Hướng đến chuyên nghiệp trong tổ chức bếp ăn bán trú tại các trường học

Thứ năm, 21/12/2023 14:33
Thay đổi công tác tổ chức nấu ăn bán trú, từ việc trường tự tổ chức sang ký hợp đồng với doanh nghiệp để họ tổ chức nấu ăn tại bếp ăn của trường đang được nhiều tỉnh, thành áp dụng. Tại Đà Nẵng, mô hình này đang được các trường học hướng đến nhằm giảm tải áp lực cho Ban giám hiệu (BGH) để tập trung làm công tác chuyên môn.
Chuẩn bị bữa ăn cho học sinh tại Trường Tiểu học Phan Phu Tiên (quận Liên Chiểu).
Chuẩn bị bữa ăn cho học sinh tại Trường Tiểu học Phan Phu Tiên (quận Liên Chiểu).

Năm học 2022-2023, Trường Tiểu học Phan Phu Tiên (quận Liên Chiểu) hợp đồng Công ty cổ phần LA RI Việt Nam để nấu ăn cho học sinh đăng ký bán trú tại trường. Công ty đã tiến hành cải tạo, bố trí lại bếp ăn. Theo ghi nhận, bếp ăn được xây dựng khang trang; hệ thống bếp được xây dựng đúng quy trình yêu cầu về các khâu chế biến thức ăn, bảo quản; đồ dùng bán trú sạch đẹp. Cấp dưỡng mang bảo hộ lao động nghiêm ngặt theo quy định của công ty trong suốt thời gian phục vụ học sinh. Đặc biệt, khu vực bếp ăn nghiêm cấm người không phận sự không được vào và được theo dõi qua camera từ phía công ty.

Cô Võ Thư Hiền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Phu Tiên nhìn nhận, qua hơn 1 năm học triển khai thực hiện, ưu điểm dễ nhận thấy nhất từ mô hình này là tính chuyên nghiệp trong tổ chức bữa ăn. “Công ty có chuyên gia dinh dưỡng lên thực đơn theo khẩu phần ăn của từng độ tuổi học sinh, thành thạo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Qua đó giúp BGH nhà trường bớt được phần nào áp lực, tập trung vào chuyên môn, nâng cao chất lượng dạy và học cho học sinh”- cô Hiền cho hay.

Cũng theo Hiệu trưởng Võ Thư Hiền, mặc dù đã ký kết hợp đồng với doanh nghiệp về việc thực hiện nấu ăn bán trú,song không vì thế mà nhà trường buông lỏng quản lý chất lượng an toàn thực phẩm. Nhà trường đã phân công nhiệm vụ cho cán bộ quản lý bán trú, nhân viên y tế giám sát thực hiện bếp ăn, từ nhập nguyên liệu đến kiểm định nguyên liệu (test dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, formol, ure, hàn the…); quá trình chế biến và chia khẩu phần…“Hình ảnh thực phẩm nhập về bếp vào mỗi buổi sáng, hình ảnh thức ăn đã thành phẩm sau khi hoàn thành từng khẩu phần ăn cho mỗi học sinh, hình ảnh học sinh ăn cơm, nền nếp, vệ sinh… đều được phía công ty công khai gửi vào nhóm của Ban chỉ đạo bán trú nhà trường và Hội phụ huynh học sinh để theo dõi và giám sát”- cô Hiền chia sẻ thêm. Được biết, năm học 2022-2023 số lượng học sinh bán trú là 460 em, năm học 2023-2024 tăng lên 670 em.

Theo anh Nguyễn Minh Trường - Hội trưởng Hội phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Phan Phu Tiên, việc phụ huynh được quyền tham gia kiểm tra, giám sát hằng ngày, thậm chí đột xuất các bếp ăn đã được phát huy mạnh mẽ thời gian gần đây. Công tác bán trú đi vào nền nếp, ổn định, dần dần được phụ huynh tin tưởng, hài lòng.

“Tôi cho rằng sự cạnh tranh ngày càng cao buộc các doanh nghiệp tự đổi mới, hướng đến chuyên nghiệp hơn; nhà trường, phụ huynh giám sát chặt để mang đến bữa ăn tốt nhất cho con em”- anh Trường bày tỏ.

Qua trao đổi với ông Nguyễn Thanh Lịch- Trưởng Phòng GD-ĐT quận Liên Chiểu, được biết, từ đầu năm học, Phòng GD-ĐT quận đã ban hành kế hoạch thực hiện công tác bán trú cấp tiểu học, tăng cường quản lý các hoạt động bán trú.Trong đó, yêu cầu các trường học phải bảo đảm các điều kiện tổ chức bán trú; hết sức lưu ý việc bếp ăn các trường học có nguy cơ nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến; việc kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn 24 giờ phải theo quy định của Bộ Y tế. “Đối với mô hình bếp ăn bán trú như cách Trường Tiểu học Phan Phu Tiên đang làm nên khuyến khích triển khai. Quan trọng là chọn lựa doanh nghiệp chuyên nghiệp; công tác quản lý, giám sát được BGH, hội đồng nhà trường, phụ huynh, ngành giáo dục, địa phương cùng phối hợp thực hiện chặt chẽ”- ông Lịch bày tỏ quan điểm.Qua tìm hiểu, được biết, UBND quận Liên Chiểu đã giao Phòng GD-ĐT quận phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đánh giá tính hiệu quả mô hình bán trú tại Trường TH Phan Phu Tiên đề xuất UBND quận nhân rộng mô hình này trong thời gian tới.

Mô hình này cũng đang được một số trường tiểu học trên địa bàn thành phố tham khảo. Cô Nguyễn Thị Bắc- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (quận Thanh Khê) đánh giá đây là mô hình hay, cơ sở vật chất bếp ăn hiện đại, đội ngũ nấu ăn chuyên nghiệp và bài bản, khẩu phần ăn phong phú… “Sau khi tham khảo, tôi rất muốn được áp dụng cách làm này cho nhà trường vì giải phóng được sức lao động của quản lý rất nhiều. Về lâu dài, bếp ăn bán trú phải thay đổi chứ làm theo cách cũ không chuyên nghiệp…”- cô Bắc bày tỏ suy nghĩ.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Nguyễn Minh Thành- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cũng cho biết, việc tổ chức bếp ăn bán trú theo mô hình nào là do quận, huyện và các trường lựa chọn, bảo đảm theo quy định sử dụng tài sản công. Theo đó, khi phối hợp với bên ngoài để tổ chức bữa ăn bán trú thì phải có đề án sử dụng tài sản công và phải được UBND quận, huyện phê duyệt. Còn Sở GD-ĐT chỉ hướng dẫn khi tổ chức bán trú đảm bảo ATVSTP và chất lượng bữa ăn cho học sinh.

Thảo Vân