Huế dịu dàng về miền Hương Ngự

Thứ ba, 03/05/2016 09:07

(Cadn.com.vn) - Tối 2-5, tại đình làng cổ Kim Long, bên sông Hương, hàng ngàn du khách và người dân địa phương đã được xem miễn phí chương trình nghệ thuật "Huế dịu dàng về miền Hương Ngự". Đây là chương trình tôn vinh những giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc của mảnh đất và con người xứ Huế lần đầu tiên góp mặt tại Festival Huế 2016.

Khác với các lễ hội chính ở Festival, đến với chương trình "Huế dịu dàng về miền Hương Ngự", khán giả chỉ bắt gặp các nghệ sĩ, diễn viên, nữ sinh hay người dân đều là người Huế. Trong không gian thơ mộng, cổ kính, khán giả được thưởng thức những nghệ nhân ca Huế thể hiện các tiết mục: chầu văn, ca Huế, cổ bản, nhã nhạc cung đình... Phát huy các giá trị di sản vốn đã được UNESCO công nhận là kiệt tác phi vật thể truyền khẩu của nhân loại, dàn "diễn viên nhí" là nữ sinh Trường THPT Nguyễn Huệ cũng trình bày bài bản, chuyên nghiệp tiết mục "Lục cúng hoa đăng" trước sự ngỡ ngàng, cổ vũ của khán giả. Chương trình múa sử thi trong trang phục áo dài tượng trưng quan văn, quan võ, cấm vệ quân như đưa du khách ngược dòng lịch sử, khám phá những hình tượng nghệ thuật trong đời sống của cư dân Việt. Tại đây, người xem cảm kích, trân trọng những trang sử hào hùng của dân tộc ta trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...

Một tiết mục trong "Huế dịu dàng về miền Hương Ngự".

Đến với "Huế dịu dàng về miền Hương Ngự", trong không gian huyền ảo của đình làng cổ kính, du khách còn được tận mắt xem các nghệ nhân Huế thao diễn các loại bánh, mứt. Hàng chục loại bánh Huế ngọt, mặn được các nghệ nhân khéo léo, công phu nhào nặn như: bánh in, bánh ít, bánh phu thê, bánh trái cây... hòa trong nền nhạc "Tìm em trong nét Huế", "Thương về cố đô"... Các cô gái mặc áo dài lụa màu nâu nhạt e ấp, thẹn thùng, bưng các khay bánh vừa được làm xong, dạo quanh, mời khán giả thưởng thức. Anh Nguyễn Trần Nguyên Anh, một du khách đến từ TP Hồ Chí Minh chia sẻ:"Mình đến Huế cũng nhiều lần rồi nhưng lần đầu tiên mới chứng kiến cảnh những người Huế làm bánh, làm mứt ngay trên sân khấu. Ở đây, lễ hội không còn khô cứng mà khiến cho du khách có cảm giác ấm cúng, gần gũi. Qua chương trình này cũng giúp chúng tôi hiểu thêm một phần về đời sống, con người Huế".

Tại "Huế dịu dàng về miền Hương Ngự", khán giả cũng đã mãn nhãn khi xem phần trình diễn thời trang và đêm hội Áo dài. Bộ sưu tập áo dài với chủ đề "Về miền Hương Ngự" của NTK Viết Bảo, được thiết kế theo ý tưởng từ những bức tranh gương vẽ hình danh lam thắng cảnh Huế và hoa sen do các người mẫu, người đẹp Huế trình diễn. Nếu như áo dài nữ là trang phục tuyệt hảo phù hợp với vóc dáng của người phụ nữ, thì áo dài nam cũng là một loại trang phục không chỉ thể hiện được vẻ đẹp đứng đắn, nghiêm trang, sang trọng, nam tính, mà còn thể hiện được sự lịch thiệp, mẫn tiệp và không kém phần lãng mạn... Kết thúc chương trình, du khách và người dân Huế cùng tham gia thả 710 hoa đăng trên sông Hương tượng trưng 710 năm Phú Xuân- Thuận Hóa- Huế với ý nghĩa văn hóa tâm linh là nguyện cầu thái bình, quốc thái dân an.

Du khách nếm hương vị bánh trái Huế.

Bên cạnh chương trình tại sân khấu chính, trước mặt đình làng Kim Long, không gian hoạt động cộng đồng chương trình Về miền Hương Ngự còn kéo dài ra bờ sông Hương như: trưng bày các bức tranh được giải do các em học sinh Trường Tiểu học Kim Long (TP Huế) sáng tác; biểu diễn Lân Rồng; trình diễn các bức họa phong cảnh Huế trên nón lá, quạt vải; thao diễn các nghề truyền thống; ẩm thực dân gian truyền thống; tổ chức các hoạt động trò chơi dân gian cộng đồng phục vụ công chúng và du khách; triển lãm hình ảnh, tác phẩm nghệ thuật về Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế với chiều dài lịch sử 710 năm.

Nhà thiết kế Viết Bảo, người sáng lập và kiêm tổng đạo diễn chương trình Huế dịu dàng về miền Hương Ngự chia sẻ, chương trình hướng vào 3 giá trị cốt lõi làm nên văn hóa đặc thù của Huế, đó là văn hóa tâm linh, văn hóa cung đình, văn hóa dân gian, với phong tục tập quán và các làng nghề truyền thống. Dự kiến, sau Festival Huế lần này, chương trình vẫn tiếp tục được tổ chức để phục vụ du khách mỗi khi tới thăm cố đô Huế.

H.Lan