Im lặng là vàng!
Cuộc khủng hoảng ở vùng tự trị Catalan vẫn đang khiến giới chức Tây Ban Nha đau đầu.
Trong diễn biến mới nhất, chính quyền trung ương Tây Ban Nha đã nắm quyền kiểm soát trực tiếp đối với lực lượng cảnh sát địa phương ở vùng tự trị này trong nỗ lực nhằm ngăn chặn cuộc trưng cầu dân ý về độc lập cho vùng này vốn được lên kế hoạch tổ chức vào ngày 1-10 tới. Thời gian qua, Madrid cũng bắt giữ một số quan chức ở Catalan, đóng cửa các trang mạng ủng hộ cuộc trưng cầu ý dân, tịch thu nhiều hòm phiếu, lá phiếu và các tài liệu chuẩn bị cho cuộc trưng cầu ý dân này.
Trong những ngày gần đây, người biểu tình thuộc cả hai phe ủng hộ và phản đối cuộc trưng cầu dân ý thường xuyên đối mặt nhau trên đường phố ở Bacerlona và các thành phố khác thuộc vùng Catalan. Ngày 23-9, hàng ngàn sinh viên tập trung biểu tình bên ngoài Đại học Barcelona để yêu cầu Madrid chấm dứt việc trấn áp. Mặc dù công tác hậu cần chuẩn bị cho cuộc trưng cầu đang bị chính quyền trung ương ngăn chặn, nhưng Chủ tịch vùng Catalan, Carles Puigdemont vẫn khuyến khích người dân mang theo các lá phiếu của riêng họ trong ngày 1-10 để bày tỏ sự ủng hộ dù cho có điều gì xảy ra chăng nữa.
Cuộc khủng hoảng Catalan rõ ràng chưa thể đi đến hồi kết, và câu hỏi đặt ra hiện nay là tại sao Liên minh Châu Âu (EU) cho đến nay vẫn lặng im về vấn đề này. Thực tế cho thấy, dù đây là một trong những cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất kể từ khi Tây Ban Nha trở lại với nền dân chủ vào những năm 1970, EU cho thấy dấu hiệu sẽ không can thiệp. Trong một tuyên bố mới nhất, giới chức EU nói rằng “phải tôn trọng hiến pháp của Tây Ban Nha” trong bối cảnh chính phủ Tây Ban Nha đã tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý là bất hợp pháp.
Vì sao EU lại phớt lờ như vậy? Thứ nhất, nhiều người cho rằng, nguyên nhân có thể do EU đang phải tập trung vào quá nhiều vấn đề từ cuộc khủng hoảng người tị nạn cho đến các cuộc đàm phán Brexit đầy khó khăn. Thứ hai, rõ ràng đây là vấn đề nội bộ của Tây Ban Nha, và việc can thiệp vào một vấn đề riêng tư và nhạy cảm như thế này không phải là động thái sáng suốt. Và cuối cùng, EU có lẽ đang chờ xem cách giải quyết của Tây Ban Nha có hiệu quả như thế nào trước khi đi đến quyết định can thiệp.
THANH VĂN