Hy vọng lớn cho TPP
(Cadn.com.vn) - Sau Nhật Bản, ngày 11-5, New Zealand trở thành quốc gia thứ 2 chính thức thông qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), mở đường lớn cho các nước khác từng bước ký kết hiệp định này dù không có Mỹ.
Động thái này diễn ra chỉ vài ngày trước khi Thủ tướng New Zealand Bill English thăm Nhật Bản với mục đích tăng cường các quan hệ thương mại và kinh tế song phương. Có thể thấy, mục đích thông qua TPP của New Zealand là rất rõ ràng, một phần giúp nước này tham gia sân chơi kinh tế lớn, một phần là muốn ve vuốt Tokyo trước thềm chuyến thăm quan trọng của Thủ tướng Bill English.
New Zealand và Nhật Bản nằm trong số 11 quốc gia thành viên TPP vẫn duy trì các cuộc thảo luận liên quan tương lai của hiệp định sau khi Mỹ tuyên bố rút lui, chỉ một thời gian ngắn sau khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ. Nhưng dù không có Mỹ, TPP vẫn sẽ có lợi cho 11 quốc gia còn lại.
Với đà này, các quốc gia thành viên càng có thêm động lực để tiếp tục thảo luận đưa TPP đi vào hiệu lực mà không cần có sự tham gia của Washington. Theo kế hoạch, vào cuối tháng 5, các nước sẽ gặp lại nhau ở Việt Nam để thảo luận sâu hơn. Và có nhiều niềm tin rằng ở Việt Nam, TPP sẽ được hồi sinh.
Trên thực tế, dù Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, TPP bất lợi cho Mỹ, nhưng những nước khác trong hiệp định đã phải “nhượng bộ” nhiều nhất trong việc mở cửa thị trường. Một số quốc gia như Nhật Bản, còn xem TPP là dấu ấn thể hiện quyết tâm chiến lược của Mỹ, tham dự vào Châu Á trước một Trung Quốc ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ.
Trong lúc chuẩn bị thúc đẩy lại hiệp định, 11 quốc gia trong TPP có thể tự an ủi mình rằng, nếu không có sức ép của Mỹ trong các cuộc thương lượng ban đầu, lúc này sẽ không có thỏa thuận nào để làm sống lại. Nhiều nước còn hy vọng chính quyền tương lai ở Washington sẽ nhìn thấy những thiệt hại mà ông Trump gây ra cho uy tín của nước Mỹ khi rút lui khỏi TPP, và sẽ quan tâm trở lại đến thương mại Châu Á.
Nhưng vẫn còn phải làm nhiều việc trước khi TPP có thể “trở lại lợi hại hơn xưa”.
Thanh Văn