Hương lúa trổ đòng

Thứ ba, 12/03/2024 12:15
Nhà tôi ở đó là cánh đồng làng ven chân núi. Bao năm đi xa, mỗi lần trở về, ấp iu với tôi vẫn là những thửa ruộng nhỏ hẹp, khoảng trời xanh, những bông hoa cỏ ven đường nhiều khi ngác ngơ nhìn tôi như người xa lạ, duy chỉ những ruộng lúa, nhất là khi vào mùa trổ đòng hương bay vang ngân bao nhiêu ký ức quê nhà, thân thuộc.
Mùa lúa trổ đồng.
Mùa lúa trổ đồng.

Con đường bờ cao có cây mù u đầy những câu chuyện về ma mẹ vẫn đi về giờ chỉ là ảo ảnh. Bởi hình bóng mẹ với tôi giờ cũng chỉ còn thấp thoáng trong những giấc mơ.

Tôi nhớ mẹ hai năm trước ra đi cũng vào độ lúa trổ đòng giữa những ngày tháng ba. Tuổi đà tri thiên mệnh tôi mới chợt nhận ra, con đường dài mấy cũng đi hết; cánh đồng, biển trời có bao la rồi cũng tận chỉ có nỗi nhớ về mẹ, cha là mênh mông, làm sao nói hết.

Thương mẹ một thiếu nữ đất hà thành sau ngày đất nước thống nhất, theo ba về làm dâu chưa quen việc nông tang đã hôm sớm, nắng mưa, khó nhọc trên cánh đồng quê nghèo để các con học hành, lớn khôn ra đi cùng chúng bạn. Nhớ mẹ, nhớ đồng lúa mùa hạn hán nứt nẻ trông ngóng ông trời từng hạt mưa những ngày còn hợp tác xã. Thương cây lúa tong teo vì thiếu nước, thương dáng mẹ hiền, mái tranh nghèo che mưa nắng đời con. Những bông cỏ may, những bông cỏ màn chầu, cỏ chát... cứ thế chen lấn lúa cằn tranh giành với nhau cả về sự sống. Mấy chị em tôi cùng ba mẹ vào cả những đêm tối trời phải ra đồng tát nước từ những ao, đìa nhỏ để cứu lúa. Chưa hết cây lúa quê tôi còn phải đi qua những mùa bão giông tan tác cánh đồng. Những gé lúa lại trôi trôi bên dòng nước mắt.

Nhẩm đọc những câu thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Hạt gạo làng ta.../có lời mẹ hát/ ngọt bùi đắng cay”... tôi tin chắc, những đứa trẻ bây giờ trong đó có các con tôi chẳng thể hiểu được vị ngọt bùi đắng cay trong từng hạt gạo. Tôi kể với các con, ngày thơ nơi quê nhà ba đã lang thang khắp cánh đồng làng để mò cua bắt cá, câu ếch, câu lươn... cuốc góc, be bờ, nhổ mạ đi cấy sáng trăng... đó chính là ký ức tuổi thơ một đi không trở lại.

Gắn bó với cây lúa và cánh đồng làng như thế đã cho tôi thấu hiểu, dù đi xa mấy vẫn không quên lúc mạ non lúa dâng đời, dâng người một thứ mùi nguyên sơ, thanh tao; lúc thì con gái lại có hương vị mặn mòi, thanh tân; khi trổ đòng hương thơm tho ngạt ngào đến bùn đất cũng như hòa trộn để kết thành một thứ hương đồng quê rất lạ mà chỉ mùa lúa trổ đòng mới có..., rồi mùi cơm gạo mới, mùi thóc lừng, thóc lép mẹ gê ra dồn lại thành ụ đốt lên trong những đêm trăng mùa giặt chẳng thể gọi tên mà thân thương biết mấy. Từ cuộc sống gắn bó với đồng ruộng làng quê đã giúp tôi hiểu hơn những câu ca dao, tục ngữ mình đã học từ sách vở như: Trăng mờ lúa nỏ (khô), trăng tỏ lúa sâu; Khoai ruộng lạ, mạ ruộng quen; Nắng tốt dưa mưa tốt lúa; Trời nồm tốt mạ, trời giá tốt rau; Lúa chiêm lấp ló đầu bờ, hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên...

Những năm đại học, nhớ lần về quê trong những ngày đau buồn nhất khi yêu thương tan vỡ, thằng nhà quê tôi còn biết làm gì. Tôi lặng lẽ đi ra cánh đồng để rồi chính mình lạc vào hương lúa trổ đòng nồng say như an ủi “tôi ơi đừng tuyệt vọng”. Tôi dang tay ôm hết thảy thân thuộc vào lòng. Tôi khe khẽ đưa tay ngắt một bông lúa non đang thì ngậm sữa đưa vào miệng cắn nhẹ. Vị quê nhà đồng bãi như tan chảy trong tôi để tôi còn biết mình gánh nặng nợ với mẹ cha, với mảnh đất đã nuôi mình lớn.

Xa quê, mỗi lần đi đây đó bắt gặp cánh đồng ngoại ô thành phố vào mùa gieo sạ, rồi ngày lúa trổ đòng tôi lại như bắt gặp mùi hương ký ức thơm tho trong bùn đất nhớp nháp mà nặng nghĩa, nặng tình...

V.Đ.D.M