Kỷ niệm 54 năm Ngày Truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (20-7-1962 – 20-7-2016):

Hướng phạm nhân về nẻo thiện

Thứ tư, 20/07/2016 10:48

(Cadn.com.vn) - Có người đã nói rằng, giáo dục một con người đã khó nhưng để giáo dục lại một con người lại càng khó hơn. Thực hiện công tác giáo dục phạm nhân, trong những năm qua, Trại giam Gia Trung (Bộ Công an) đã triển khai nhiều mặt công tác giúp phạm nhân cải tạo tốt để sớm trở về hòa nhập với cộng đồng, xã hội.

Đóng trên mảnh đất được gọi là “cổng trời” Mang Yang, Trại giam Gia Trung trải dài trên địa bàn giáp ranh 4 xã Ayun, Hra, Đak TaLey và Đak JơTa thuộc  H. Mang Yang tỉnh Gia Lai, quản lý, giam giữ, giáo dục và cải tạo hơn 2.650 phạm nhân. Trong số các phạm nhân đang chấp hành án tại đây, có nhiều phạm nhân phạm các tội nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, phạm nhân có nhiều tiền án, tiền sự... và nhiều phạm nhân trong số đó có trình độ dân trí thấp, không biết đọc, không biết viết và không có việc làm ổn định.

Phạm nhân Nguyễn Duy Quang (HKTT tại TP Pleiku, Gia Lai) ngày mới chấp hành án 20 năm tù chỉ là cậu thanh niên mới lớn. Ngày vào trại, tâm lý Quang bị xáo trộn, hoang mang và bộc lộ tư tưởng cực đoan, song được sự giúp đỡ của cán bộ quản giáo, Quang đã cố gắng cải tạo tốt, luôn giúp đỡ những phạm nhân khác để cùng tiến bộ. Cùng với những phạm nhân khác, ngoài việc học được các nghề như: đan, xây dựng... Quang còn tham gia tích cực vào đội văn nghệ của phân trại các ngày nghỉ. Hiện Quang là cây guitar bass với các ngón đàn khá nổi ở phân trại II. Quang tâm sự: “Khi vào đây em tưởng như đời mình coi như đã hết với bản án đến nửa đời người, may mắn em được các cán bộ trại giam động viên, giúp đỡ từ những ngày đầu. Giờ đây, tâm lý em cũng đã ổn định, yên tâm cải tạo tốt để về lại với đời”.

Phạm nhân Đinh Thị Hòa được cán bộ giáo dục Trại giam Gia Trung hướng dẫn từng con chữ, nét bút.

Quang cũng như hầu hết những phạm nhân khác đều có tư tưởng cực đoạn khi mới vào đây. Thế nhưng, với sự giúp đỡ, động viên của các quản giáo, họ dần bình tâm, nhận thức được những lỗi lầm để cải tạo tốt hơn. Ngoài học nghề, học chữ, những phạm nhân được tạo điều kiện giải trí sau những ngày nghỉ, được chăm lo từ bữa ăn hay mỗi khi ốm đau. Sau khi bị kết án 20 năm tù về tội vận chuyển trái phép chất ma túy, phạm nhân Đinh Thị Hòa (55 tuổi, quê quán Thái Nguyên) đến một chữ bẻ đôi cũng không biết. Sau hơn 3 năm thụ án, Hòa được tham gia học xóa mù và hiện đang tiếp tục chương trình học Tiểu học. Con chữ đã làm cho nhận thức của người đàn bà 55 tuổi này thay đổi nhiều, và ước mơ viết bức thư gửi về thăm con, cháu ở quê đã thành hiện thực.

Theo thiếu tá Phạm Sỹ Phong, Đội trưởng Đội giáo dục- hồ sơ Trại giam Gia Trung, nhiều năm qua, Trại giam Gia Trung đã phối hợp với Phòng giáo dục và đào tạo H. Mang Yang và Trường tiểu học xã Đăk Taley tổ chức thường xuyên các lớp xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học tại các phân trại. Từ năm 2012 đến nay, trại đã tổ chức 26 lớp cho 266 phạm nhân học chương trình phổ cập tiểu học và 27 lớp cho 366 phạm nhân học chương trình xóa mù chữ. Trại phối hợp với các đơn vị giáo dục tổ chức thi và cấp chứng chỉ phổ cập giáo dục tiểu học cho 95 phạm nhân và chứng chỉ xóa mù cho hơn 150 phạm nhân.

Đến Trại giam Gia Trung, ai nấy đều ấn tượng bởi nhiều cơ sở, trung tâm dạy nghề. Trong đó, trung tâm dạy nghề tại phân trại số 2 được đầu tư, xây dựng với hơn 1.000m2 nhà xưởng đào tạo các nghề may, đan ghế giả mây, thêu cho hơn 300 phạm nhân, truyền nghề xây dựng, mộc, điện dân dụng đối với số phạm nhân vị thành niên, phạm nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phạm nhân không có nơi cư trú nhất định. Trại còn kết hợp với Trường trung cấp dạy nghề Gia Lai mở các lớp dạy các ngành nghề như điện dân dụng, điện lạnh, gò, hàn, xây dựng... số phạm nhân học xong chương trình đào tạo nghề được cấp chứng chỉ nghề để họ có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp với nghề được học sau khi mãn án tù.

Việc học nghề, học chữ và được hưởng các chế độ, chính sách như ăn, ở, mặc, khám chữa bệnh, lao động... đa số phạm nhân chuyển biến về tư tưởng, nhận thức,  biết sửa chữa lỗi lầm, hướng về nẻo thiện. Điều đó thể hiện rõ tỷ lệ phạm nhân ở Trại giam Gia Trung xếp loại kém giảm dần qua các năm: năm 2012, tỷ lệ phạm nhân xếp loại kém chiếm 11,4% thì đến nay, tỷ lệ phạm nhân xếp loại kém chỉ còn 2,85%; tỷ lệ phạm nhân xếp loại tốt, khá từ đó tăng lên, năm 2012 có 75,8% thì đến nay số phạm nhân này chiếm tỷ lệ 86,4%.

M.T