Huyền thoại chú Chuột Mickey
Kỷ niệm 90 năm ngày ra đời Chuột Mickey, nhân vật hoạt hình nổi tiếng thế giới, trong năm qua, nhiều hoạt động diễn ra khắp mọi nơi chào mừng sự kiện này. Đặc biệt, tại New York (Mỹ), từ ngày 8-11-2018 đến hết ngày 10-2-2020, hãng Walt Disney tổ chức bữa tiệc sinh nhật hoành tráng chưa từng có là triển lãm tràn ngập hình ảnh chú chuột dễ thương và lém lỉnh, qua các hình thức: trưng bày nghệ thuật sắp đặt, hình ảnh, các loại đồ chơi, trang phục... và các tài liệu liên quan đến chú Chuột Mickey.
|
Tượng họa sĩ Walt Disney và chuột Mickey tại công viên Disneyland đầu tiên được xây dựng tại Anaheim, bang California (Hoa Kỳ). |
Hơn 40 năm trước, lần đầu khi đọc tập sách "40 gương thành công" của học giả Nguyễn Hiến Lê, một trong những câu chuyện làm tôi xúc động và nhớ mãi là chuyện kể về những năm tháng thăng trầm, lận đận, đầy gian khó của họa sĩ Walt Disney trước khi ông cho ra đời chú Chuột Mickey, biểu tượng phim hoạt hình nổi tiếng trên toàn thế giới. Theo học giả Nguyễn Hiến Lê, thời niên thiếu, Walt Disney ở Kansas (Hoa Kỳ) là người nghèo rớt mồng tơi. Vì muốn thành nghệ sĩ cho nên có lần ông đến hãng Kansas City Star xin việc. Ông giám đốc sau khi xem những bức vẽ của Disney, bảo ông không có tài nên từ chối không thâu nhận khiến ông vô cùng thất vọng. Sau đó ông xin được việc vẽ hình cho các nhà thờ nhưng tiền công ít quá không mướn được phòng vẽ, ông phải vẽ trong nhà chứa xe của cha đạo... Một hôm, một chú chuột cao hứng dạo chơi trên sàn. Ông ngừng vẽ nhìn nó rồi vào lấy mấy miếng bánh mì vụn cho ăn. Dần dần quen thuộc, chú chuột còn dám leo lên bàn vẽ của ông. Sau đó ít lâu, ông ôm một chồng hoạt họa vẽ con thỏ Owald trên giấy dày, lặn lội đem đến Hollywood nài bán, nhưng chẳng có ai mua khiến ông lại thất nghiệp một lần nữa. Thế rồi, sực nhớ đến con chuột thường leo lên bàn vẽ của mình ở Kansas, ông vẽ ngay hình ảnh chú chuột. từ đó, chú chuột Mickey ra đời, sau thành kép hát nổi danh nhất thế giới...
Bằng giọng văn bình dị, chân chất, câu chuyện của Nguyễn Hiến Lê vỏn vẹn chưa đầy một ngàn từ kể về họa sĩ Walt Disney và sự ra đời chú Chuột Mickey, nhưng mỗi lần đọc lại tôi cứ bồi hồi cảm động bởi hành trình gian nan của người họa sĩ khởi đầu vô danh, nghèo khổ đã sáng tạo nhân vật hoạt hình tươi vui được yêu chuộng nhất thế giới. Ngày nay, theo những tài liệu chính thức được công bố: Chuột Mickey xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1928 trong bộ phim hoạt hình mang tên "Tàu hơi nước Willie" - Steamboat Willie (được xem là bộ phim hoạt hình được lồng tiếng đầu tiên) để rồi sau đó Mickey trở thành biểu tượng của hãng phim Walt Disney Animation Studios thuộc Công ty Walt Disney được biết đến toàn cầu. Song, trước khi xuất hiện trong Steamboat Willie, Mickey đã từng xuất hiện trong bộ phim Plane Crazy, do không tìm được nhà phân phối nên bộ phim này đã không được phát hành. Thực tế Mickey được tạo ra để thay thế cho nhân vật chú thỏ may mắn - Oswald (Oswald the Lucky Rabbit).
Nhiều tài liệu cho rằng, trong những short hình ban đầu, Walt Disney đã gọi Mickey là chuột Mortimer. Nhưng phu nhân của ông đã thuyết phục rằng tên Mickey sẽ mang tính thị trường hơn và tương lai đã chứng minh tầm nhìn của bà. Ban đầu chuột Mickey là nhân vật hoạt hình không có lời thoại. Trong tập phim "The Karnival Kid" năm 1929, câu thoại đầu tiên của Mickey là "Hot Dog!". Ít ai biết rằng Walt Disney chính là người đầu tiên lồng tiếng cho chuột Mickey trước khi vai trò này được "chuyển giao" sang chất giọng huyền thoại của nam diễn viên Jimmy MacDonald. Năm 1935, chú chuột huyền thoại đã chính thức được "đổ màu" với bộ cánh đỏ trong tập phim ngắn The Band Concert. Trên thực tế Mickey từng được nhuộm trong một sản phẩm khác dài 2 phút nhưng lại chưa bao giờ được công chiếu. Bộ phim đã trở thành một biểu tượng và cột mốc quan trọng trong "cuộc đời" của Mickey. Năm 1936, hình ảnh Mickey Mouse được người Nhật sử dụng nhằm tố cáo cuộc xâm lược của người phương Tây vào Nhật Bản. Trong suốt cuộc Thế chiến thứ 2, khi các lực lượng Đồng Minh đổ bộ vào Normandy (địa danh chỉ cả một vùng duyên hải thuộc Tây Bắc nước Pháp) vào D-Day (chỉ ngày bắt đầu chiến dịch) năm 1944, "Mickey Mouse" được dùng làm mật khẩu bí mật giữa các nhân viên tình báo. Năm 1968, hình ảnh chú chuột Mickey đã được nhà làm phim nổi tiếng người Mỹ Milton Glaser tái hiện trong đoạn phim hoạt hình ngắn mang tính trào phúng với tên gọi "Mickey Mouse in Vietnam" trong vai một lính Mỹ tới tham chiến tại Việt Nam. Tuy nhiên, đây là đoạn phim bị coi là mang tinh thần phản chiến, vì vậy đương thời nó không được phổ biến rộng rãi. Năm 1979, album "Mickey Mouse Disco" - album nhạc trẻ em được phát hành đã xuất sắc đoạt danh hiệu đĩa đôi bạch kim trở thành album nhạc trẻ em có doanh số cao nhất vào thời điểm hiện tại đó.
Trên hành trình bước lên đỉnh cao danh vọng trong thế giới hoạt hình, chú Chuột Mickey đã góp phần đem về cho cha đẻ mình Walt Disney 39 giải Oscar cùng 59 đề cử, biến ông thành người duy nhất trong lịch sử được vinh danh nhiều nhất tại giải thưởng danh giá này. Trong đó nổi bật nhất là giải Oscar được trao đặc biệt dành riêng cho ông, gồm: người đã tạo ra chuột Mickey, người có đóng góp xuất sắc về âm nhạc trong lĩnh vực hoạt hình và một giải thưởng đặc biệt gồm một bức tượng Oscar truyền thống kèm theo 7 phiên bản nhỏ giống nhau nhằm tôn vinh bộ phim "Bạch Tuyết và bảy chú lùn". Tuy nhiên, Disney nói rằng: "38 giải Oscar còn lại xứng đáng được tặng cho các cộng sự đã cùng với tôi lăn lộn làm phim".
Ngày 15-12-1966, họa sĩ Walt Disney qua đời vì bệnh ung thư phổi. Ngày ông mất, nhiều tờ báo trên khắp thế giới đã đồng loạt đăng tải bức họa đầy cảm động trong một cuốn phim lừng danh của ông: chuột Mickey sụt sùi khóc trước cây thông năm mới với lời dẫn: "Xin vĩnh biệt, ngài Disney!...".
TRẦN TRUNG SÁNG