Iran có thể "sống sót" trước các lệnh trừng phạt của Mỹ?

Thứ hai, 05/11/2018 13:04

Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ của Iran sẽ bắt đầu có hiệu lực vào hôm nay (5-11). Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố, tất cả các lệnh trừng phạt, được dỡ bỏ theo thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, sẽ có hiệu lực trở lại. Lệnh trừng phạt nhắm vào dầu mỏ, lĩnh vực mang lại nguồn thu ngân sách lớn nhất cho Tehran, có khiến nước này điêu đứng?

Iran có trữ lượng dầu thô lớn thứ tư trên thế giới. Ảnh: BBC

Cắt đứt hoàn toàn ngành thương mại dầu mỏ Iran

Tổng thống Donald Trump hồi đầu năm nay tuyên bố rút Mỹ khỏi Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), được Iran ký với nhóm P5+1 (gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Mỹ và Nga cùng với Đức) năm 2015, và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.

Kết quả là, các lệnh cấm vận do Mỹ và các nước khác dỡ bỏ trong năm 2016 hiện đang được Washington đơn phương áp đặt lại. Nhưng các quốc gia khác, trong đó có các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU), cho rằng, Iran đang nắm giữ một phần của thỏa thuận và đã thể hiện rõ ý định không tuân theo sự dẫn dắt của chính quyền ông Trump. Tuy nhiên, sự thống trị của Washington đối với nền thương mại toàn cầu, khiến việc công bố các biện pháp trừng phạt mới đủ để kích hoạt một làn sóng các Cty quốc tế rút đầu tư khỏi Iran, và xuất khẩu dầu thô của Tehran lập tức giảm.

Các biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ nhằm vào những quốc gia tiếp tục nhập khẩu dầu từ Iran và các Cty nước ngoài làm ăn với các thực thể Iran bị liệt vào danh sách đen, trong đó có ngân hàng trung ương nước này, một số Cty tài chính tư nhân và các Cty tàu biển nhà nước. Mỹ đã tuyên bố rõ ràng muốn cắt đứt hoàn toàn ngành thương mại dầu mỏ của Iran, nhưng đã cho phép 8 quốc gia được duy trì nhập khẩu như là một sự nhượng bộ tạm thời qua đó cho họ thời gian để giảm dần lượng nhập khẩu. Đây là các đồng minh của Mỹ như Italia, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Đối phó như thế nào?

Để các Cty có thể tiếp tục giao dịch với Iran mà không phải đối mặt với các hình phạt nặng nề của Mỹ, EU có kế hoạch thành lập cơ chế thanh toán độc lập - một "Phương tiện nhằm mục đích đặc biệt" (SPV) - cho phép các Cty này tránh được hệ thống tài chính của Mỹ.

Giống như một ngân hàng, SPV sẽ xử lý các giao dịch giữa Iran và các Cty kinh doanh với nó, tránh thanh toán trực tiếp cho Iran. Vì vậy, khi Iran xuất khẩu dầu sang Cty của một nước trong EU, Cty này sẽ trả tiền cho SPV. Sau đó, Iran có thể sử dụng khoản thanh toán này để mua hàng hóa từ các nước khác trong EU thông qua SPV. Ví dụ, Iran có thể vận chuyển dầu cho một công ty Tây Ban Nha, tích lũy tiền để có thể được sử dụng để trả cho một nhà sản xuất máy công cụ Đức đổi lấy các sản phẩm - mà không để tiền đi qua tay Iran. EU cũng ban hành một đạo luật - gọi là bức tượng ngăn chặn - cho phép các Cty của EU thu hồi thiệt hại từ các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Tuy nhiên, ngay cả với kế hoạch của EU, cái giá phải trả của các Cty làm ăn với Iran vẫn quá cao. Ví dụ như, ngay cả khi nhà điều hành vận chuyển đã mua dầu thông qua cơ chế SPV, Cty bảo hiểm hàng hóa vẫn có thể phải đối mặt với nguy cơ bị xử phạt thứ cấp và mất khả năng kinh doanh tại Mỹ. Richard Nephew, chuyên gia trừng phạt và nghiên cứu viên cao cấp tại Đại học Columbia cho biết: "Nền kinh tế của Iran không trực tiếp phụ thuộc vào hệ thống tài chính của Mỹ, nhưng vấn đề là hầu hết các đối tác thương mại lớn nhất của Iran đều phải lệ thuộc và điều đó ảnh hưởng đến việc sẵn sàng làm ăn với Iran". Ông Nephew cho rằng, các Cty vừa và nhỏ có nhiều khả năng sẽ sử dụng SPV hơn các Cty lớn.

Một vấn đề khác là sản phẩm được sử dụng trong SPV để giao dịch với Iran cũng có thể vi phạm các lệnh trừng phạt thứ cấp, Leigh Hansson, người đứng đầu bộ phận thương mại quốc tế và an ninh quốc gia tại Reed Smith nói. "Bản thân giao dịch sẽ có vấn đề".

Nỗ lực vượt qua

Mỹ khăng khăng sẽ cắt giảm xuất khẩu dầu của Iran thành con số 0 nhưng điều đó dường như không chắc chắn vì nó sẽ làm tăng giá dầu, theo lời Scott Lucas, giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Birmingham.

Ngoài các quốc gia được phép tiếp tục mua dầu của Iran, sự ủng hộ của Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Iran, là điều quan trọng. Lần trừng phạt quốc tế gần nhất nhằm vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran trong giai đoạn 2010-2016, khiến xuất khẩu của Tehran giảm gần một nửa. Chắc chắn xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian này, nhưng rõ ràng, Iran và các đối tác kinh doanh sẽ  nỗ lực duy trì các liên kết giao dịch.

Ellie Geranmayeh, một thành viên chính sách cấp cao của Hội đồng Quan hệ đối ngoại Châu Âu, cho biết: "Đừng thất vọng về việc sẽ gây đau đớn như thế nào. Nhưng Iran đã vượt qua nhiều vòng cấm vận trước đây". Người Iran sẽ buộc phải tìm ra những cách sáng tạo để bán dầu, dựa vào kinh nghiệm của các lệnh trừng phạt trước đây. Và để lấp đầy khoảng trống do mất đi  khoản đầu tư từ Châu Âu, Iran sẽ hướng về phía đông, bắt tay với Nga và Trung Quốc.

Hôm 3-11, Bộ Ngoại giao Iran lên án Washington vì việc tái áp đặt các biện pháp trừng phạt, đồng thời miêu tả động thái này là một sự sụp đổ về chính trị và đạo đức to lớn đối với chính quyền Mỹ. Tuyên bố khẳng định: "Chúng tôi chắc chắn rằng nước Cộng hòa Hồi giáo Iran có thể tồn tại qua thách thức này với những biện pháp khôn ngoan và đặc biệt, tin tưởng và những khả năng nội tại và sức mạnh quốc tế, cũng như sự hợp tác với các quốc gia thân thiện".

Ngoài ra, tuyên bố của Tehran còn hoan nghênh những quan điểm và tuyên bố chung của EU cũng như quan điểm của chính phủ Nga và Trung Quốc đối với động thái của chính quyền Tổng thống Trump, cam kết của các nước này nhằm duy trì các kênh tài chính với Iran và những hoạt động xuất khẩu dầu khí liên tục, đồng thời nhấn mạnh những động thái và quyết định như vậy là một bước đi xác đáng trên con đường đúng đắn.

AN BÌNH