Hy vọng cho hòa bình Gaza
(Cadn.com.vn) - Israel và đối thủ Hồi giáo Hamas lại đồng ý ngừng bắn trong 3 ngày, bắt đầu từ 8 giờ ngày 5-8, theo các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn do Ai Cập làm trung gian. Trong khi đó, Cairo tiếp tục tung ra chiến lược kéo các bên vào cuộc đàm phán để củng cố một bước tiến dài hạn nhằm kết thúc cuộc chiến kéo dài 4 tuần qua.
Lệnh ngừng bắn này là nỗ lực mới nhất của cả hai phía sau nhiều lần thất bại trong việc ngăn chặn cuộc chiến tồi tệ nhất trong hai năm ở dải đất chưa bao giờ yên ả này. Các nước ngay sau đó lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn mới nhất này, đặc biệt là Mỹ. Nhà Trắng ra tuyên bố cho rằng, đây là "cơ hội thật sự đáng được ủng hộ", đồng thời cảnh báo trách nhiệm duy trì lệnh ngừng bắn này thuộc về phía phong trào Hamas.
Trong khi đó, người phát ngôn Jen Psaki trấn an các bên khi tuyên bố Washington sẽ tiếp tục các nỗ lực để giúp đỡ các bên đạt được một "thỏa thuận bền vững cho vấn đề lâu dài của Gaza". Mỹ cho biết, nước này có thể cứng rắn với Israel về thương vong của dân thường Palestine tại Gaza, song vẫn duy trì sự ủng hộ chiến lược với nước đồng minh này, kể cả việc cung cấp hỗ trợ về quốc phòng.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, không nên vội mừng. Thực tế cho thấy, nỗ lực kéo Israel và Gaza nhằm đi đến một thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn xem ra còn rất xa vời. Vẫn còn khoảng trống rất lớn giữa hai bên và nỗ lực quốc tế trước đây để môi giới đã thất bại. Hamas muốn Israel và Ai Cập ngừng phong tỏa biên giới Gaza kéo dài trong 7 năm qua.
Hamas khẳng định, sự hiện diện của Israel ở trên dải đất Gaza là "không thể chấp nhận được". Nhưng Tel Aviv không muốn mở biên giới Gaza trừ khi Hamas giải giáp vũ khí và thật sự đã phá hủy toàn bộ các đường hầm bí mật "hái ra tiền" của Hamas. Và quan trọng hơn, đối với Tel Aviv, Hamas vẫn chỉ là một tổ chức khủng bố và họ buộc phải "nhổ cỏ tận gốc" nhóm này.
Nhiều lo ngại về khả năng thỏa thuận đổ vỡ đã bùng nổ khi các nguồn tin trong ngày 5-8 cho biết, ít nhất 32 đường hầm và hàng chục lối vào đường hầm của Hamas được định vị và bị nổ tung trước khi thỏa thuận có hiệu lực.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon hối thúc kiềm chế tối đa trong bối cảnh cuộc xung đột Gaza giết chết gần 2.000 người Palestine, hầu hết là dân thường. Phía Israel có 64 binh sĩ và 3 dân thường thiệt mạng.
Ngoài mất mát con người, chiến tranh gây tổn hại nền kinh tế hai bên. Gaza phải đối mặt với một bài toán tái kiến thiết trị giá lên đến 6 tỷ USD. Israel mất hàng trăm triệu USD trong ngành du lịch, ngành công nghiệp khác, và lo ngại giảm tăng trưởng kinh tế.
Thanh Văn