Hướng đến “đô thị thông minh”

Thứ bảy, 28/10/2017 12:05

Có nhiều cách tiếp cận để xây dựng “đô thị thông minh”, trong đó cách  Đà Nẵng lựa chọn sẽ qua 5 giai đoạn, bắt đầu từ mục tiêu xây dựng “Thành phố 4 an”. Để tiến tới đô thị thông minh, Đà Nẵng cần được đầu tư công nghiệp CNTT phát triển mạnh, bởi giữa chúng có mối quan hệ tương hỗ. Quan điểm trên được đưa ra tại Hội thảo cấp cao về xây dựng TP thông minh và xúc tiến đầu tư, phát triển CNTT hôm 27-10, do UBND TP Đà Nẵng tổ chức.

“Đô thị thông minh” là hình mẫu mà nhiều thành phố trên thế giới đang hướng đến
(Trong ảnh: Hình ảnh minh họa về một “đô thị thông minh”).

Định vị đô thị thông minh

Đô thị thông minh phải gắn liền với phát triển bền vững trên nền tảng công nghệ viễn thông. Với quan điểm tiếp cận như vậy, ông Tống Viết Trung - Phó TGĐ Viettel cho rằng, nếu các TP không thông minh hơn sẽ bị sức ép rất lớn trong việc đáp ứng nhu cầu chất lượng sống của cư dân. Ông Trung nói, nền tảng để xây dựng một TP thông minh thường bắt đầu với ứng dụng công nghệ từ mức cơ bản nhất, giải quyết vấn đề ảnh hưởng tới đa số người dân. Đơn cử tại Đà Nẵng, sau khi triển khai một số ứng dụng như tuyển sinh đầu cấp, y tế xã phường, bệnh viện thông minh thì Viettel sẽ phối hợp với TP triển khai mô hình Trung tâm giám sát điều hành tập trung. Theo đó, sẽ giám sát điều khiển giao thông, an ninh công cộng; hệ thống phân tích dữ liệu kinh tế - xã hội, hệ thống giao tiếp công dân... Tất nhiên để làm được như vậy, Đà Nẵng cần đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông mạnh, nguồn nhân lực có trình độ cao và thay đổi năng lực tiếp cận CNTT cho người dân.

Có nhiều mô hình đô thị thông minh, tuy nhiên dựa vào năng lực hiện hữu, Đà Nẵng chọn cách tiếp cận với nền tảng là Chính quyền điện tử. Ông Nguyễn Quang Thanh - Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết, lộ trình triển khai TP thông minh của Đà Nẵng được chia ra thành các giai đoạn gồm: TP 4 an, TP thân thiện môi trường, TP phát triển bền vững, TP bảo đảm an toàn an ninh thông tin. Ở giai đoạn đầu, hiện Đà Nẵng đã giám sát xe buýt, xe tuyến cố định; giám sát giao thông TP qua 97 camera và tiến hành phạt nguội; quản lý đèn tín hiệu giao thông 64 nút. Bên cạnh đó, TP cũng có hệ thống giám sát tự động cấp nước sạch, giám sát nước thải ao hồ, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, giám sát an ninh trật tự (đã lắp 8 ngàn camera, triển khai 4 ngàn camera an ninh, xây dựng cấu trúc lớp của toàn bộ camera). Tuy vậy, ông Thanh cho rằng, cái khó hiện nay trong xây dựng TP thông minh là bàn nhiều, trách nhiệm ít, và lắm tư vấn  khó chọn giải pháp phù hợp. Chưa kể nguồn lực hạn chế trong khi liên kết vùng chưa sâu.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho rằng, đô thị thông minh là xu hướng tất yếu, để Đà Nẵng chuyển từ TP truyền thống sang TP thông minh cần đặc biệt quan tâm đến hạ tầng băng thông rộng và hệ thống dữ liệu dùng chung. Ông Hưng cũng lưu ý, Đà Nẵng phải xây dựng được đội ngũ nhân lực CNTT chất lượng cao, suy cho cùng thì mọi thiết bị dù thông minh đến đâu cũng đều do con người điều khiển, sử dụng để phục vụ chính mình nhằm nâng cao chất lượng sống.

Để tiến tới thành phố thông minh cần nâng cao năng lực tiếp nhận CNTT của người dân.

Kỳ vọng dòng vốn mới

Giữa xây dựng đô thị thông minh và phát triển công nghiệp CNTT có mối quan hệ tương hỗ, vì thế việc đẩy mạnh thu hút đầu tư cho công nghiệp CNTT cũng thúc đẩy tiến trình xây dựng đô thị thông minh nhanh hơn. Ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nói,  17 năm trước Đà Nẵng đã thành lập Trung tâm công nghệ phần mềm, đến năm 2008 đưa vào khai thác khu công viên phần mềm, hiện đã cơ bản hoàn thành mặt bằng Khu CNTT tập trung số 1, chuẩn bị khởi công Công viên phần mềm số 2. Bên cạnh đó, TP cũng đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, trong cung cấp dịch vụ công cho người dân và quản lý, vận hành đô thị. Nhờ những nỗ lực đó, hiện ngành công nghiệp CNTT Đà Nẵng đạt doanh thu hơn 13 ngàn tỷ đồng/năm, xuất khẩu phần mềm đạt 58 triệu USD/năm, 9 năm liền dẫn đầu cả nước về chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT, năm 2012 đạt giải thưởng “Thách thức của các thành phố thông minh” của Tập đoàn IBM, năm 2015 đạt giải thưởng ASEAN ICT Awards... Ông Minh cho rằng những kết quả đó mới là bước đầu của việc xây dựng TP thông minh và phát triển công nghiệp CNTT, chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng. Theo ông Minh, để tạo nên những bước đột phá trong lĩnh vực này, Đà Nẵng rất cần những nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, không chỉ đầu tư vào hạ tầng, sản xuất công nghiệp CNTT mà còn đầu tư xây dựng các giải pháp đưa Đà Nẵng tiến tới đô thị thông minh.

7 năm trước, doanh thu ngành công nghiệp CNTT Đà Nẵng chỉ khoảng 2 ngàn tỷ đồng, nhưng đến nay hơn 13 ngàn tỷ đồng/năm, sự nhảy vọt đó phần nào cho thấy dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực CNTT tại Đà Nẵng tăng mạnh, đồng nghĩa với môi trường đầu tư tại Đà Nẵng hấp dẫn, nhiều tiềm năng. Ông Lê Cảnh Dương- Giám đốc Ban xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng cho biết, tiềm năng đầu tư vào lĩnh vực CNTT tại Đà Nẵng rất lớn nhờ có hạ tầng phát triển, chi phí đầu tư cạnh tranh. Ngoài khu CNC hơn 1,1 ngàn ha đã có sẵn mặt bằng hoàn thiện phục vụ nhà đầu tư, TP còn có Khu công nghiệp CNTT 341 ha, Khu đô thị FPT 181 ha, Khu Công viên phần mềm số 2 rộng 15 ha sắp khởi công. Nếu tính chi phí thuê đất, thuê văn phòng, trả lương lao động... thì ở Đà Nẵng vẫn thấp hơn so với 2 đầu đất nước. Chưa kể môi trường đầu tư ở Đà Nẵng thông thoáng, minh bạch, là đầu mối về giao thông, giáo dục, tài chính của cả khu vực miền Trung.

Với nhiều lợi thế, Đà Nẵng kỳ vọng sẽ tiếp tục thu hút được dòng vốn đầu tư mới vào lĩnh vực CNTT, một trong 3 hướng đột phá mà TP hướng tới. Từ đây, lộ trình xây dựng đô thị thông minh cũng được thúc đẩy nhanh hơn.

HẢI QUỲNH

Chiều 27-10, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo Hợp tác CNTT Đà Nẵng - Nhật Bản với sự tham dự của nhiều nhà đầu tư Nhật Bản. Hiện tại Đà Nẵng có 150 DN Nhật đầu tư về CNTT, trong đó 52 DN đầu tư lĩnh vực phần mềm, nội dung số, chiếm 47% tổng kim ngạch xuất khẩu phần mềm toàn TP. Tại hội thảo, các DN Nhật đã chia sẻ môi trường đầu tư tại Đà Nẵng cũng như phản ánh, kiến nghị nhiều vấn đề liên quan tới quá trình đầu tư, sản xuất.