Indonesia - Ai hưởng lợi từ dự án di dời thủ đô?

Thứ sáu, 20/12/2019 15:52

Một báo cáo mang tên “Thành phố thủ đô mới dành cho ai?” được công bố hôm 18-12 đã tiết lộ danh tính nhiều “đầu sỏ chính trị” hưởng lợi từ dự án di dời thủ đô từ Jakarta sang tỉnh Đông Kalimantan.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Thống đốc Đông Kalimantan Isran Noor trong chuyến thị sát tại địa điểm xây thủ đô mới. Ảnh: Reuters

Đẩy nhanh kế hoạch

Hôm 29-4, chỉ 12 ngày sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, Tổng thống Joko "Jokowi" Widodo công bố địa điểm xây dựng thành phố thủ đô mới tại hai huyện của tỉnh Đông Kalimantan.

Hôm 18-12, Tổng thống Widodo yêu cầu nội các tăng tiến độ dự án dời thủ đô từ Jakarta đến đảo Borneo để thành phố đi vào hoạt động năm 2023. Chính phủ Indonesia sẽ thành lập cơ quan mới để giám sát dự án dời đô, sau đó chính thức đệ trình dự luật về việc di dời thủ đô lên quốc hội phê duyệt, Tổng thống Joko Widodo cho biết, trong bài đăng trên facebook hôm 18-12, sau 2 ngày thị sát tại địa điểm xây thủ đô mới tại tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo. “Toàn bộ quá trình, bao gồm cả quy hoạch tổng thể, hy vọng có thể hoàn tất trong 6 tháng. Sau đó chúng tôi có thể tiến hành giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng cơ bản”, ông Widodo viết. Ông cho biết thêm, văn phòng chính phủ sẽ bắt đầu được xây dựng từ năm tới và sẵn sàng đi vào hoạt động từ năm 2023, mốc thời gian sớm một năm so với dự tính ban đầu của chính phủ.

Theo kế hoạch, thủ đô mới của Indonesia mang quy chế tỉnh tự trị và được chia thành 3 khu vực gồm: vùng “lõi” hành chính dành cho các cơ quan chính phủ, khu vực thủ đô và khu vực thủ đô mở rộng. Khu vực thủ đô rộng hơn 256.000 ha sẽ được bao phủ bởi màu xanh của rừng cây nhiệt đới, phản ánh cảnh quan đặc trưng của Đông Kalimantan.

Giảm gánh nặng cho Jakarta

Hồi tháng 8, chính quyền Widodo công bố kế hoạch trị giá 33 tỷ USD dời thủ đô đến tỉnh Đông Kalimantan vào năm 2024 để giải quyết tình trạng sụt lún, ách tắc giao thông và ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng tại Jakarta. Ông Widodo nói rằng việc dời đô từ Jakarta sẽ tốn khoảng 466 nghìn tỷ rupiah (32,79 tỷ USD), trong đó nhà nước chi 19%, số còn lại sẽ đến từ các đối tác ở khu vực hợp tác công - tư và đầu tư tư nhân.

Vấn đề dời đô được bàn tán trong nhiều thập niên qua. Vùng Jakarta mở rộng, nơi có dân số 30 triệu người, đang phải chịu đựng tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng và ô nhiễm đạt đến mức có hại cho sức khỏe. Mật độ dân số của Jakarta hiện là 15.000 người/km2, gấp đôi Singapore, và thành phố hiện không còn chỗ để xây dựng thêm mà không phải di dời hàng nghìn gia đình. Việc khai thác nước ngầm quá mức đã khiến thành phố ngày càng bị lún nhanh hơn. Các nhà nghiên cứu cho biết, phía Bắc Jakarta đã chìm 2,5m trong 10 năm qua và đang tiếp tục chìm trung bình 18 cm mỗi năm. Ước tính phần lớn đô thị Jakarta có thể sẽ bị nhấn chìm hoàn toàn vào năm 2050.

Ông Widodo bày tỏ hy vọng rằng thủ đô mới có thể trở thành “Thung lũng Silicon” tiếp theo, ám chỉ đến trung tâm công nghệ của Mỹ, do Indonesia nuôi tham vọng phát triển cơ sở nghiên cứu và sáng tạo tại thủ đô mới.

Làm giàu cho giới đầu sỏ chính trị?

Dự án di dời thủ đô vấp phải chỉ trích về nguy cơ gây ra tác động tới môi trường và cách Indonesia huy động nguồn vốn đầu tư. Các tổ chức phi chính phủ cho rằng một số chính trị gia trung ương lẫn địa phương có lợi ích đất đai trong khu vực có thể hưởng lợi từ siêu dự án này.

Báo cáo mang tên "Thành phố thủ đô mới dành cho ai?" của một liên minh gồm nhiều tổ chức dân sự được công bố hôm 17-12 đã tiết lộ danh tính nhiều “đầu sỏ chính trị” hưởng lợi từ dự án di dời thủ đô. Báo cáo tiết lộ tên của những người có tài sản trong các ngành khai thác như than, dầu cọ, gỗ và các nhà máy năng lượng tại khu vực xây dựng thủ đô mới ở tỉnh Đông Kalimantan. Các “đầu sỏ” nói trên gồm em trai và cháu trai của Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm Probowo Subianto, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Luhut Binsar Panjaitan, con trai cựu Chủ tịch Hạ viện Setya Novanto, và cựu Bộ trưởng Tư pháp Yusril Ihza Mahendra. Báo cáo cũng cáo buộc rằng kế hoạch di dời thủ đô có thể được sử dụng nhằm xóa bỏ dấu vết các thiệt hại môi trường mà các cơ sở này đã gây ra. Theo đó, trong tổng diện tích 180.000 ha của thành phố thủ đô mới, có tới 162 cơ sở khai thác khoáng sản, lâm nghiệp, dầu cọ và than đá. Trong số đó có 158 mỏ than với ít nhất 94 hầm lò sâu dưới lòng đất.

Ông Merah, điều phối viên liên minh nói trên, cáo buộc chính phủ Indonesia đã không bao giờ hỏi xin ý kiến chấp thuận của người dân Đông Kalimantan, đồng thời nhấn mạnh rằng đây là một “tội ác chính trị”.

AN BÌNH