Hướng đến Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: Các nhà khoa học đóng góp ý kiến cho Tiểu ban Kinh tế - Xã hội

Thứ ba, 14/05/2019 08:57

Chiều 13-5, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị “Các nhà khoa học đóng góp ý kiến cho Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị.

Hội nghị do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Tiểu ban, chủ trì với sự tham dự của các nhà khoa học, các nhà quản lý và hoạch định chính sách. Thủ tướng nhấn mạnh, đây là Hội nghị rất quan trọng để các nhà khoa học đóng góp ý kiến cho Tiểu ban Kinh tế- Xã hội Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đóng góp ý kiến xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn chỉ ra 5 điểm hạn chế về kinh tế. Dù tăng trưởng cao, nhưng từ năm 2011- 2020 mục tiêu tăng trưởng 7% vẫn chưa đạt được, trong giai đoạn tới cần giữ được mức cũ và tăng trưởng cao hơn. Nguồn gốc của tăng trưởng trong các năm 2011-2018 chủ yếu dựa vào vốn, tỷ lệ chi ngân sách cho khoa học công nghệ có xu hướng giảm (năng lực sáng tạo của Việt Nam xếp hạng ở cuối nhóm; mức độ sẵn sàng công nghệ, đổi mới sáng tạo thấp); chất lượng lao động còn thấp, mức tăng năng suất lao động thua khá xa so với các nước trong khu vực, cơ cấu lao động không hợp lý, thừa thầy thiếu thợ, đào tạo nhiều tiến sĩ, thạc sĩ...

Đặc biệt, việc cải thiện thể chế dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng còn thua các nước khu vực Đông Nam Á (cụ thể như chỉ số hiệu quả của Chính phủ; chỉ số kiểm soát tham nhũng...). Hơn nữa, việc thực hiện tăng trưởng xanh còn hạn chế, ô nhiễm môi trường còn tiếp diễn. Do vậy, thời gian tới Việt Nam cần tạo các đột phá chính: Đột phá về tính ưu tiên (để đảm bảo tăng trưởng nhanh, sáng tạo và bền vững cần ưu tiên phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo như trụ cột quan trọng nhất của tăng trưởng giai đoạn tới); đột phá về nhân lực (phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đòi hỏi phải có nhân lực chất lượng cao và có kỹ năng phù hợp); đột phá về động lực của tăng trưởng (tận dụng cơ hội của kỷ nguyên số và xu hướng chuyển đổi số)...

Đóng góp về lĩnh vực xã hội,  Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng Việt Nam vẫn coi nhẹ phát triển xã hội so với phát triển kinh tế. Về thể chế, hiện nay chưa có bộ máy quản lý tổng thể về vấn đề phát triển và quản lý xã hội theo đúng nghĩa, vai trò giám sát, tham gia của xã hội trong quá trình triển khai quản lý xã hội còn yếu kém... Do đó, muốn phát triển nhanh và bền vững cần đổi mới, hoàn thiện an sinh xã hội phù hợp với yêu cầu phát triển mới.

Còn theo ý kiến của Tiến sĩ Võ Đại Lược, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, sau hơn 30 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam vẫn là cơ chế “xin cho”, tham nhũng, lãng phí còn nhiều. Trong khi đó, các nền kinh tế trên thế giới dựa doanh nghiệp tư nhân là nền tảng. Việt Nam cần tạo bước phát triển đột phá, tăng trưởng mạnh hơn nữa, cần có chiến lược trọng dụng nhân tài. Đặc biệt là cần coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng bậc nhất của tăng trưởng, xóa bỏ các loại độc quyền trong tiếp cận các nguồn lực (trừ lĩnh vực an ninh quốc phòng) và tiếp cận cơ hội phát triển, đảm bảo công bằng, minh bạch cho tất cả các thành phần kinh tế.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến nhằm xác định lại các điều kiện, thời cơ để tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế dựa trên các xu hướng mới và trên nền tảng công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 với tư duy mới, sáng tạo, hiện đại và tiến bộ...

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Hội nghị đã có những góp ý rất khoa học và hiệu quả cho báo cáo của Tiểu ban Kinh tế- Xã hội. Tuy nhiên, Hội nghị nên đề cập, đánh giá nhiều điểm sáng của nền kinh tế, tìm ra các giải pháp tạo động lực phát triển nhanh, bền vững nền kinh tế, cụ thể cần chú trọng phát triển hơn lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ, du lịch, văn hóa, xã hội...

DIỆU THÚY – TTXVN