Huyền thoại Tây Sơn thượng đạo (2)
>> Huyền thoại Tây Sơn thượng đạo
* Bài 2: Truyền thuyết một thời dựng nghiệp
(Cadn.com.vn) - Đầu năm Tân Mão (1771), 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ chính thức dựng cờ khởi nghĩa. Vùng Tây Sơn thượng đạo với hàng chục di tích lịch sử trải dài qua 3 huyện và thị xã ghi dấu một thời dựng nghiệp với bao truyền thuyết sống mãi trong lòng người dân nơi đây.
Thầy Tư Lữ và chính sách "thượng vận"
Trở lại những ngày đầu mở căn cứ địa ở khu vực Tây Sơn thượng đạo, anh em nhà Tây Sơn luôn được sự ủng hộ của các tộc trưởng người dân tộc thiểu số ở đây. Thế nhưng, để có được sự đồng lòng, quy thuận và tập hợp dưới trướng nghĩa quân, Nguyễn Nhạc đã dùng chính sách "thượng vận" để huy động người dân tộc thiểu số nghe và đi theo mình. Lúc bấy giờ người dân tộc thiểu số vùng Tây Sơn thượng đạo theo đạo Minh Giáo và đạo này đang thịnh hành ở đây. Trùng hợp thay, Nguyễn Lữ từ nhỏ đã đi tu theo đạo giáo này, trở thành thầy Hỏa giáo của đạo Ma Ní, được các tín đồ gọi là thầy Tư Lữ. Nắm bắt thuận lợi này, Nguyễn Nhạc đưa thầy Tư Lữ theo mình lên vùng Tây Sơn thượng đạo để thuyết phục các tộc trưởng dân tộc thiểu số xây dựng vùng hậu cứ. Bằng chính sách "thượng vận" của Nguyễn Lữ, người Ba Na dần xem Nguyễn Nhạc là "Vua Trời", kính cẩn gọi ông là Boók Nhạc.
Dù được thầy Tư Lữ ca ngợi hết lòng về tài năng của "Vua Trời"-Nguyễn Nhạc, nhưng để gây ấn tượng đầu tiên, Nguyễn Nhạc cũng nghĩ cách gây dựng "hình ảnh" của mình. Lên vùng Tây Sơn thượng đạo chỉ một thời gian ngắn, khắp một vùng rộng lớn người dân liên tục rỉ tai nhau: Nguyễn Nhạc là người nhà trời, không phải người thường ở hạ giới. Bởi lẽ theo quan sát, người dân vùng thượng đạo quen đi lấy nước bằng trái bầu, chỉ có mỗi Boók Nhạc dùng gùi để lấy nước. Không ai biết Boók Nhạc đã dùng nhựa cây trám kín bên trong nên gùi nước dễ dàng, điều đó đánh dấu sự khác lạ, "phi thường" đối với người dân vùng này.
![]() |
Miếu Xà gắn liền với câu chuyện: Nguyễn Nhạc chém rắn, tế cờ. |
Nhưng, nhiều vị tù trưởng người Xơ Đăng vẫn còn phảng phất hoài nghi. Để khẳng định một lần nữa, các tù trưởng đưa ra một thử thách khó khăn hơn. Nhân lúc đó trong vùng có bầy ngựa hoang hung dữ, bao thanh niên trong làng không dám đến gần, ai cũng gọi đó là bầy Ngựa của Yàng (Ngựa Trời), các vị tù trưởng gặp Boók Nhạc đề nghị: "Nếu quả thật ông là người Nhà Trời thì ắt hẳn phải gọi được bầy Ngựa Trời ấy. Liệu ông có làm được không?". Boók Nhạc bình tĩnh trả lời: "Điều ấy có gì khó đâu". Các vị tù trưởng và Boók Nhạc thống nhất trong nửa tuần trăng sẽ gọi bầy Ngựa Trời về. Tìm một con ngựa cái đẹp mã, ngày ngày Nguyễn Nhạc cất công tập cho nó thói quen: khi nào ông ra tín hiệu thì dẫu đang ở đâu, con ngựa ấy vẫn chạy đến với chủ và được thưởng một mớ cỏ non. Sau khi tập thành thục, Nguyễn Nhạc bí mật đưa con ngựa cái nhập bầy vào đàn Ngựa Trời dưới chân núi Hiển Hách. Cứ thế, mỗi lần Nguyễn Nhạc gọi con ngựa cái tới cho ăn thì bầy ngựa trời lại chạy theo và dần dần thành quen, ông có thể gọi bầy ngựa hoang đến với mình. Đến ngày hẹn, ông mời các vị tù trưởng tới căn dặn: "Là người Nhà Trời nên tôi có thể gọi bầy ngựa tới, các vị cứ đến xem nhưng phải núp thật kín bởi Ngựa Trời chỉ cần thấy người phàm là bỏ chạy liền!". Các vị tù trưởng chứng kiến cảnh đó không khỏi ngỡ ngàng, từ đấy ai cũng tin rằng ba anh em Tây Sơn quả đúng là người Nhà Trời.
Để người Ba Na tin và nể phục hơn nữa, Boók Nhạc nghĩ kế cứ đến nửa đêm ông lại cho người lên ngọn núi Mò O đốt lửa, thấy lạ người Ba Na kéo lên xem thử. Trong ánh lửa, trên những thân cây và các lá cây lớn trôi theo dòng suối những dòng chữ được loài kiến ăn mòn hiện rõ: "Nhạc vi vương, Huệ vi tướng, Lữ vi thần" (Nhạc làm vua, Huệ làm tướng, Lữ làm thần) khiến người Ba Na càng tin chắc rằng đó là lời Yàng phán. Trước đó, Nguyễn Nhạc đã cho người lấy mỡ động vật viết vào thân cây, lá cây, kiến ăn theo các vết mỡ mà thành chữ... Cùng với hàng loạt chính sách khác, anh em Tây Sơn dần đã tập hợp được các vị tù trưởng trong vùng góp sức, góp của và nhân lực cho cuộc khởi nghĩa thắng lợi.
Trảm xà khởi nghĩa, oai linh hiển hách
Sau 3 năm chuẩn bị (từ 1771 đến 1773), lực lượng, lương thảo đã đủ đầy, căn cứ vững vàng..., Nguyễn Nhạc cho chỉnh đốn quân ngũ, sắm kỳ hiệu, chuẩn bị làm lễ tế trời, tế cờ xuất quân giải phóng Hạ đạo. Tương truyền vào năm Quý Tỵ (1773), Nguyễn Nhạc đã lập đàn cáo trời và tế cờ xuất quân tại Nghẹo Cây Khế trên đèo An Khê (cách đỉnh đèo khoảng 400m). Khi đàn tế được lập, đúng ngày làm lễ xuất quân, tướng lĩnh Tây Sơn tiến về Nghẹo Cây Khế thì bỗng dưng xuất hiện một con mãng xà Ô Long nằm chắn ngang đường khiến binh lính không dám tiến lên phía trước. Đây là con mãng xà thân lớn bằng cột nhà, màu đen nhánh nên trong vùng kính cẩn gọi đó là Ô Long. Nguyễn Nhạc liền tuốt gươm chém rắn, lấy máu tế cờ ở Cây Ké rồi nổi trống phát lệnh xuất quân. Sau khi thắng trận trở về, Nguyễn Nhạc đã cho xây miếu thờ ngay tại chỗ ông đã chém rắn trước đây, dân trong vùng gọi miếu này là Miếu Xà và tự nguyện trông coi, hương khói.
![]() |
An Khê Đình với cây Ké hàng trăm năm tuổi. |
Ngay tại trung tâm TX An Khê, hai ngôi đình trở thành nơi thờ tự 3 anh em Tây Sơn cùng các tướng lĩnh là: An Khê Đình (còn gọi là đình Trong hay là đình An Lũy) và An Khê Trường (còn gọi là đình Ngoài). Nơi đây, vào mồng 9 tháng 2 âm lịch hàng năm nhân dân trong vùng làm lễ rước sắc thần từ An Khê Trường vào An Khê Đình tế thần, sáng 10-2 âm lịch rước lại về An Khê Trường theo nghi thức cổ truyền trang trọng. Đồng thời, từ sau năm 1975 đến nay, vào ngày mồng 4 Tết Nguyên đán, chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức Lễ hội Tây Sơn thượng đạo, kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.
Nhân dân trong vùng kể rằng: trước đây tại An Khê Đình, cứ đến ngày tế Đình vào nửa đêm 9-2 âm lịch đến sáng hôm sau, chim chóc kéo nhau về trên hai cây đa và cây Ké sau đình rất nhiều và luôn luôn có một đôi rắn hổ mang lớn từ núi ra bò lên bệ thờ ngóc đầu xem lễ, xong lễ lại quay về núi.
Minh Tân
(còn nữa)