INF và Châu Âu

Thứ năm, 25/10/2018 12:34

Mỹ đang thách thức sự tồn tại của Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp ước có từ năm 1987 này. Lý do của Mỹ thì nhiều, trong đó có cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước, một cáo buộc mà Moscow bác bỏ.

Nhưng dù lý do ông chủ Nhà Trắng đưa ra là gì, có lẽ ông cần phải lắng nghe những người ký hiệp ước để hiểu mục đích lớn hơn của nó. Ông Mikhail Gorbachev, nhà lãnh đạo của Liên Xô đã đàm phán và đặt bút ký INF với Tổng thống Mỹ Ronald Reagan năm 1987, mới đây đã kêu gọi Tổng thống Trump từ bỏ quyết định “nguy hiểm” trên. Vì sao ông Gorbachev phải lên tiếng? INF trên thực tế đã giúp gìn giữ hòa bình ở Châu Âu trong hơn 3 thập kỷ.

Điều đáng lo ngại là những hậu quả về an ninh đối với các nước Châu Âu nếu như Mỹ chính thức rút khỏi hiệp ước này. Bởi lẽ, hiệp ước INF xóa sổ một loạt các lực lượng hạt nhân với tầm bắn trong phạm vi 500-5.500km, mà lâu nay vốn góp phần vào ổn định chiến lược của thế giới. Việc Mỹ rút khỏi INF và triển khai những tên lửa có tầm bắn như trên chắc chắn sẽ gây ra cuộc chạy đua vũ trang và đặc biệt gây bất ổn cho an ninh của Châu Âu.

 Quan điểm của cựu lãnh đạo Gorbachev về tác động của hiệp ước quan trọng hơn nhiều so với quan điểm trực tiếp từ lịch sử. Nó cũng phản ánh xu hướng ở Nga về một mối quan hệ thân thiết hơn với Châu Âu thay vì vẫn bị chia rẽ về các vấn đề như các mối đe dọa hạt nhân, xung đột Ukraine và các vụ khác. Trong các cuộc thăm dò độc lập vào năm ngoái, thái độ của người Nga đối với Liên minh Châu Âu (EU) tích cực hơn rất nhiều so với lần thăm dò đầu tiên vào năm 2014. Và hơn 2/3 người Nga đang tìm kiếm “sự cải thiện đáng kể” trong quan hệ với phương Tây.

Hiệp ước INF ra đời trong thời Chiến tranh Lạnh để ngăn chặn Châu Âu trở thành chiến trường cho cuộc chiến hạt nhân “có giới hạn”. Tuy nhiên, trong gần một thập kỷ, NATO nghi ngờ Nga vi phạm hiệp ước với việc nâng cấp các bệ phóng tên lửa gần Châu Âu. Thay vì thương lượng một giải pháp, ông Trump đã sẵn sàng rời bỏ hiệp ước. Một lý do có thể là: ông Trump muốn Mỹ triển khai các tên lửa tầm ngắn như vậy đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, lựa chọn đó cũng ảnh hưởng đến vai trò của INF ở Châu Âu. Trở lại năm 1987, Hiệp ước INF mang nhiều ý nghĩa và mục đích hơn chỉ là việc sửa chữa những mối nguy hiểm và mối lo ngại đặt ra từ tên lửa hạt nhân tầm ngắn.

Tranh chấp INF chỉ là vấn đề mới nhất chia rẽ Châu Âu khỏi Nga. Tuy nhiên, tầm quan trọng của nó như một vấn đề an ninh sẽ thúc đẩy các nhà lãnh đạo chú ý đến cảnh báo của ông Gorbachev về vai trò hòa bình của hiệp ước - cũng như lời hứa về một Châu Âu hòa bình vĩ đại.

THANH VĂN