Hướng dẫn viên du lịch trên từng cây số
Nghề hướng dẫn viên du lịch (HDVDL) đòi hỏi nhiều yếu tố như ngoại hình, chất giọng, kiến thức và những năng khiếu tổng hợp... Không chỉ chăm lo chu toàn mọi dịch vụ trong một tour tham quan, hơn hết HDVDL còn là cầu nối văn hóa giữa du khách với những vùng miền mà họ đặt chân đến.
HDVDL đang khởi động chương trình Teambuilding cùng du khách. |
"Làm dâu trăm họ"
Mỗi ngành nghề đều có những đặc thù riêng, HDVDL được xem là nghề của những chuyến đi, rong ruổi khắp xứ. Bước vào nghề từ năm 2012, anh Nguyễn Ngọc Lành (H. Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) chia sẻ: "Thời gian một tour du lịch thường không cố định, có thể một ngày, vài ba ngày, thậm chí là tour dài ngày. Để kịp giờ đón khách, HDV phải xuất phát từ 1 giờ sáng và trả khách lúc nửa đêm là chuyện hết sức bình thường. Từ việc kiểm tra bữa sáng, đón khách tham quan, nhận phòng cho khách nghỉ ngơi, ngót nghét sau 21 giờ và có khi hơn, lúc đó chúng tôi mới hết nhiệm vụ của mình".
Điều mà mọi du khách mong muốn ở một HDVDL là sự chăm sóc, nhiệt tình, hoạt náo cho vui vẻ suốt hành trình: hát, kể chuyện vui, tổ chức trò chơi trên xe… Tuy nhiên, trong mỗi chuyến tham quan, không phải du khách nào cũng vui vẻ và dễ tính mà có những vị khách rất khó tính, "chín người mười ý", HDV phải cố gắng dung hòa tất cả.
HDV Lê Viết Tuệ (Cty CP Du lịch Long Phú chi nhánh Phú Yên) cho hay: "Đến với nghề hướng dẫn là một cái duyên và trụ được với nghề phải bằng cả đam mê. Để làm tròn nhiệm vụ được giao, bản thân mỗi HDV phải thật sự tâm huyết với nghề, không ngừng học hỏi nâng cao kiến thức chuyên môn và rèn luyện nhiều kỹ năng để hỗ trợ trong công việc, nhất là những kỹ năng mềm".
Với HDV Đỗ Hoàng Việt việc đến với nghề là cả một quá trình. Việt tâm sự: "Khi mới vào nghề, dù đã chuẩn bị tinh thần rất kỹ nhưng khi bước lên xe, tôi đã mất đi sự linh hoạt và ý tưởng trong đầu như không cánh mà bay. Dần dần, khi đã quen việc tôi mới có thể tự tin làm tốt nhiệm vụ của mình trong những hành trình tour".
Đã tìm hiểu và trải nghiệm trực tiếp về nghề hướng dẫn nên tôi rất tâm đắc với ý kiến của ông Nguyễn Văn Đức (P. 1, TP Tuy Hòa), một du khách khi nhìn nhận về nghề HDVDL: "Du khách đòi hỏi ở một HDVDL rất nhiều yếu tố, thuyết minh hay, chăm sóc tốt… và nhất là phải có kiến thức, tinh thần và ý chí. HDV phải làm vừa lòng khách, luôn nở nụ cười tươi trên môi, giữ được sức khỏe và đặc biệt phải có kiến thức sâu rộng về vấn đề mình truyền đạt, hướng dẫn trước du khách, để không bị nhạt, lạc lối".
Áp lực và thử thách
Nhìn bề ngoài thì HDVDL có vẻ rất "sang chảnh", được đi đây đi đó, chiêm ngưỡng nhiều cảnh đẹp, tiếp xúc nhiều nền văn hóa vùng miền, được ở khách sạn "nhiều sao"… Nhưng khi có dịp trò chuyện với một số HDV, có thể bạn sẽ nhận ra đây là một nghề hết sức nguy hiểm và bất trắc. "Trách nhiệm của anh em HDV trong một tour du lịch là rất lớn. Ngay cả trong giấc ngủ, HDV cũng phải luôn trong tư thế sẵn sàng đối phó với những bất trắc có thể xảy ra, từ chuyện xe hư, đường xấu, thời tiết không ủng hộ chuyến đi… Tất cả phải được xử lý nhanh, quyết đoán và đôi khi cũng đầy mạo hiểm", HDV Nguyễn Ngọc Lành chia sẻ.
HDVDL không thể đoán trước được những sự cố ngoài ý muốn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. HDV Nguyễn Kế Chương kể lại hành trình của mình khi đón khách ở sân bay Cam Ranh: 20 giờ khách xuống sân bay, tôi và anh em nhà xe đã tranh thủ xuất phát từ Tuy Hòa trước 8 tiếng, thà sớm chứ không để muộn. Chúng tôi phải đi đường đèo vì lúc đó hầm Đèo Cả chưa đi vào hoạt động, đến giữa đèo thì bị kẹt xe trong nhiều giờ liền, vì sự cố tai nạn giao thông. Làm sao để kịp giờ ra sân bay đón khách? Một quyết định rất nhanh được đưa ra, gọi xe từ Nha Trang và tôi phải đi bộ gần cả chục cây số, thoát khỏi chỗ kẹt xe, bắt taxi cho kịp thời gian!
HDV Nguyễn Ích Phi Tú làm việc cho một công ty du lịch tại Nha Trang, tâm sự: "Tâm lý khách du lịch thường cho rằng, họ bỏ tiền mua tour tham quan thì họ có quyền, thậm chí có những quyền "ngoài tour", gây khó khăn, áp lực cho anh em hướng dẫn trong quá trình làm việc. Những gì mà anh em hướng dẫn đánh đổi với công việc là rất thầm lặng, mà nhiều du khách đến hết hành trình cũng không hiểu".
Một số HDVDL không tâm huyết, hành nghề thiếu trách nhiệm, bỏ khách giữa chừng, khiến du khách và cộng đồng phẫn nộ. Nhưng đó chỉ là những trường hợp cá biệt, ngay cả trong cộng đồng HDV cũng không thể chấp nhận. Phần nhiều HDVDL chân chính luôn dành hết công sức, tâm huyết, thời gian riêng tư, kể cả những ngày lễ, Tết cho công việc. Bởi họ cho rằng, không có con đường nào trải hoa hồng. Vượt qua những gian nan, thử thách, họ càng tích lũy được nhiều vốn nghề, rèn cho mình sự khéo léo, mạnh dạn và tự tin trong giao tiếp… để hoàn thành tốt công việc mà mình đang theo đuổi.
DƯƠNG TRÍ