Ngày Quốc tế phòng bệnh AIDS (1-12):

Hướng tới không có người nhiễm HIV mới

Thứ hai, 02/12/2013 11:41

(Cadn.com.vn) - Thực hiện Chương trình phối hợp đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” giai đoạn 2012-2020 và Hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng bệnh AIDS (1-12), sáng 30-11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng phối hợp với Sở Y tế thành phố tổ chức mít-tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2013.

Lây nhiễm HIV qua đường tình dục có xu hướng gia tăng

Tại Đà Nẵng, tính đến cuối tháng 9-2013, toàn thành phố đã phát hiện 1.653 trường hợp nhiễm HIV, trong đó 711 trường hợp chuyển qua AIDS và 409 ca tử vong do AIDS. Số ca nhiễm HIV mới được báo cáo hằng năm có xu hướng duy trì tương đối ổn định trong vòng 5 năm gần đây, với khoảng 130 ca nhiễm mới mỗi năm, trong đó 70 trường hợp là người Đà Nẵng.

Địa bàn báo cáo có người nhiễm HIV/AIDS bao phủ 100% quận huyện và 56 xã, phường. Đối tượng lây nhiễm HIV tại thành phố đang có xu hướng trẻ hóa, với 70% tổng số người nhiễm của thành phố nằm trong độ tuổi 20-39; được phát hiện nhiễm HIV khá muộn và có sự chuyển đổi về mô hình lây nhiễm HIV. Trong đó, lây nhiễm HIV qua tiêm chích ma túy có chiều hướng giảm rõ rệt và lây nhiễm qua tình dục không an toàn đang dần chiếm ưu thế.

Trong 3 năm gần đây, số phụ nữ phát hiện nhiễm HIV có xu hướng tăng, chiếm trên 40% trong các ca nhiễm HIV mới và mỗi năm có từ 7-10 trường hợp phụ nữ mang thai phát hiện nhiễm HIV. Qua đó cho thấy, dịch HIV/AIDS tại Đà Nẵng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu khống chế là giảm số ca nhiễm mới, dịch vẫn có xu hướng tiếp tục lan rộng vào cộng đồng dân cư thông qua con đường tình dục không an toàn và tiếp tục gây tác động tiêu cực đối với xã hội thông qua ảnh hưởng trực tiếp đến thế hệ lao động trẻ. Tình hình trên đòi hỏi các cấp, các ngành cần có sự ứng phó toàn diện và kịp thời.

Đông đảo người dân tham gia mít-tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2013 tại Đà Nẵng.

Hướng tới không có người nhiễm HIV mới

Chương trình phối hợp của Liên hiệp quốc về HIV/AIDS đã chính thức chọn chủ đề chung cho các Chiến dịch phòng, chống AIDS toàn cầu trong gia đoạn 2011-2015 là “Getting to zero” nghĩa là “Hướng tới mục tiêu ba không: không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS”. Đây là những mục tiêu thách thức nhưng rất có ý nghĩa và đầy tính nhân văn.

Liên hiệp quốc cũng đã khuyến cáo, từ chủ đề chung của Chiến dịch phòng, chống HIV/AIDS toàn cầu giai đoạn 2011-2015, hằng năm các quốc gia, tùy theo tình hình dịch HIV/AIDS và thực tế công tác phòng, chống HIV/AIDS có thể lựa chọn các ưu tiên khác nhau để  hướng tới mục tiêu “3 không” và Việt Nam đã chính thức chọn chủ đề cho Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2013 là: “Hướng tới không có người nhiễm HIV mới”.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2015: Giảm 50% các ca nhiễm mới do lây nhiễm HIV do quan hệ tình dục không an toàn, bao gồm nhóm thanh niên, người quan hệ tình dục đồng giới nam, người bán dâm. Loại trừ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con và giảm 50% số ca tử vong ở bà mẹ nhiễm HIV/AIDS. Giảm 50% các ca lây truyền HIV trong nhóm những người tiêm chích ma túy, tất cả người nghiện ma túy nhiễm mới HIV đều được dự phòng đúng.

Kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã xác định rõ mục tiêu của chương trình phòng, chống HIV/AIDS là “Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,15% vào năm 2020, giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội”.

Do vậy thực hiện được mục tiêu “Hướng tới không còn người nhiễm HIV mới” sẽ góp phần thiết thực vào thành công của Kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 của thành phố cũng như mục tiêu xây dựng thành phố 3 không về HIV/AIDS.

Theo bác sĩ Nguyễn Út – Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố, Phó Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống ma túy, mại dâm TP Đà Nẵng thì để mục tiêu “Hướng tới không còn người nhiễm HIV mới” được cụ thể hóa thành những hành động thiết thực thì các tầng lớp nhân dân, các gia đình và các tổ chức xã hội cần tiếp tục được trang bị đầy đủ các kiến thức dự phòng để tránh lây nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ cho người nhiễm HIV/AIDS; chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

Tăng cường giới thiệu, quảng bá rộng rãi về lợi ích của việc tiếp cận sớm  các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và giới thiệu chi tiết các cơ sở cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS sẵn có tại thành phố, bao gồm các dịch vụ chuyển tiếp, chuyển tuyến để mọi người dân, đặc biệt là những người dễ tổn thương, người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS dễ dàng tiếp cận và sử dụng.

Tiếp tục mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, dịch vụ xã hội, chăm sóc sức khỏe, tư vấn, hệ thống chuyển tiếp, chuyển tuyến, đặc biệt là dịch vụ cung cấp các phương tiện dự phòng lây nhiễm HIV như bao cao su, bơm kim tiêm sạch cho mọi người dân có nhu cầu.  Người nhiễm HIV và gia đình cần tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Tự cởi bỏ sự tự kỳ thị với bản thân cùng toàn xã hội phòng, chống kỳ thị và phân biệt đối xử...

T.Dũng