Im lặng cùng tượng Chăm

Thứ ba, 05/08/2014 07:29

(Cadn.com.vn) - Cung đường dẫn vào khu thánh địa-Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn (xã Duy Phú, H. Duy Xuyên, Quảng Nam) um tùm cây cối. Lẩn khuất giữa những mái nhà xây ở ven đường là một chòi tranh liêu xiêu…

Trước chòi, những tượng vũ nữ Apsara, Linga, Yoni... nho nhỏ được bày trên cái giá xập xệ; sau giá, một người đàn ông cặm cụi mài những cục đá hình thù kỳ dị. Khi có người vỗ vai ông mới ngước lên nhìn nhưng ai nói chi cũng lắc đầu, ú ớ. Đó là ông Phạm Ngọc Xuân (1965, thôn Mỹ Sơn, xã Duy Phú), bị câm điếc bẩm sinh. “Lúc nó được 5 tuổi, tôi nghe lời chòm xóm mượn cái cối xay gạo về đặt nó lên, rồi xoay quanh. Tưởng mô nó sợ sẽ ré lên, tai ù rồi nghe được, ai ngờ vẫn y như rứa cho tới chừ”-bà Văn Thị Mùi (74 tuổi), mẹ của Xuân kể.

Anh Xuân bên những bức tượng Chăm.

Từ nhỏ, Xuân không đi học nhưng hay dùng thanh tre vẽ nghuệch ngoạc lên nền đất. “Hắn đi chăn bò thấy mấy bức tượng ở khu thánh địa, về nhà, vẽ lại trên giấy cạc tông rồi áp những bức tranh đó lên đá để đục thành tượng”–bà Mùi nói. Chừng năm 1990, trên nhà Xuân một chút, chỗ có cây cầu bị chiến tranh làm sập, khách du lịch hay dừng lại đó để đón xe thồ lên khu thánh địa, ông Phạm Ngọc Bảy, ba Xuân dựng một cái chòi tranh. Xuân ra cây cầu bẻ sắt làm dụng cụ mài dũa, mót đá về làm nguyên liệu, rồi đục, đẽo. “Cứ rứa, ngày mô hắn cũng đem đá ra “gặm” thành các bức tượng Chăm nho nhỏ, bán cho du khách chừng hai chục nghìn đồng. Lần đó một người bạn của em tui tới nhà chơi, thấy bức tượng Phật đặt trước nhà, hỏi ai khắc, nói Xuân khắc, người đó mới chở Xuân ra Đà Nẵng tìm mối. Từ đó, tượng của Xuân còn được đem ra Đà Nẵng bán”-bà Mùi khoe.

Bây giờ, vẫn quán tranh ven đường, trên cái giá xập xệ, những bức tượng vũ nữ Apsara, Linga, Yoni vẫn được bày bán, và sau giá, người đàn ông câm điếc vẫn cặm cụi đục tượng...Một cuộc sống thường nhật từ thuở Chăm xưa dường như vãng lai qua mái chòi tranh, qua một người câm điếc, qua những bức tượng tạc hình thân phận... Cách đây 5 năm, Xuân nhờ ba mua một máy mài đá. Ông Bảy hì hục đóng một tấm bảng bằng tôn, trên đó ghi rõ lý lịch của Xuân bằng tiếng Anh lẫn tiếng Việt để du khách hiểu một chút về tác giả. Từ đó, tượng của Xuân theo chân du khách đi khắp nước, ra thế giới... Cứ vài ba ngày người ta lại thấy Xuân lội suối tìm đá. 8 giờ sáng, lại thấy Xuân lúi cúi dọn đồ nghề, cặm cụi đục đẽo đến tận chiều tối...

 “Nhiều xưởng điêu khắc gọi nó về làm nhưng nó không chịu. Tôi biết, nó sẽ không đi đâu cả vì nó thương nơi này lắm!”-bà Mùi nói. Ông Bảy góp chuyện: “Có ngày bán được 100 nghìn đồng, có khi cả tháng không kiếm được đồng nào”. Ở đây không có những cửa hàng rộng lớn để mua đồ lưu niệm. Một quán tranh liêu xiêu, một dáng người cặm cụi, im lặng với những bức tượng, cộng với chút hắt hiu của gió, của nắng, sẽ dẫn ta vào một quá khứ Chăm bình dị ở Mỹ Sơn...

Mai Thành Dũng