Hướng tới mục tiêu “90-90-90” để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam
(Cadn.com.vn) - Sáng 1-12, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng phối hợp với UBND Q. Hải Châu tổ chức lễ mít-tinh và diễu hành cấp thành phố hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS (1-12).
Sự kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS còn khá nặng nề
Năm 2015 là năm thứ 8 dịch HIV/AIDS ở Việt Nam giảm cả 3 tiêu chí về số người nhiễm mới HIV, số người chuyển sang giai đoạn AIDS và số người tử vong do AIDS. Việt Nam tiếp tục được đánh giá là một trong những điểm sáng trong công tác phòng, chống (CTPC) HIV/AIDS trên thế giới và giữ được vị trí là nước có tỷ lệ nhiễm HIV thấp trong khu vực.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục phòng, chống HIV/AIDS – Bộ Y tế, dịch HIV mới chỉ giảm xu hướng gia tăng hằng năm và giảm chưa đồng đều trên phạm vi cả nước, lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục đang có xu hướng tăng nhanh. Bên cạnh đó, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS ở nhiều địa phương vẫn còn khá nặng nề; mạng lưới cung cấp dịch vụ ở một số địa bàn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế... Đây chích là những nguy cơ tiềm tàng có thể gây bùng phát dịch trở lại nếu chúng ta lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.
Tại Đà Nẵng, lây nhiễm HIV có xu hướng ổn định trong những năm gần đây, với khoảng 120 ca nhiễm HIV mới được phát hiện mỗi năm, trong đó 50-70 trường hợp là người Đà Nẵng. Ngoài ra, Đà Nẵng đã khống chế được tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới mức 0,15%. Tính đến cuối tháng 10-2015, toàn thành phố đã phát hiện 1.885 trường hợp nhiễm HIV, trong đó 824 trường hợp chuyển qua AIDS và 450 ca tử vong do AIDS.
Địa bàn báo cáo có người nhiễm HIV/AIDS bao phủ 7/7 quận, huyện và 56/56 xã, phường. Người nhiễm HIV tại thành phố đang có xu hướng trẻ hóa, với hơn 70% số người nhiễm của thành phố nằm trong độ tuổi 20-39 và được phát hiện nhiễm HIV khá muộn. Lây nhiễm HIV qua tình dục chiếm trên 90% số ca nhiễm HIV mới, kéo theo sự gia tăng HIV trong phụ nữ và nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.
Những số liệu thống kê nêu trên cảnh báo việc kiểm soát lây nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ngày càng trở nên khó khăn hơn, cũng như những tác động tiêu cực của đại dịch này đối với xã hội thông qua những ảnh hưởng trực tiếp đến lực lượng lao động trẻ và nhu cầu của các dịch vụ hỗ trợ y tế, xã hội ngày càng tăng…
Phát biểu tại lễ mít-tinh, chị L.T.H (người nhiễm HIV 10 năm qua) chia sẻ: “Tôi mong muốn mọi người hãy xem người nhiễm HIV như những người bình thường, hãy nhìn chúng tôi bằng con mắt thân thiện, chia sẻ và đừng bày tỏ thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử với chúng tôi để chúng tôi có thể vượt qua nỗi đau bệnh tật, sống hòa nhập cộng đồng. Qua đây, tôi cũng muốn nhắn nhủ rằng những ai trong chúng ta không may mắn bị mắc phải căn bệnh HIV thì hãy mạnh dạn đứng lên để sống cho thật tốt, để từng bước phá rào cản kỳ thị và phân biệt đối xử. Chúng ta phải chứng minh cho mọi người thấy rằng mặc dù bị bệnh nhưng chúng ta vẫn sống tốt, sống vui, sống khỏe và sống có ích cho xã hội...”.
Diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS. |
Hướng tới mục tiêu “90-90-90”
Theo BS Nguyễn Út – Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, để hướng tới kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030, Việt Nam đã cam kết và hưởng ứng các mục tiêu 90-90-90 mà Liên Hiệp quốc đã đề ra. Cụ thể, đến năm 2020, 90% số người nhiễm HIV được biết tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh cũng như giảm nguy cơ lây truyền HIV sang người khác.
Mỗi mục tiêu trên là một dấu mốc hết sức quan trọng, có tính chiến lược trong CTPC HIV/AIDS và nhằm khẳng định những kết quả trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam. Chính vì vậy, chủ đề cho “Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2015” đã được Việt Nam chính thức chọn là “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam”.
BS Nguyễn Út cho rằng: Nếu đạt được 3 mục tiêu quan trọng này thì chúng ta có thể phát hiện được hầu hết những người nhiễm HIV trong cộng đồng cũng như điều trị được hầu hết những người nhiễm HIV với kết quả điều trị tốt, giảm tối đa khả năng lây nhiễm HIV cho người khác và người đã nhiễm HIV có cuộc sống khỏe mạnh, từ đó có thể đạt được mục tiêu to lớn hơn là kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
Tuy nhiên, đây là những mục tiêu hết sức thách thức trong CTPC HIV/AIDS hiện nay, cũng như trong thời gian tới vì so với các mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam vẫn còn khá xa để đạt được các mục tiêu này. Theo ước tính, Việt Nam mới phát hiện được khoảng 78% số người nhiễm HIV trong cộng đồng và mới điều trị ARV cho được 45% tổng số người nhiễm HIV được phát hiện. Ngoài ra, việc xét nghiệm tải lượng vi rút ở Việt Nam chưa mang tính thường quy, chủ yếu cho các bệnh nhân nghi ngờ thất bại điều trị. Trong khi đó, các nguồn lực quốc tế cam kết đang cắt giảm nhanh chóng và hiện chưa có bất kỳ cam kết hỗ trợ nào của các tổ chức quốc tế sau năm 2018.
Chính vì vậy, để từng bước thực hiện thắng lợi mục tiêu 90-90-90, CTPC HIV/AIDS thành phố cần phải có những điều chỉnh thích hợp với tình hình mới, đồng thời đòi hỏi sự cam kết và nỗ lực hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa của cả hệ thống chính trị và của toàn dân trong việc nâng cao nhận thức về phòng chống HIV/AIDS. BS Nguyễn Út đề nghị , lãnh đạo các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội cần tăng cường công tác truyền thông, vận động thay đổi hành vi và phòng, chống kỳ thị, phân biệt đối xử rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt chú trọng vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc, các nhóm yếm thế trong xã hội. Ngoài ra, những người có hành vi nguy cơ cao nói chung và người nhiễm HIV/AIDS nói riêng cần tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị. Việc tiếp cận sớm các dịch vụ này không chỉ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho chính bản thân mình mà còn là trách nhiệm của mình với gia đình, cộng đồng trong việc giảm lây nhiễm HIV...
“Với sự đoàn kết, nhất trí và nỗ lực của mỗi ngành, mỗi địa phương, đơn vị, mỗi người dân và cả cộng đồng cho CTPC HIV/AIDS của thành phố, chắc chắn chúng ta sẽ đạt được mục tiêu “90-90-90”, góp phần thiết thực cùng cả nước hoàn thành các mục tiêu mà chúng ta đã cam kết”, BS Nguyễn Út khẳng định.
Lê Hùng