Huế - kho tàng di sản văn hóa cung đình đặc sắc

Thứ hai, 19/09/2016 09:17

(Cadn.com.vn) - Ngày 16-9, tại TP Huế (TT-Huế) dã diễn ra hội thảo khoa học "Di sản văn hóa cung đình thời Nguyễn - Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị". Hơn 200 đại biểu là các giáo sư, các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực văn hóa trong và ngoài nước đã thảo luận xoay quanh việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa (DSVH) cung đình thời Nguyễn.

Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu
và phi vật thể nhân loại.

Theo Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, triều Nguyễn là triều đại quân chủ cuối cùng tại Việt Nam, với gần 400 năm tồn tại (1558-1945), các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn đã để lại cho dân tộc những DSVH phong phú và mang giá trị đặc biệt. Huế là thủ phủ của các chúa Nguyễn và là kinh đô của vương triều Nguyễn nên đã thừa hưởng được nhiều DSVH quan trọng. Trong những năm qua, cùng với sự đổi mới và phát triển của đất nước, sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị các DSVH cung đình thời Nguyễn đã đạt được nhiều thành quả to lớn, góp phần quan trọng xây dựng cố đô Huế trở thành một trung tâm văn hóa du lịch của đất nước, thành phố festival đặc trưng của Việt Nam.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lưu Trần Tiêu cho rằng: đất nước ta chỉ có ở Huế còn giữ được âm nhạc cung đình. Nhiều thư tịch cổ, các bộ hương ước, phổ hệ, phả hệ, sắc phong, di vật và cổ vật các loại,... còn đang được lưu giữ trong các đình, đền, chùa, nhà thờ họ tộc và trong nhiều gia đình người dân Huế nhưng đang vơi dần theo năm tháng. Không có ở các DSVH khác của Việt Nam và cũng hiếm thấy ở các nước trên thế giới, trong một khu di sản- Quần thể di tích cố đô Huế- được UNESCO ghi danh 5 danh hiệu cao quý: DSVH thế giới (1993), Nhã nhạc cung đình Huế (2003) và 3 di sản tư liệu thế giới: Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.

Còn theo nhận định của GS.TS Trương Quốc Bình (Hội đồng Văn hóa Di sản quốc gia), trong các lĩnh vực văn hóa tinh thần, triều Nguyễn đã để lại một DS khổng lồ, vĩ đại mà không triều đại nào trong lịch sử có thể so sánh được. Kho tàng DS đồ sộ này bao gồm cả DS vật thể và DS phi vật thể, trải rộng trên cả nước từ Bắc chí Nam, là kết quả lao động sáng tạo của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Bên cạnh sự phát triển rộng khắp và mạnh mẽ của văn hóa dân gian trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội thì đến thời Nguyễn, văn hóa cung đình cũng có sự phát triển cao độ và tập trung do những điều kiện KT-XH ở trong nước và những tác động không nhỏ của thời đại trong bước chuyển quan trọng của lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX. Với tư cách là kinh đô của nước Đại Nam thống nhất, Huế chính là nơi được triều đình nhà Nguyễn tập trung xây dựng với những ưu tiên hàng đầu về nhân tài vật lực và cho đến nay còn để lại một kho tàng DSVH cung đình hết sức đặc sắc, hết sức nổi trội, được đánh giá là có giá trị toàn cầu nổi bật. "Huế đã có những nỗ lực thiết lập và duy trì sự hài hòa, cân bằng giữa bảo tồn và phát triển bền vững theo tinh thần Công ước của UNESCO về DS cũng như quy ước quốc tế có liên quan tới DS thế giới của Liên hợp quốc. Thực hiện nghiêm túc các khuyến nghị của UNESCO, UBND tỉnh TT-Huế đã chỉ đạo việc xây dựng và phê duyệt kế hoạch Quản lý quần thể di tích Cố đô Huế giai đoạn 2015-2020"- PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội DSVH Việt Nam khẳng định.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe nhiều tham luận trong số 70 tham luận của các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, các nhà khoa học trong nước và ở nước ngoài: Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc. Các tham luận đều đánh giá quy mô, tầm vóc và giá trị của các DSVH cung đình thời Nguyễn, đánh giá thành quả của công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị DS trong những năm qua. Bên cạnh đó, một số tham luận cũng phân tích những mặt còn hạn chế, bất cập ở một số lĩnh vực của công tác bảo tồn và phát huy giá trị DSVH. Từ đó, đưa ra những kiến nghị khoa học, những giải pháp thiết thực để khắc phục cho giai đoạn trước mắt và tương lai.

H.Lan