Khi làm nhiệm vụ, phải coi mọi đối tượng đều có nguy cơ lây nhiễm HIV

Thứ tư, 02/12/2015 09:33

(Cadn.com.vn) - Ngày 1-12, CATP Đà Nẵng tổ chức lớp truyền thông dự phòng và xử lý phơi nhiễm HIV đối với CBCS CA trong khi làm nhiệm vụ. Đại tá Trần Phòng – Phó Giám đốc CATP cùng lãnh đạo, CBCS CA các đơn vị, địa phương trực thuộc CATP dự. Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với BS Lê Thành Chung – Phó Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS TP Đà Nẵng, báo cáo viên chính của lớp truyền thông xung quanh những vấn đề này.

Đại tá Trần Phòng – Phó Giám đốc CATP Đà Nẵng phát biểu tại buổi truyền thông.   

P.V: Theo bác sỹ, phơi nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp được hiểu như thế nào?

BS Lê Thành Chung: Phơi nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp là tiếp xúc trực tiếp với máu và các dịch cơ thể có nhiễm HIV dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV. Cụ thể, máu hoặc dịch cơ thể của người nhiễm HIV/AIDS tiếp xúc trực tiếp với da bị tổn thương của người tiếp xúc; kim tiêm, dao lam hoặc vật sắc nhọn có dính máu của người nhiễm HIV đâm vào người khác; máu hoặc dịch cơ thể của người nhiễm HIV bắn vào niêm mạc, da bị tổn thương. Hiện nay, tỷ lệ lây nhiễm HIV qua các đường lây cụ thể như sau: truyền máu là trên 90%, quan hệ tình dục từ 1%0 đến 1%, mẹ sang con từ 20-30%, tiêm chích ma túy là 0,5%-1% và rủi ro nghề nghiệp là 0,03-0,3%.

P.V: Bác sỹ có thể cho biết  cách dự phòng phơi nhiễm HIV  trong đấu tranh phòng chống tội phạm (ĐTPCTP) mà CBCS phải thực hiện?

BS Lê Thành Chung: Trong ĐTPCTP, vì khó biết trước đối tượng có nhiễm HIV/AIDS hay không, nên mỗi CBCS phải coi mọi đối tượng đều có nguy cơ lây nhiễm HIV. Chính vì vậy, mỗi CBCS cần phải có ý thức đề phòng nguy cơ phơi nhiễm HIV khi trực tiếp ĐTPCTP. Khi bị thương trong ĐTPCTP, trong mọi trường hợp nhất thiết phải xử lý ban đầu vết thương như những trường hợp phơi nhiễm. Cụ thể, phải tiến hành khử trùng những vật dụng (công cụ hỗ trợ, bàn ghế, buồng giam, xe ô-tô...) có nguy cơ gây nhiễm HIV, phải đảm bảo an toàn trong mọi tiếp xúc với đối tượng và tang vật có nguy cơ nhiễm HIV.

Đồng thời, phải đeo găng tay trong mọi tiếp xúc chủ động với đối tượng và tang vật có nguy cơ nhiễm HIV. Sau mọi tiếp xúc trực tiếp với đối tượng và tang vật (lăn tay chỉ bản, còng...) phải rửa tay bằng xà phòng. Lưu ý khi khám xét đối tượng phải đề phòng những vật sắc nhọn được đối tượng giấu trong người. Ngoài ra, khi gom, kiểm tra tang vật phải đề phòng vật sắc nhọn đâm vào tay.

Bên cạnh đó, khi công cụ hỗ trợ, bàn ghế, trang phục bị dính máu, dịch tiết của đối tượng phải khử trùng bằng cách đổ ngập chỗ có dính máu và dịch bằng các dung dịch sát khuẩn như Javel, dung dịch Clo… để trong 20 phút, sau đó làm sạch tiếp như thường quy. Đối với ô-tô, buồng giam sau khi vận chuyển, giam giữ bị dính máu và dịch tiết của đối tượng phải được khử trùng bề mặt bằng cách đổ ngập tràn chỗ có dính máu và dịch đó bằng dung dịch sát khuẩn như Javel, dung dịch Clo… để trong 20 phút, sau đó mở cửa để thông thoáng và làm sạch tiếp như thường quy.

Riêng trang phục cá nhân bị dính máu, dịch tiết của đối tượng cũng phải được khử trùng an toàn bằng cách ngâm dung dịch sát khuẩn trong 20 phút trước khi giặt. Đặc biệt, không được dùng tay trần để thu gom, kiểm tra những vật sắc nhọn và những tang vật sắc nhọn phải được đựng trong hộp đủ cứng để chúng không thể xuyên qua được, đồng thời được đánh dấu bên ngoài và phải bàn giao ghi ngày giờ cụ thể.

BS Lê Thành Chung báo cáo các chuyên đề liên quan đến dự phòng và xử lý phơi nhiễm HIV/AIDS đối với CBCS CATP.           

P.V: Vậy theo bác sỹ, việc xử trí phơi nhiễm HIV trong quá trình ĐTPCTP được thực hiện như thế nào?

BS Lê Thành Chung: Các trường hợp phơi nhiễm HIV trong ĐTPCTP phải được coi là trường hợp cấp cứu và cần phải được xử lý kịp thời, càng sớm càng tốt. Việc xử lý ban đầu phải được thực hiện ngay trong mọi trường hợp bất kể tình trạng vết thương, vị trí tiếp xúc, tình trạng nhiễm HIV của đối tượng... Đối với trường hợp bị tổn thương da chảy máu thì cần xối ngay vết thương dưới vòi nước, để vết thương chảy máu trong một thời gian ngắn, rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước sạch, sau đó sát trùng bằng các dung dịch sát khuẩn trong thời gian ít nhất 5 phút.

Trường hợp phơi nhiễm qua niêm mạc mắt thì tiến hành rửa mắt bằng nước cất hoặc nước muối NaCl 0,9%. Riêng phơi nhiễm qua miệng, mũi thì rửa, nhỏ mũi bằng nước cất hoặc dung dịch nước muối NaCl 0,9% và súc miệng bằng dung dịch nước muối NaCl 0,9% nhiều lần. Sau đó, xác định tình trạng HIV của nguồn gây phơi nhiễm và CBCS bị phơi nhiễm.

Cụ thể, đối với trường hợp bắt được đối tượng thì tiến hành xét nghiệm HIV đối tượng và CBCS bị thương, nếu đối tượng HIV (+), CBCS HIV  (-) thì điều trị phơi nhiễm và lập hồ sơ quản lý phơi nhiễm theo quy định;  nếu đối tượng HIV (-), CBCS (-) thì xử lý như trường hợp bị thương khác. Trường hợp đối tượng đã chuyển đi nơi khác thì báo cáo Thủ trưởng đơn vị và liên hệ với nơi đối tượng được chuyển đến và đề nghị xét nghiệm đối tượng đồng thời tiến hành xét nghiệm CBCS bị thương. Riêng trường hợp đối tượng trốn thoát thì tiến hành khai thác nhanh thông tin về nhân thân tiền sử của đối tượng tại nơi cư trú, nếu đối tượng nhiễm HIV hoặc là nhóm có hành vi nguy cơ cao thì coi như trường hợp bị phơi nhiễm, tiến hành điều trị phơi nhiễm và lập hồ sơ quản lý phơi nhiễm theo quy định…

Đối với phơi nhiễm có nguy cơ cao thì cần tiến hành điều trị thuốc kháng vi rút (ARV) ngay cho CBCS bị phơi nhiễm và xét nghiệm nguồn phơi nhiễm, ngừng điều trị nếu nguồn lây nhiễm có xét nghiệm âm tính. Sau khi đánh giá nguy cơ phơi nhiễm thì tiến hành điều trị ARV phải được tiến hành sớm từ 2-6 giờ sau khi bị phơi nhiễm, không nên điều trị muộn sau 72 giờ.

Bên cạnh đó, cần thử kháng thể chống lại HIV trong máu tại thời điểm xảy ra phơi nhiễm. Sau đó, theo dõi về lâm sàng và xét nghiệm lại sau 1 tháng, 3 tháng và 6 tháng: HIV, HBV, HCV, tác dụng phụ của thuốc. Ngoài ra, CBCS phải được tư vấn bí mật về các dấu hiệu sơ nhiễm HIV để họ có thể nhanh chóng tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa...

P.V: Thưa bác sỹ, điều kiện nào được xác định CBCS bị phơi nhiễm trong ĐTPCTP?

BS Lê Thành Chung: CBCS được xác định là phơi nhiễm với HIV trong khi làm nhiệm vụ khi bị một trong ba trường hợp sau: bị kim, vật sắc nhọn đâm, vật sắc nhọn cứa xuyên qua da hoặc làm da bị trầy xước, nứt nẻ mà những vật này đã tiếp xúc với máu hoặc dịch sinh học của người bị nhiễm HIV; bị máu, dịch cơ thể của người nhiễm HIV tiếp xúc với da bị tổn thương như trầy xước, nứt nẻ; bị máu, dịch cơ thể của người nhiễm HIV tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc...

P.V: Xin chân thành cảm ơn bác sỹ về cuộc trao đổi này.

Lê Hùng

(thực hiện)