Iran cảnh báo Mỹ về thỏa thuận hạt nhân
“Việc Mỹ đang nỗ lực xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân lịch sử đã ký với Iran gửi một thông điệp rất nguy hiểm rằng, các nước đừng bao giờ đàm phán với Washington”, Ngoại trưởng Iran đã cảnh báo như vậy trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên chuẩn bị gặp nhau cho các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa.
Iran từ trước đến nay luôn khẳng định, chương trình hạt nhân của họ vì mục đích dân sự. Ảnh: AP |
Trả lời phỏng vấn trong chương trình “Face the Nation” của đài CBS ngày 22-4, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cảnh báo, nước này sẵn sàng nối lại chương trình hạt nhân gây tranh cãi ở tốc độ nhanh hơn nhiều, nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký năm 2015.
Vị thủ lĩnh ngoại giao Iran nhắc lại cảnh báo của Tổng thống Hassan Rouhani, người khẳng định Washington sẽ hối hận khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và nhấn mạnh, Tehran sẽ đáp trả trong vòng một tuần nếu điều đó xảy ra.
Không thể có thỏa thuận một chiều
Trong “tối hậu thư” mới nhất gửi đến Mỹ, quốc gia Hồi giáo này đã cảnh báo, nếu Mỹ hủy bỏ thỏa thuận này, Iran sẽ không tuân theo các điều khoản đã ký trong đó cùng với các nước khác gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga. “Điều quan trọng là chúng tôi phải nhận được những lợi ích của thỏa thuận và không có lý do gì mà chúng tôi phải thực hiện một chiều”, Ngoại trưởng Zarif nhấn mạnh.
Hôm 21-4, trả lời báo giới tại New York, ông Zarif cũng cảnh báo, nỗ lực của Mỹ nhằm thay đổi thỏa thuận hạt nhân đã gửi đi thông điệp rất nguy hiểm. “Việc Mỹ đang nỗ lực xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân lịch sử đã ký với Iran gửi đi thông điệp rất nguy hiểm rằng, các nước đừng bao giờ đàm phán với Washington”, Ngoại trưởng Iran cảnh báo như vậy trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên chuẩn bị gặp nhau để đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.
Theo thỏa thuận, Tehran đồng ý kiềm chế chương trình hạt nhân nhằm thuyết phục các cường quốc rằng chương trình này không thể được sử dụng để phát triển bom nguyên tử. Đổi lại, các nước sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Tuy nhiên, theo cáo buộc của ông Zarif, “Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đã làm mọi thứ có thể để ngăn chặn Iran hưởng lợi từ thỏa thuận này”.
Số phận “ngàn cân treo sợi tóc”
Tổng thống Trump sẽ có quyết định về số phận thỏa thuận này trước ngày 12-5, trong đó, ông chủ Nhà Trắng sẽ xem xét liệu có nên khôi phục các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Tehran hay không. Nếu có, đó sẽ là cú đánh nghiêm trọng đối với thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) này.
Với những tuyên bố cùng với cam kết của ông Trump, khả năng này rõ ràng đang hiện hữu trước mắt. Tổng thống Trump sau đó nhiều lần đe dọa hủy bỏ thỏa thuận này. Năm 2017, ông chủ Nhà Trắng đã từ chối xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân đạt được năm 2015 và đề nghị có trừng phạt mới. Theo quy định, Tổng thống Mỹ phải xác nhận với Quốc hội sau mỗi 90 ngày rằng, Iran tuân thủ thỏa thuận. Lúc đó, đã có lo ngại ông Trump sẽ đơn phương rút, nhưng cuối cùng ông đã “đá trái bóng” cho Quốc hội khi đứng trước sức ép trong nước và quốc tế.
Giờ đây, ông tiếp tục gây áp lực cho các đồng minh Châu Âu khi ra hạn chót vào ngày 12-5 cho Anh, Pháp, Đức phải sửa chữa những sai lầm trong thỏa thuận. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel dự kiến sẽ gặp ông Trump tại Washington trong tuần này để bàn về vấn đề này. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Zarif lưu ý, việc Tổng thống Macron và Thủ tướng Merkel “tìm cách khuyên giải Tổng thống Trump sẽ chỉ là nỗ lực vô ích”.
Trong bối cảnh này, các nhà ngoại giao Châu Âu đã nói đến phương án B cho thỏa thuận này. Đó là khả năng nó được cứu vãn mà không cần có Mỹ, với kế hoạch sẽ đưa Washington trở lại sau đó, dưới chính quyền mới không phải của ông Trump. Nhưng khi được hỏi liệu Iran có thể ở lại thỏa thuận với các bên còn lại hay không, ông Zarif nói: “Tôi tin điều này rất khó”.
KHẢ ANH