Hướng đi nào cho bài chòi?

Thứ ba, 12/06/2018 11:26

Bài chòi là một trong những di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng và tiêu biểu ở các làng quê thuộc dải đất miền Trung từ Quảng Bình trở vào nhưng thịnh hành là vùng Nam Trung Bộ, nhất là ở Quảng Nam, Bình Định và Phú Yên.Vừa qua, các tỉnh miền Trung đã đón nhận danh hiệu Nghệ thuật Bài chòi là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại do UNESCO công nhận. Thế nhưng lâu nay bài chòi được biết đến là loại hình văn nghệ dân gian. Với sứ mệnh mới cần phải làm gì để có thể phát huy một cách xứng đáng giá trị đã được công nhận đang là câu hỏi khó.

Nghệ nhân Nguyễn Lương Đán đang biểu diễn bài chòi.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan, Tổng đạo diễn Hồ sơ đề nghị công nhận bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể cho biết UNESCO công nhận bài chòi là một Di sản văn hóa phi vật thể ở cả 2 góc độ: là một trò chơi gian: "Chơi bài chòi" và nghệ thuật "Trình diễn bài chòi". "Theo đó, xét về mặt trò chơi, nghệ thuật hô tên con bài là nghệ thuật kéo dài sự hồi hộp của người chơi bài. Nghệ thuật trình diễn bài chòi chủ yếu ở anh Hiệu. Các điệu nhạc có giai điệu, tiết tấu, trật tự âm thanh riêng, và không thể tìm thấy cái âm hưởng riêng ấy trong bất cứ hình thức nghệ thuật nào ở Việt Nam. Như vậy, để có thể phát huy giá trị cốt lõi của bài chòi thì cần có không gian để người chơi có thể tham gia vào trò chơi chứ không đơn thuần là duy trì một cách hình thức. Còn nghệ nhân bài chòi Nguyễn Lương Đán (là nghệ nhân duy nhất trong thể loại hát và sáng tác các bài hát cho trò chơi dân gian này tại Quảng Nam) chia sẻ cái cốt lõi của người dẫn dắt bài chòi là phải biết ứng tác, tương tác với người chơi. Điều này không chỉ phụ thuộc vào năng khiếu mà còn biểu hiện cho sự tìm tòi của người hô. Phải biết vận dụng sao cho nó vần điệu, dễ hiểu và ít nhất đưa người chơi cảm thấy thích thú, mới là quan trọng.  Để có thể phát triển bài chòi lên thành một văn hóa xứng đáng với giá trị văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại thì cần thay đổi nhận thức của cả cộng đồng. Phải để du khách và cả những thế hệ trẻ thấy được cái hay cái đẹp của bài chòi để từ đó mà có hướng giữ gìn, lan tỏa.

Bài chòi đã trở thành một sản phẩm du lịch tại phố cổ Hội An.

Đối với TP Hội An, nơi bài chòi trở thành một sản phẩm du lịch thì chính quyền địa phương đang nỗ lực hơn nữa trong việc đưa bài chòi thành một thương hiệu. Ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP Hội An chia sẻ, từ gần 20 năm nay, Hội An đã có những nỗ lực lớn để đánh thức loại hình nghệ thuật dân gian này, không chỉ để phục vụ mục đích du lịch. "Hội An hiện có hơn 10 đội, nhóm hô hát bài chòi từ thành phố đến cơ sở, thường xuyên tham gia hơn 30 chương trình hằng năm, tạo nên tính khác biệt của lễ hội ở Hội An. Khi sản phẩm du lịch Đêm phố cổ ra đời vào những năm 1996 - 1997, bài chòi được đưa ra như một trò chơi dân gian. Chính không gian của phố cổ đã tôn thêm nét đẹp cho bài chòi, tạo cảm giác gần gũi cho người chơi. Kể từ đây bài chòi đã được biết đến nhiều hơn và bên cạnh biểu diễn đã mở ra các lớp dạy hát dân ca bài chòi hằng đêm để đưa nghệ thuật này đi sâu hơn vào đời sống. Trong thời gian đến, TP Hội An sẽ tăng cường nhiều hoạt động có sự tham gia của bài chòi nhiều hơn nữa". Phát biểu tại lễ đón Bằng Di sản văn hóa phi vật thể cho nghệ thuật bài chòi Trung Bộ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Thanh cho rằng,  sự kiện UNESCO công nhận Nghệ thuật bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là kết quả của những đóng góp to lớn giữa cộng đồng nhân dân ở các địa phương trong việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản. "Với những cơ hội và thách thức, trong thời gian đến, tỉnh Quảng Nam và các địa phương cam kết sẽ nỗ lực hơn nữa trong việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể với bảo tồn di sản văn hóa vật thể, gắn với đa dạng văn hóa, huy động sự tham gia của xã hội vào công cuộc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Công tác quản lý, bảo vệ tiếp tục phát huy hiệu quả về vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ di sản, gắn việc xây dựng môi trường văn hóa trong cộng đồng nhân dân với công tác bảo vệ di sản, nhằm hướng đến phát triển kinh tế, xã hội, du lịch bền vững", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh nói.

ĐỒNG DAO