“Hướng đi mới” cho biến đổi khí hậu
(Cadn.com.vn) - “Biến đổi khí hậu là vấn đề xác định tuổi thọ của chúng ta, xác định tương lai của chúng ta” vì thế cần tìm “hướng đi mới” để giải quyết vấn nạn này.
Việt Nam ưu tiên đối phó biến đổi khí hậu Tại Hội nghị biến đổi khí hậu năm nay, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có bài phát biểu được đánh giá cao, trong đó nhấn mạnh nỗ lực đối phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam. Phó Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu và hiện tượng nước biển dâng, nên luôn ưu tiên đẩy mạnh các hoạt động đối phó và thích ứng với biến đổi khí hậu. Việt Nam đề ra các định hướng giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt đặt mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính từ 8-10% so với năm 2010, giảm lượng tiêu hao năng lượng tính trên GDP từ 1-1,5%/năm. Phó Thủ tướng cũng thông báo những nỗ lực đóng góp cụ thể của Việt Nam về giảm khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như cam kết hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế nhằm phần thúc đẩy xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng kêu gọi các nước cam kết mạnh mẽ và nỗ lực nhiều hơn trong đàm phán nhằm đạt được khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới có tính ràng buộc về biến đổi khí hậu trong năm 2015. TTXVN |
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon tuyên bố như vậy tại phiên họp Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu hôm 24-9, nhấn mạnh tầm quan trọng và tính cấp bách của “cuộc chiến không tiếng súng này”.
Theo Reuters, các nhà lãnh đạo tham gia hội nghị lần này tuyên bố sẵn sàng ký Công ước khung vào năm 2015, nhằm hiện thực hóa những tham vọng chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, hội nghị vẫn chưa chứng kiến bước đột phá nào.
Mỹ-Trung cam kết “dẫn đầu”
Trong thử nghiệm quốc tế đầu tiên cho chiến lược biến đổi khí hậu đầy tham vọng của mình, Tổng thống Barack Obama ngày 24-9 kêu gọi các nhà lãnh đạo “hãy theo sau Mỹ”, ngay cả khi Hội nghị Thượng đỉnh tiết lộ nhiều trở ngại trên con đường tiến đến thỏa thuận rộng lớn hơn để giảm ô nhiễm khí thải giữ nhiệt.
“Mỹ đã thực hiện tham vọng đầu tư vào năng lượng sạch và giảm lượng khí thải than”, ông Obama nói đồng thời thúc giục: “Tôi kêu gọi tất cả các nước tham gia với chúng tôi, không phải trong năm tới hoặc năm sau đó, mà ngay bây giờ. Bởi vì không một quốc gia nào có thể một mình chống chọi mối đe dọa toàn cầu này”. Theo ông chủ Nhà Trắng, một thỏa thuận toàn cầu mới về biến đổi khí hậu cần phải bao gồm những cam kết mạnh mẽ từ các nền kinh tế mới nổi cũng như vượt qua bất đồng giữa những nước giàu và nghèo vốn đang cản trở quá trình đàm phán tại LHQ.
Trước khi có bài phát biểu được chờ đợi này, ông Obama đã gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ và cùng nhất trí, hai quốc gia đứng đầu về lượng khí thải này sẽ gánh trách nhiệm đi đầu. Sau bình luận của ông Obama, Phó Thủ tướng Trung Quốc cũng cam kết sẽ làm việc để kiềm chế lượng khí thải đang gia tăng.
Biểu tình chống biến đổi khí hậu diễn ra khắp nơi trên thế giới. Ảnh: Reuters |
Chưa có bước đột phá
Lần đầu tiên, hội nghị về biến đổi khí hậu đón số lượng lớn chưa từng có các nhà lãnh đạo thế giới đến tham dự, với mục tiêu: đặt nền móng cho một Hiệp ước biến đổi khí hậu toàn cầu mới, thay thế Hiệp ước Copenhagen năm 2009. Tuy nhiên, chưa có bất kỳ thỏa thuận ràng buộc nào được ký kết tại phiên họp.
Hơn 150 quốc gia nhất trí thiết lập thời hạn chót để chấm dứt tình trạng phá rừng vào năm 2030, nhưng mục tiêu này đang bị bỏ ngỏ khi Brazil, quê hương của rừng Amazon, tuyên bố sẽ không tham gia. Mỹ, Canada và toàn bộ EU ký tuyên bố giảm một nửa tình trạng phá rừng vào năm 2020 và loại bỏ tình trạng phá rừng hoàn toàn vào năm 2030. Một nhóm các Cty, các quốc gia và tổ chức phi lợi nhuận cũng cam kết sẽ phục hồi hơn 1.609 triệu km2 rừng trên toàn thế giới vào năm 2030. Các nhà lãnh đạo thế giới cam kết dành ít nhất 5 tỷ USD cho thế giới bền vững hơn.
Trong vấn đề về khí thải gây hiệu ứng nhà kính, Mỹ quyết định không tham gia cùng 73 quốc gia hỗ trợ giá than, khẳng định sẽ không công bố mục tiêu khí thải mới cho đến đầu năm 2015. Liên minh Châu Âu (EU) tuyên bố, vào tháng tới sẽ thông qua kế hoạch cắt giảm khí thải nhà kính trở lại 40%, dưới mức năm 1990, cho đến năm 2030. EU cũng kêu gọi sử dụng năng lượng tái tạo cho 27% nhu cầu năng lượng và tăng hiệu quả năng lượng 30%.
Trung Quốc, quốc gia bị ô nhiễm khí carbon nhất thế giới, ký thỏa thuận hỗ trợ giá than cam kết sẽ giảm lượng khí thải xuống còn 45% so với năm 2005 vào năm 2020. Nhưng kinh tế ở Trung Quốc tăng trưởng gấp 3 lần từ năm 2005, điều đó có nghĩa là ô nhiễm than Trung Quốc có thể tiếp tục gia tăng.
Khả Anh