“Huyện Hoàng Sa qua tư liệu & hồi ức”: Nguồn tư liệu lịch sử quý giá về chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa

Thứ ba, 06/11/2018 11:21

Hai tác giả đồng chủ biên: Tiến sĩ Võ Công Trí (Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng), Thạc sĩ Lưu Anh Rô (Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TP) vừa ra mắt tuyển tập “Huyện Hoàng Sa qua tư liệu & hồi ức” do NXB Đà Nẵng ấn hành tháng 10-2018.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí tham quan tại triển lãm “Tư liệu báo chí về Hoàng Sa” tổ chức tháng 9-2018.    Ảnh: P.T

Ngoài 10 bài nghiên cứu do 2 tác giả đồng chủ biên chấp bút, điểm nhấn của “Huyện Hoàng Sa: Qua tư liệu & hồi ức” là sự kỳ công trong tuyển chọn, sưu tầm, biên tập các tham luận khoa học quốc gia và quốc tế; các bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí uy tín chuyên ngành trong cả nước; nhất là các tài liệu được sưu tầm tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại Pháp và những hồi ức của các nhân chứng từng sống, làm việc tại quần đảo Hoàng Sa qua các thời kỳ lịch sử...  Theo PGS.TS Đỗ Bang- Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam: “Nếu các công trình viết về Hoàng Sa xuất bản trong thời gian gần đây chú trọng nhiều đến việc khai thác các tư liệu Hán Nôm, các chứng cứ chủ quyền, các luận giải về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa thì tập sách này lại giới thiệu, phân tích nhiều tài liệu quý, tập trung vào giai đoạn lịch sử từ đầu thế kỷ XX đến năm 1975. Tập sách đã dựa trên 3 nguồn tư liệu chính: Một là, tư liệu báo chí tiếng Pháp được xuất bản tại Đông Dương và Pháp, đề cập đến Hoàng Sa. Hai là, tài liệu của các trung tâm lưu trữ quốc gia II, IV, Văn phòng Trung ương Đảng và tư liệu lịch sử của Đảng bộ Quảng Nam- Đà Nẵng có đề cập đến chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Ba là, nguồn tư liệu hồi ức của các nhân chứng - là những người trực tiếp thực thi chủ quyền tại quần đảo này, từ năm 1954 đến năm 1975. Các tài liệu trên đã đem đến cho tập sách nhiều thông tin khoa học thú vị, mới mẻ và có tính thuyết phục cao” (trích Lời giới thiệu).

Thông qua các bài viết, tham luận khoa học chuyên  sâu về Hoàng Sa của các nhà nghiên cứu, điển hình như: “Nhận thức của Triều Nguyễn về vị trí chiến lược của biển đảo Việt Nam” của  PGS.TS Lưu Trang (Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng), “Ý chí bảo vệ chủ quyền của nhân dân Việt Nam ở miền Nam thời điểm Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa-1974” của Tiến sĩ Võ Công Trí, “Đà Nẵng trong quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa” của Thạc sĩ Bùi Văn Tiếng (Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP),  “Ý chí bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của giới chức lãnh đạo cấp cao Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử” của Thạc sĩ Lưu Anh Rô, hay lược dịch các bài viết của tác giả nước ngoài viết về Hoàng Sa…, đã thêm một lần nữa khẳng định chủ quyền, ý chí bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của ông cha ta xưa cũng như chính quyền Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Phần lược dịch “Những bài viết về quần đảo Hoàng Sa của Henri Cucherousset trên Tuần báo Léveil” do 3 nhà nghiên cứu Huỳnh Phương Bá, Nguyễn Phước Tương và Nguyễn Trương Đàn thực hiện cho thấy sự quan tâm, kỳ công nghiên cứu của tác giả nước ngoài về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thời thuộc địa. Henri Cucherousset (1879, quốc tịch Pháp) là một nhà giáo có thời gian hành nghề luật sư tại Thượng Hải  (Trung Quốc). Ông đến Đông Dương và cùng gia đình sống đến khi qua đời. Ông là người sáng lập tuần báo Léveil Économique de Lindochine (Sự thức tỉnh về kinh tế Đông Dương, viết tắt là Tuần báo Léveil), đồng thời là tác giả của phần lớn các bài viết trên Tuần báo này. Trong 835 số của Tuần báo này có hơn 90 bài viết đề cập đến Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông. Theo đó, loạt bài về Hoàng Sa, Trường Sa của Henri Cucherousset được khởi đăng từ 1928-1933 gồm 16 bài thể hiện sự kỳ công nghiên cứu của tác giả nhằm khẳng định “Chủ quyền của An Nam đã được thiết lập từ lâu trên quần đảo này” và “không một mẩu lãnh thổ nào của An Nam mà theo đó là của Pháp, được sang nhượng hoặc bỏ rơi”...

Tập sách "Huyện Hoàng Sa qua tư liệu & hồi ức".

19 bài viết của 12 tác giả đăng trong tuyển tập “Huyện Hoàng Sa qua tư liệu & hồi ức” không chỉ cung cấp nhiều thông tin, tư liệu khoa học quý giá có tính thuyết phục cao, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, mà còn phân tích và làm rõ mưu đồ, thủ đoạn của Trung Quốc trong việc cưỡng đoạt trái phép đối với quần đảo này, gây nên sự phẫn nộ, kịch liệt phản đối trên chính trường ngoại giao của Việt Nam và cả công luận quốc tế. Theo thạc sĩ Lưu Anh Rô thì “vụ Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa đã làm dấy lên tinh thần dân tộc với nhiều sắc độ khác nhau, đối với người Việt Nam ở trong nước và khắp thế giới” (trích “Ý chí bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của giới chức lãnh đạo cao cấp Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử”). Được tiếp cận các nguồn tư liệu quý, tác giả Lưu Anh Rô đã cung cấp thêm cho độc giả nhiều thông tin về sự quan tâm đặc biệt của Đảng bộ, chính quyền Đà Nẵng đối với phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Theo đó, từ những năm 1950, Thành ủy Đà Nẵng khi ấy đã nghĩ đến việc thành lập một chi bộ Đảng tại Hoàng Sa (trong “Một số tư liệu về việc TP Đà Nẵng quản lý ở quần đảo Hoàng Sa”); hay từ thời Ngô Đình Diệm đã cho thành lập đơn vị hành chính tại Hoàng Sa với tên gọi xã Định Hải (trong “Quá trình thành lập xã Định Hải”). Cùng với sự dày công nghiên cứu, trong “Khai thác phân bón tại quần đảo Hoàng Sa thời chính quyền Ngô Đình Diệm”, tác giả Võ Hà đã phân tích khá sâu sự chuyển biến về quân sự, kinh tế cũng như hoạt động khai thác tiềm năng kinh tế, nhất là việc khai thác phân bón của chính quyền thời Ngô Đình Diệm trên quần đảo này.

Điểm nhấn của tuyển tập sách này còn được thể hiện hồi ức của 16 nhân chứng từng sống, làm việc tại quần đảo Hoàng Sa qua các thời kỳ lịch sử trước khi Trung Quốc dùng vũ lực ngang nhiên cưỡng chiếm hòn đảo này vào tháng 1-1974 và hồi ức của ngư dân sinh sống trên địa bàn Đà Nẵng từng ra quần đảo này đánh bắt cá, bị tàu Trung Quốc bắt giữ, tịch thu tài sản..., đã được thạc sĩ Lê Phú Nguyện thực hiện trong “Hoàng Sa qua hồi ức của các nhân chứng”. Từ những hồi ức này và qua các bài viết đăng tải trên các trang báo nước ngoài được các tác giả sưu tầm, lược dịch, không chỉ góp phần khẳng định chủ quyền lãnh hải của Việt Nam đối với Hoàng Sa, mà còn giúp độc giả có cái nhìn toàn cảnh hơn về vị trí chiến lược, vẻ đẹp, tiềm năng kinh tế biển của Hoàng Sa trên biển Đông. 

Với sự kỳ công đó, tuyển tập “Huyện Hoàng Sa qua tư liệu và hồi ức” đã góp phần hệ thống, làm dày hơn nguồn tư liệu lịch sử quý giá về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này. Cùng với việc không ngừng nghiên cứu, sưu tầm, công bố các tư liệu quý, những người làm công tác nghiên cứu lịch sử nói riêng, những người con Việt Nam nói chung đã thể hiện tinh thần, thái độ,  trách nhiệm để góp phần tích cực trong việc đấu tranh ngoại giao về chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép. Đồng thời nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau phải tiếp tục tiếp nối công lao của các thế hệ cha ông đi trước, bền bỉ đấu tranh bảo vệ chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam đối với Hoàng Sa thân yêu!

P.THỦY