Hy Lạp vùng vẫy thoát khủng hoảng nợ
(Cadn.com.vn) - Cả Hy Lạp và Liên minh Châu Âu (EU) đều đang nỗ lực tìm kiếm một lối thoát cho cuộc khủng hoảng nợ đang đe dọa Athens và cả Khu vực đồng tiền chung (Eurozone).
Quốc hội Hy Lạp tối 8-5 (giờ địa phương) thông qua gói biện pháp thắt lưng buộc bụng mới, trong đó cắt giảm lương hưu và tăng thuế, để có thể nhận tiếp khoản tiền cứu trợ từ các chủ nợ quốc tế trong bối cảnh đang ngập trong nợ nần.
Biểu tình phản đối gói thắt lưng buộc bụng mới ở Hy Lạp. Ảnh: AFP |
Theo AFP, gói thắt lưng buộc bụng lần này được thông qua với số phiếu ủng hộ của 300 nghị sĩ trong đó có 153 nghị sĩ thuộc liên minh cầm quyền, trong đó quyết định khó khăn là cắt giảm mức lương hưu, để có thể tiết kiệm được 1,8 tỷ EUR. Quyết định tăng thuế trong gói cải cách mới này cũng giúp ngân sách Hy Lạp thu về khoản tiền trị giá 1,8 tỷ EUR.
Mặc dù Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras ra lời kêu gọi cho rằng, cần phải có gói thắt lưng buộc bụng mới này để có thể được nhận khoản tiền mới nhằm tránh nguy cơ sụp đổ hệ thống hưu trí, biểu tình đã bùng nổ khắp nơi. Khoảng 26.000 người tụ tập xuống đường ở thủ đô Athens và Thessaloniki - thành phố lớn thứ hai ở Hy Lạp - để phản đối gói biện pháp khắc khổ mới. Đụng độ đã xảy ra khi người biểu tình ném chất gây cháy và đồ vật vào cảnh sát. Một nhóm người biểu tình cũng tìm cách xông vào khu vực cấm trước tòa nhà Quốc hội buộc lực lượng an ninh phải sử dụng hơi cay và vòi rồng để đẩy lui.
Những động thái gây tranh cãi này được đưa ra trong bối cảnh các bộ trưởng tài chính khu vực Eurozone bắt đầu nhóm họp khẩn cấp tại Brussels, Bỉ vào chiều 9-5 để tìm ra hướng đi mới cho Athens và ngăn chặn cuộc khủng hoảng trên toàn Eurozone. Các bộ trưởng dự kiến sẽ hoàn thành đánh giá đầu tiên về gói cứu trợ khủng mà EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dành cho Hy Lạp và thảo luận về các biện pháp giảm nợ mới.
Trong chương trình nghị sự chính thức, bộ trưởng 19 quốc gia Eurozone – hay còn gọi nhóm Eurogroup - cho biết sẽ thảo luận về những “tiến bộ đạt được” trong nỗ lực cải cách của Hy Lạp và các chủ nợ. Eurogroup cũng thảo luận về các biện pháp giảm nợ có thể nhằm đảm bảo nhu cầu tài chính tổng thể của Hy Lạp vẫn ở mức bền vững, để có thể đi đến một thỏa thuận chính trị.
Các cuộc đàm phán về vấn đề khủng hoảng nợ Hy Lạp bị đình trệ nhiều lần. Trong khi đó, Athens muốn đạt một thỏa thuận càng nhanh càng tốt để có thể được nhận tiền trong các đợt giải ngân tiếp theo của gói cứu trợ 86 tỷ EUR (95 tỷ USD) - gói cứu trợ thứ 3 của “con nợ khủng” này kể từ năm 2010. Theo giới phân tích, Hy Lạp muốn có sẵn tiền trước hạn thanh toán nợ cho Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) vào tháng 7 tới. Chính phủ ở Athens hy vọng, cuộc họp này sẽ khuyến khích các chủ nợ giảm bớt gánh nặng nợ nần. Hy Lạp đã kêu gọi Eurogroup ủng hộ gói thắt lưng buộc bụng mới này, đồng thời cảnh báo về một “quốc gia thất bại” nếu các cuộc đàm phán ở Brussels bị “mắc cạn”.
Tuy nhiên, trước cuộc họp ở Brussels, các chủ nợ cho thấy một sự khác biệt rõ rệt trong vấn đề này. Giám đốc IMF Christine Lagarde cảnh báo có những “khoảng trống đáng kể” trong cải cách mới của Hy Lạp, trong khi người đứng đầu Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker khen ngợi Athens “cơ bản đạt được” mục tiêu của các biện pháp theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế.
Khả Anh