IMF lo khi "thế giới nghèo hơn và nguy hiểm hơn"

Thứ tư, 10/10/2018 13:59

Trong đánh giá mới nhất về nền kinh tế toàn cầu, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 9-10 cảnh báo cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang khiến thế giới trở thành một "nơi nghèo hơn và nguy hiểm hơn".

Mỹ và Trung Quốc đã đánh thuế hàng trăm tỉ USD hàng hóa của nhau trong năm nay. Ảnh: CNN

Nga sẵn sàng thay Mỹ xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc

Bộ Phát triển Kinh tế Nga (REDM) cho biết, nước này sẵn sàng tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc để bù vào nguồn cung hàng hóa Mỹ giảm sút tại thị trường rộng lớn này trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày càng leo thang.

Trong một tuyên bố, cơ quan báo chí của REDM cho biết, Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Maxim Oreshkin và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Zhong Shan gặp nhau tại Bắc Kinh và thảo luận về triển vọng tăng trưởng thương mại và đầu tư Nga-Trung cũng như sự hợp tác trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuyên bố cũng dẫn lời ông Oreshkin nói rằng, các biện pháp bảo hộ đơn phương của Mỹ không phù hợp với các quy tắc hệ thống thương mại đa phương, và gây ảnh hưởng tới cả thương mại quốc tế lẫn hợp tác thương mại và kinh tế Nga-Trung.

B.N

Kinh tế Mỹ, Trung lao dốc

Trong báo cáo Tầm nhìn Kinh tế Quốc tế, IMF cho rằng, do ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến thương mại đã và đang diễn ra, kinh tế hai cường quốc Mỹ, Trung Quốc sẽ lao dốc vào năm tới, trích dẫn các đợt thuế quan gần đây mà hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã áp đặt với nhau. IMF còn dự báo bi quan hơn khi cuộc đụng độ giữa Washington và Bắc Kinh đe dọa sẽ tiếp tục leo thang và gây thiệt hại ở các nước khác. "Khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới xung đột, đó là một tình huống mà mọi người đều phải gánh chịu", Maurice Obstfeld, nhà kinh tế trưởng của IMF, cho biết tại một cuộc họp báo.

Từ tháng 7 đến nay, Mỹ đã áp thuế lên khoảng nửa kim ngạch hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ mỗi năm (250 tỉ USD). Nếu Mỹ thực hiện lời đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh thuế lên 270 tỉ USD nữa thì xem như Mỹ đã đánh thuế toàn bộ số lượng hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ. Trung Quốc cũng đã đánh thuế lên tổng cộng 110 tỉ USD hàng Mỹ nhập vào nước này, đồng thời cảnh cáo sẽ không chịu thua Mỹ trong cuộc chiến này.

Nền kinh tế Mỹ đang trên đà tăng trưởng thuận lợi nhờ chính sách giảm thuế gần đây, nhưng các nhà kinh tế IMF vẫn cho rằng, tăng trưởng của Mỹ sẽ chỉ đạt mức 2,5% trong năm tới so với 2,9% trong năm nay, chủ yếu vì xung đột thương mại với các nước mà nghiêm trọng nhất là với Trung Quốc.

Tăng trưởng của Trung Quốc năm tới theo dự đoán của IMF cũng sẽ giảm còn 6,2%, so với 6,6% năm nay. Dự báo năm 2019 mới của IMF thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó, phản ánh tác động tiêu cực của những làn sóng thuế quan mới.

Hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Tác động của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ- Trung có thể được cảm nhận vượt ra ngoài hai cường quốc kinh tế.

Trong báo cáo Tầm nhìn Kinh tế Quốc tế, IMF cũng cho biết, tốc độ của nền kinh tế thế giới đang có chiều hướng chững lại, đồng thời hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu lần đầu tiên trong hơn 2 năm. Lý do mà IMF đưa ra cho động thái này là căng thẳng thương mại leo thang và sức ép đối với các thị trường mới nổi. Theo báo cáo, các rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu gia tăng trong vòng 3 tháng qua, bao gồm cuộc chiến thương mại leo thang Mỹ-Trung, lãi suất tăng mạnh hơn dự kiến, và dòng vốn chảy mạnh hơn khỏi các thị trường mới nổi.

Báo cáo nhận định, tăng trưởng kinh tế ổn định nhưng thấp hơn một chút vào năm 2019 do lãi suất cao hơn và rào cản thương mại. Theo đó, nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,7% trong năm 2018 và 2019, giảm từ mức dự báo tăng 3,9% đưa ra cách đây 3 tháng. IMF cũng cắt giảm dự báo về khối lượng giao dịch thương mại toàn cầu. Tổng lưu lượng hàng hóa và dịch vụ dự kiến tăng 4,2% trong năm nay và 4% vào năm tới, thấp hơn 0,6 và 0,5 điểm phần trăm so với những ước tính trước đó. "Những tác động của chính sách thương mại và sự xáo trộn đang trở nên rõ ràng ở cấp độ vĩ mô, trong khi minh chứng về việc này lại xuất hiện ngày một nhiều, thể hiện ở việc ảnh hưởng tiêu cực đến các Cty. Chính sách thương mại phản ánh chính trị và tình hình chính trị ở một số quốc gia vẫn chưa ổn định, tạo ra nhiều rủi ro hơn nữa", ông Obstfeld nhận định.

Đối với các thị trường mới nổi - nhóm các nền kinh tế chịu áp lực từ làn sóng bán tháo trong những tháng gần đây - IMF đã đưa ra mức cắt giảm lớn hơn. "Dự báo tiêu cực đối với các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển đang trở nên nghiêm trọng hơn", ông Obstfeld nói. "Nói chung, chúng tôi thấy dấu hiệu kém đi của hoạt động đầu tư và sản xuất, cùng với tăng trưởng thương mại yếu hơn". Báo cáo của IMF cho biết, dự báo cắt giảm đã được chỉnh sửa lần này đặc biệt chú ý vào các quốc gia: Argentine, Brazil, Mexico, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Báo cáo cũng cho rằng, kinh tế khu vực sử dụng đồng EUR sẽ tăng 2% trong năm nay, giảm 0,2 điểm phần trăm so với lần dự báo trước.

AN BÌNH