và bằng sáng chế của những Cty Mỹ.

Australia hồi năm 2018 đã tiến thêm một bước khi cấm mua thiết bị từ gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc cho dự án lưới viễn thông 5G vì lo sợ các rủi ro can thiệp nội bộ và tấn công mạng. Nhiều quốc gia khác cũng có động thái tương tự. Cơ quan phản gián của New Zealand ngăn Cty viễn thông Spark dùng thiết bị của Huawei để nâng cấp mạng 5G được lên kế hoạch, giải thích rằng, việc đó có thể tạo ra "mối đe dọa lớn về an ninh mạng". Trong khi đó, Cộng hòa Czech loại hãng này ra khỏi gói thầu trị giá 20 triệu EUR để xây dựng cổng thông tin thuế.

Nhưng trong một tuyên bố mới nhất, ông Nhậm Chính Phi khẳng định, Huawei vẫn có thể sống tốt bất chấp những mối cảnh báo về an ninh và các vấn đề pháp lý mà con gái ông đang đối mặt. Ông Nhậm tố cáo có "động cơ chính trị" trong vụ bắt giữ con gái ông và khẳng định "Nước Mỹ không đại diện cho cả thế giới". "Nếu đèn tắt ở phương Tây, phương Đông vẫn sẽ tỏa sáng. Nước Mỹ không đại diện cho cả thế giới", ông chủ Huawei nhấn mạnh.

Trong một bài phát biểu được gửi tới các nhân viên Huawei, ông Nhậm Chính Phi kêu gọi sự kiên nhẫn với các chỉ trích bên ngoài và từ chối sự can thiệp từ nước ngoài. "Chúng tôi sẽ không bao giờ nhượng bộ hay chịu áp lực từ bên ngoài", ông nói.

KHẢ ANH (Còn nữa)