“Hướng đi mới” trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung

Thứ tư, 09/10/2019 16:00

Bộ Thương mại Mỹ vừa tuyên bố đưa nhiều Cty lớn của Trung Quốc, trong đó có Cty sản xuất thiết bị giám sát hình ảnh Hikvision, vào “danh sách đen” về thương mại. Động thái này diễn ra ngay trước vòng đàm phán cấp cao Mỹ-Trung, cho thấy lập trường cứng rắn hơn của Washington.

Khi bị liệt vào danh sách đen này, các doanh nghiệp hoặc tổ chức khác sẽ không được phép mua các phụ tùng và linh kiện từ các Cty Mỹ nếu không có sự cho phép của chính phủ nước này. Điều này tuân theo cùng một kế hoạch chi tiết được Washington sử dụng trong nỗ lực hạn chế ảnh hưởng của Cty Công nghệ Huawei của Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia. Vào tháng 5, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa Huawei cùng hơn 100 Cty con của Huawei vào danh sách nói trên. Hikvision, với giá trị thị trường khoảng 42 tỷ USD, tự cho mình là nhà sản xuất thiết bị giám sát lớn nhất thế giới. SenseTime, trị giá khoảng 4,5 tỷ USD trong buổi gây quỹ tháng 5-2018, là một trong những Cty Trí tuệ nhân tạo (AI) có giá trị nhất thế giới trong khi Megvii, được hỗ trợ bởi gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba, có giá trị khoảng 4 tỷ USD và đang chuẩn bị thu hút ít nhất 500 triệu USD tại Hồng Kông. Ngay sau quyết định của Washington, cổ phiếu Hikvision bị đình chỉ giao dịch trong ngày 8-10. Cổ phiếu của 1 trong 8 Cty bị nhắm tới cũng giảm đến 3,1% ở Thâm Quyến.

Hikvision là một trong số các Cty Trung Quốc bị Mỹ liệt vào “danh sách đen”. Ảnh: AP

Các Cty phản đối gay gắt

Hikvision kịch liệt phản đối việc bị Mỹ liệt vào danh sách đen, cho rằng, quyết định đó của Washington không có cơ sở thực tế.

“Trừng phạt Hikvision sẽ ngăn cản các Cty toàn cầu liên hệ với chính phủ Mỹ, làm tổn thương các đối tác kinh doanh tại Mỹ của Hikvision và tác động tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ”, tuyên bố của Hikvision cho biết. John Honovich, người sáng lập Cty nghiên cứu giám sát video IPVM, cho biết Hikvision và cả Cty Dahua đều sử dụng linh kiện từ các nhà cung cấp Intel Corp, Nvidia Corp, Ambarella Inc, Western Digital và Seagate Technology, do đó tác động đối với các Cty Trung Quốc sẽ rất ghê gớm. Trước đó, việc Huawei bị liệt vào danh sách đen đã làm tổn thương nhiều nhà cung cấp tại Mỹ, vốn phụ thuộc vào Cty viễn thông lớn nhất thế giới về doanh thu, và khiến Huawei gặp khó khăn trong việc bán sản phẩm mới.

Trong một tuyên bố SenseTime cho biết, họ thất vọng sâu sắc trước động thái của Mỹ, cho rằng, họ đã tuân thủ tất cả các luật liên quan đến quyền tài phán mà nó hoạt động và đã tích cực phát triển một bộ quy tắc đạo đức AI để đảm bảo các công nghệ của mình được sử dụng có trách nhiệm.

“Hướng đi mới” của cuộc chiến

Theo Bloomberg, động thái này của Mỹ - công bố sau khi thị trường tài chính Mỹ đã đóng cửa phiên giao dịch ngày 7-10 - đưa cuộc chiến thương mại của nước này với Trung Quốc đi theo “hướng đi mới”.

Đây là lần đầu tiên chính quyền Tổng thống Trump lấy lý do nhân quyền để hành động, động thái chắc chắn Bắc Kinh sẽ mạnh mẽ bác bỏ. Những lần trước, khi đưa cơ quan hay doanh nghiệp của Trung Quốc vào “Danh sách Thực thể”, như trường hợp Huawei, Mỹ thường nêu lý do an ninh quốc gia. Trong khi đó, cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc xuất phát từ những vấn đề như đánh cắp sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc cũng như chính sách công nghiệp của Trung Quốc.

Động thái này của Mỹ diễn ra vào thời điểm có phần khá nhạy cảm, diễn ra chỉ vài ngày trước khi Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dự kiến đến Washington để đàm phán cấp cao. Bộ Thương mại Trung Quốc chưa trả bình luận gì về động thái này của Washington nhưng gần như chắc chắn quyết định này sẽ vấp phải phản ứng gay gắt từ Bắc Kinh.

AN BÌNH